Chủ trương – chính sách

Hội Nông dân An Giang với những nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm nhiệm kỳ 2018 - 2023

13/09/2018 10:20

Tháng 5 năm 2018, Hội Nông dân tỉnh An Giang đã long trọng tổ chức Đại hội lần thứ IX, nhiệm kỳ 2018 - 2023.

Với sự nỗ lực của các cấp Hội Nông dân trong tỉnh cùng với sự quan tâm chỉ đạo sâu sát Trung Ương Hội Nông dân Việt Nam, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, sự hỗ trợ tích cực của Ủy ban Nhân dân tỉnh và các Ban, Ngành, Đoàn thể trong tỉnh đã góp phần cho Hội Nông dân tỉnh nhà thực hiện đạt và vượt 12 chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội khóa VIII đề ra, trong đó:

Ba phong trào thi đua lớn của Hội tiếp tục phát triển, trọng tâm là phong trào nông dân thi đua xây dựng nông thôn mới tiếp tục khẳng định vai trò chủ thể của nông dân. Qua đó các cấp Hội đã có bước trưởng thành về nhiều mặt, từng bước vươn lên khẳng định là trung tâm nòng cốt trong công cuộc xây dựng nông thôn mới; Tăng trưởng Quỹ HTND lớn, trên 20 tỷ đầu tư cho chuyển đổi mô hình sản xuất, không có nợ quá hạn.Xây dựng các chương trình dự án, kêu gọi được nguồn lực lớn, trên 15 tỷ, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất và nâng cao đời sống.Làm tốt công tác an sinh xã hội, nhất là vùng biên giới, dân tộc hỗ trợ Tole trên 370 căn nhà cho hộ nghèo.

Để phát huy những thành tích đạt được trong nhiệm kỳ qua. Hội Nông dân An Giang đề ra các chỉ tiêu chủ yếu và nhiệm vụ, giải pháp như sau:

Các chỉ tiêu chủ yếu:

1/- Tuyên truyền trên 97% hội viên, nông dân về Nghị quyết, chủ trương của Đảng, chính sách, Pháp luật của Nhà nước và chương trình, Nghị quyết của Hội;

2/- Phấn đấu 100% cán bộ chuyên trách các cấp được đào tạo, bồi dưỡng công tác hội; 100% Hội Nông dân huyện và cơ sở vững mạnh; 95% Chi Hội xây dựng và thực hiện đầy đủ 04 nội dung chủ động, phát huy hiệu quả Chi hội nghề nghiệp; Đến cuối nhiệm kỳ phát triển hội viên đạt 80% so với hộ nông nghiệp toàn tỉnh (chỉ tiêu đột phá)

3/- Phấn đấu 100% Chi Hội có quỹ hội, bình quân 40.000 đ/hội viên.

4/-. Đến cuối nhiệm kỳ quỹ hỗ trợ nông dân toàn tỉnh đạt 28 - 30 tỷ đồng, hỗ trợ từ 2.500 - 3.000 lượt hội viên phát triển sản xuất.

5/- Xây dựng, kêu gọi đầu tư từ 8-10 dự án, hỗ trợ cho trên 3.000 hộ hội viên.

6/- Số hộ nông dân giỏi trong nhiệm kỳ tăng 5% trở lên (trên 93.000 hộ), thu nhập nông dân giỏi cấp tỉnh tăng từ 1,5 - 2 lần so 2018 (250 - 300 triệu đồng/người). Tạo điều kiện để 5% nông dân giỏi cấp tỉnh khởi nghiệp trở thành doanh nhân nông thôn, chủ trang trại (trên 4.500 hộ); hàng năm có từ 100 nông dân tham quan học tập mô hình sản xuất trong nước, 20 - 30 nông dân học tập ngoài nước với sự hỗ trợ một phần từ ngân sách Nhà nước.(chỉ tiêu đột phá)

7/- 100% cán bộ Hội ở các xã điểm nông thôn mới (trên 60 xã) được nâng cao kỹ năng tuyên truyền; tuyên truyền trên 95% hội viên về các tiêu chí xây  dựng nông thôn mới; trên 90% hội viên nông dân tham gia bảo hiểm y tế.

8/- Trong nhiệm kỳ, đào tạo nghề trực tiếp cho 3.000 - 4.000 nông dân, giới thiệu việc làm từ 2.000 - 2.500 nông dân.

