Chủ trương – chính sách

Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ rõ 8 nhiệm vụ phát triển hợp tác xã, yêu cầu không "cưỡi ngựa xem hoa"

15/02/2022 16:22

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW về kinh tế tập thể và tổng kết 10 năm thi hành Luật Hợp tác xã (HTX) năm 2012, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ rõ 8 nhiệm vụ phát triển hợp tác xã trong giai đoạn tới.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu 8 nhiệm vụ phát triển hợp tác xã

Sáng 15/2, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW về kinh tế tập thể và tổng kết 10 năm thi hành Luật Hợp tác xã (HTX) năm 2012.

Tại Hội nghị này, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu tập trung triển khai 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp để phát triển hợp tác xã.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ rõ 8 nhiệm vụ phát triển hợp tác xã, yêu cầu không "cưỡi ngựa xem hoa" - Ảnh 1.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW về kinh tế tập thể và tổng kết 10 năm thi hành Luật Hợp tác xã (HTX) năm 2012

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp diễn biến mới và thực tiễn Việt Nam. 

Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là công nghệ cao, công nghệ số, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức. 

Huy động mọi nguồn lực cho phát triển, nhất là đẩy mạnh hợp tác công - tư. Xây dựng mô hình quản trị kinh tế tập thể, hợp tác xã tiên tiến, kết hợp với mô hình truyền thống phù hợp với tình hình Việt Nam, có kế thừa, ổn định, đổi mới và phát triển.

Tạo cạnh tranh lành mạnh gắn với mở rộng thị trường và phát triển thương hiệu, sản phẩm. 

Tăng cường liên doanh, liên kết, xây dựng thương hiệu sản phẩm theo chuỗi và theo thế mạnh từng khu vực, vùng miền, quy hoạch vùng nguyên liệu hợp lý theo điều kiện từng nơi, từng sản phẩm, quy mô, thị trường… Nâng cao trình độ, năng lực đội ngũ cán bộ và các chủ thể tham gia kinh tế tập thể, HTX.

"Phát triển hợp tác xã trong nông nghiệp là rất quan trọng với tinh thần lấy nông dân làm trung tâm, nông thôn làm nền tảng, nông nghiệp làm động lực, tiếp tục thành lập và phát triển các hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp để khắc phục tình trạng manh mún, nhỏ lẻ, chia cắt, tự phát, hướng đi là theo con đường chính ngạch, vào thị trường khó tính"  - Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ rõ 8 nhiệm vụ phát triển hợp tác xã, yêu cầu không "cưỡi ngựa xem hoa" - Ảnh 2.

Tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu tập trung triển khai 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp để phát triển hợp tác xã

Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, kinh tế tập thể mà nòng cốt là hợp tác xã là thành phần kinh tế quan trọng, luôn được Đảng, Nhà nước khuyến khích và phát triển. 

Việc tham gia ngày càng sâu rộng vào tiến trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế với các cam kết mở thị trường về thương mại hàng hóa, dịch vụ và đầu tư theo các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương, cùng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã tạo ra những cơ hội và thách thức đối với khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã.

Thủ tướng nhấn mạnh, cơ hội, dư địa, không gian, tiềm năng sản xuất, phát triển của kinh tế tập thể, hợp tác xã còn rất lớn, đặc biệt là hợp tác xã nông nghiệp. 

Chúng ta có thị trường trong nước quy mô lớn với gần 100 triệu dân, thị trường quốc tế tiếp tục mở rộng với 17 FTA đã được ký kết và đàm phán. Đồng thời, chúng ta có nhiều cơ chế, chính sách phù hợp thu hút đầu tư, khuyến khích đổi mới tư duy, cập nhật tri thức mới, mạnh dạn ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh, tham gia sâu vào chuỗi giá trị.

Thủ tướng nhấn mạnh, yếu tố quan trọng nhất và quyết định là sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, nhất là người đứng đầu.

"Lăn lộn với thực tiễn, đam mê, cháy bỏng, cháy hết mình với công việc thì nhất định sẽ có sáng kiến, cách làm hay, còn "cưỡi ngựa xem hoa" thì rất khó sáng tạo", Thủ tướng Phạm Minh Chính nói.

Hợp tác xã tạo việc làm cho khoảng 1 triệu lao động

Theo báo cáo tại Hội nghị, đến cuối năm 2021, cả nước có trên 27.000 hợp tác xã, gấp 2,5 lần so với năm 2001 và tăng khoảng 41% so với năm 2013; khu vực hợp tác xã thu hút gần 6 triệu thành viên và tạo việc làm cho khoảng 1 triệu lao động. 

Doanh thu, lợi nhuận của hợp tác xã tăng dần qua các năm. Thu nhập bình quân của lao động thường xuyên trong hợp tác xã tăng và ngày càng thu hẹp khoảng cách so với thu nhập bình quân của lao động khu vực doanh nghiệp, từ mức 44,6 triệu đồng/người/năm, bằng 44,8% mức thu nhập của lao động trong khu vực doanh nghiệp năm 2017 đã tăng lên 52,8 triệu đồng/năm và đạt 47,3% năm 2019.

Tuy nhiên, khu vực kinh tế tập thể vẫn chưa phát huy được hết tiềm năng, lợi thế, chưa thực sự trở thành nền tảng của nền kinh tế quốc dân. 

Tốc độ tăng trưởng khu vực kinh tế tập thể còn thấp và tỉ trọng đóng góp vào GDP giảm liên tục, không đạt được mục tiêu Nghị quyết đề ra. 

Đặc biệt, khung khổ pháp luật, chính sách về kinh tế tập thể, hợp tác xã còn nhiều rào cản, mâu thuẫn, chồng chéo.

Tại Hội nghị, các đại biểu cho rằng, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang phát triển mạnh mẽ, cạnh tranh kinh tế, thương mại trên toàn cầu ngày càng gay gắt, tiêu chuẩn của người dân và chính sách của các nước trên thế giới ngày càng khắt khe, kinh tế hộ nhỏ lẻ, manh mún, sản xuất hàng hóa phi tiêu chuẩn rất khó có chỗ đứng, cạnh tranh, tồn tại và phát triển. 

Vì vậy, hợp tác là con đường tất yếu để cùng phát triển, khu vực kinh tế tập thể phải nắm lấy vai trò dẫn dắt các hộ sản xuất cá thể nhỏ, lẻ, các tổ hợp tác tạo thành chuỗi giá trị sản xuất lớn đủ sức cạnh tranh trên thương trường, đem lại lợi ích cho thành viên.

TVB (theo: danviet.vn)