9/- Xây dựng hệ thống thông tin nối kết trong hệ thống Hội từ tỉnh đến cơ sở; hàng năm tổ chức Phiên chợ hàng nông sản an toàn, kết nối cung cầu cho nông dân; phấn đấu từ 90 - 95% gia đình hội viên đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa hàng năm; 100% cơ sở Hội cử người tham gia tổ hòa giải ở cơ sở.

10/- Đến cuối nhiệm kỳ, mỗi khóm (ấp) có ít nhất 02 - 03 tổ hợp tác, toàn tỉnh có 1.500 tổ hợp tác; phấn đấu có 10-15% tổ hợp tác mạnh, đủ điều kiện lên hợp tác xã nông nghiệp; Tất cả phường-xã-thị trấn đều có câu lạc bộ nông dân giỏi, mỗi huyện đều có câu lạc bộ sáng tạo kỹ thuật, có 01 - 02 mô hình-sản phẩm tiêu biểu có nhãn hiệu, thương hiệu gắn với thế mạnh địa phương; có ít nhất 45-50 % cơ sở Hội có "Câu lạc bộ nông dân với Pháp luật" (chỉ tiêu đột phá).

11/-Hàng năm mỗi cơ sở Hội giới thiệu ít nhất từ  01 - 02 cán bộ, hội viên, nông dân ưu tú cho Đảng xem xét, phát triển.

Giải pháp chủ yếu:

1/- Tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, giáo dục cho hội viên, nông dân các chủ trương, Nghị quyết của Đảng, chính sách, Pháp luật của Nhà nước và chương trình hành động do tổ chức Hội đề ra; Đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.Tích cực đối thoại với nông dân để nắm bắt và phản ánh, đề xuất kịp thời tâm tư, nguyện vọng của nông dân đến Đảng, Nhà nước và các ngành, các cấp liên quan.

2/- Kiện toàn tổ chức, sắp xếp bộ máy, bố trí cán bộ Hội các cấp đúng chức năng, nhiệm vụ và sở trường, phấn đấu trong nhiệm kỳ, cơ cấu cán bộ lãnh đạo là nữ và dân tộc đảm bảo theo yêu cầu. Củng cố, nâng cao hoạt động chi, tổ hội 4 chủ động cùng với phát triển chi, tổ hội nghề nghiệp.

3/-Thực hiện Quyết định 217-218, của Bộ chính trị về nâng cao vai  trò giám sát, phản biện của Mặt trận Tổ quốc và các Đoàn thể và góp xây dựng Đảng, chính quyền. Hàng năm mỗi cấp Hội xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát nhằm phát huy cao vai trò của tổ chức Hội, cán bộ - hội viên, góp phần nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát của các cấp Hội; Tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức tôn trọng pháp luật cho nông dân trong sản xuất, kinh doanh tham gia quá trình hội nhập quốc tế.

4/- Tiếp tục phối hợp với ngành thực hiện Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2016 - 2020 định hướng đến năm 2025” của tỉnh.Tiếp tục thực hiện Nghị quyết 09/NQ.TU về “Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”.Tham gia thực hiện tốt Quyết định số 844/QĐ-TTg, của Thủ tướng chính phủ về phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”; Kế hoạch số 237-KH/HNDTW, của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam về tổ chức Hội nghị khởi nghiệp nông dân. Tạo môi trường, điều kiện kết nối, giao lưu giữa nông dân với nông dân, nông dân với doanh nhân và chuyên gia kinh tế… giúp nông dân khởi nghiệp hiệu quả. Triển khai hiệu quả Đề án “Nông dân giỏi khởi nghiệp thành doanh nhân nông thôn, chủ trang trại giai đoạn 2017 - 2020 định hướng đến năm 2023”.Thực hiện tốt Đề án “Tổ chức cho cán bộ, hội viên nông dân giỏi tham quan học tập trong và ngoài nước”.

5/- Đổi mới hoạt động Câu lạc bộ doanh nhân nông thôn và chuyển đổi Câu lạc bộ nông dân thành câu lạc bộ nông dân giỏi. Đưa phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi đi vào chiều sâu, hướng dẫn nông dân tham gia tái cơ cấu ngành nông nghiệp, sản phẩm đủ sức cạnh tranh trên thị trường. Xây dựng mô hình chuỗi liên kết sản xuất- kinh doanh để nhân rộng và hình thành vùng sản xuất chuyên canh, công nghệ cao. Hỗ trợ xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, hàng năm tổ chức Phiên chợ nông sản an toàn, xúc tiến tiêu thụ nông sản cho nông dân.

6/- Tăng cường phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức dịch vụ về vốn và cung ứng thiết bị, vật tư nông nghiệp; Hỗ trợ nông dân tiếp cận với khoa học kỹ thuật gắn với thực hiện cánh đồng lớn, chuỗi giá trị theo Quyết định 62/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; Tăng cường mối liên kết 4 nhà theo KL 61-KL/TW của Ban Bí thư và quyết định 673/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Quyết định 1928/QĐ-UBND của Ủy Ban nhân dân tỉnh An Giang, làm tốt hoạt động dịch vụ hỗ trợ nông dân.

7/- Tập trung xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị để phục nhu cầu nâng cao chất lượng dạy nghề. Đối mới nội dung và phương pháp dạy nghề cho nông dân; Phát huy hiệu quả các hoạt động dịch vụ hỗ trợ nông dân, phấn đấu trở thành đơn vị tự chủ về tài chính vào cuối nhiệm kỳ.

8/- Thực hiện hiệu quả Quyết định 81/2014/QĐ-TTg, của Thủ tướng Chính phủ về phối hợp giữa các Bộ, Ngành, Ủy Ban nhân dân các cấp và các cấp Hội Nông dân trong tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo của nông dân; phát huy hiệu quả công tác hòa giải ở địa phương và củng cố các Tổ hòa giải nông dân tại cơ sở.

9/- Phối hợp các ngành, doanh nghiệp bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nông dân tham gia phát triển các hình thức kinh tế hợp tác trong nông nghiệp; tổ chức tập huấn về kinh tế hợp tác, Luật Hợp tác xã, phát triển kinh tế hợp tác phù hợp. Tham gia thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội; Vận động nâng cao sức khỏe nhân dân, thực hiện an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn lao động, an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu…

10/- Tích cực tham gia thực hiện Đề án phát triển hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã giai đoạn 2016 - 2020 của Ủy Ban nhân dân tỉnh; Đề án “Liên kết vùng đồng bằng Sông Cửu Long phát triển sản xuất và tiêu thụ lúa gạo, trái cây, thủy sản và nâng cao năng lực nông dân”; Cùng các Ngành liên quan, tham mưu xây dựng chính sách hỗ trợ kinh tế hợp tác.

11/- Làm tốt công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức của nông dân trong chấp hành các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; Kịp thời nắm bắt khó khăn, bức xúc của nông dân về nông nghiệp, nông thôn để kiến nghị với Đảng, Nhà nước tháo gỡ khó khăn cho nông dân.Tích cực đối thoại với nông dân để nắm bắt và phản ánh, đề xuất kịp thời tâm tư, nguyện vọng của nông dân đến Đảng, Nhà nước và các ngành, các cấp liên quan. Nâng cao hiệu quả công tác vận động nông dân tích cực hưởng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh” do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc phát động;

12/- Tham gia xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân vững chắc kết hợp phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh; đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi các loại tội phạm, giữ vững chủ quyền quốc gia, giữ vững an ninh biên giới.Vận động hội viên, nông dân tham gia phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc, chủ quyền, biên giới; Vận động con, em nông dân thực hiện Luật Nghĩa vụ quân sự.

13/- Đẩy mạnh các chương trình hợp tác khai thác nguồn lực nhất là các tổ chức phi chính phủ thông qua việc xây dựng đề xuất các dự án - đề án về phát triển mô hình sản xuất, giảm nghèo giúp nâng cao thu nhập nhất là nông dân vùng dân tộc thiểu số, vùng núi.

Phát huy những thành quả đã đạt được trong nhiệm kỳ qua, toàn thể cán bộ, hội viên, nông dân tỉnh An Giang chung sức, chung lòng, phát huy dân chủ, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ IX, nhiệm kỳ 2018 - 2023; góp phần thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Tỉnh Đảng bộ lần thứ X và Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VII, nhiệm kỳ 2018 - 2023 ./.

Ngô Trọng