Hoạt động Hội

Hội nghị tổng kết sản xuất lúa Nhật năm 2018

28/11/2018 15:04

Để sản xuất lúa Nhật trên địa bàn tỉnh đạt kế hoạch 4.000 ha trong năm 2019 như kế hoạch đề ra, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Thư có ý kiến chỉ đạo như sau.

1/- Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp Hội Nông dân tỉnh và Công ty, các cơ quan liên quan khẩn trương xây dựng Kế hoạch sản xuất lúa Nhật trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 trình UBND tỉnh phê duyệt, trong đó: Định hướng các vùng sản xuất chuyên canh quy mô từ 100 - 200 ha gần khu vực nhà máy chế biến của Công ty, thực hiện xây dựng QA code để truy xuất nguồn gốc và xây dựng các tiêu chuẩn chất lượng trong sản xuất lúa Nhật tại tỉnh.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan xây dựng các Tổ hợp tác và các Hợp tác xã ở mỗi vùng chuyên canh sản xuất lúa Nhật; đồng thời, đề xuất UBND tỉnh ưu tiên hỗ trợ các Hợp tác xã, Tổ hợp tác sản xuất lúa Nhật: 05 máy cấy trong Chương trình sản xuất lúa Nhật và 05 máy cấy trong Chương trình sản lúa giống của tỉnh.

2/- Giao Sở Nông nghiệp Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp Liên minh Hợp tác xã tỉnh, các cơ quan liên quan khẩn trương hình thành ít nhất 05 Hợp tác xã kiểu mới tại 05 huyện, thị xã và thành phố đã triển khai Chương trình hợp tác sản xuất lúa Nhật với Công ty, trong đó ưu tiên thực hiện tại các vùng mở rộng sản xuất lúa Nhật tại khu vực Nhà máy của Công ty (Thoại Sơn). Các Hợp tác xã kiểu mới này có hình thành tổ chức trung gian vận chuyển lúa đến nhà máy của Công ty; và đề nghị Công ty có chính sách thu mua lúa của nông dân phù hợp.

Về đề nghị hỗ trợ vốn cho nông dân và Hợp tác xã tham gia liên kết sản xuất với Công ty: Giao Sở Nông nghiệp và Phất triển nông thôn chủ trì, phối hợp Hội Nông dân tỉnh, các cơ quan liên quan hỗ trợ nông dân và Hợp tác xã tiếp cận nguồn vốn ưu đãi theo Quyết định số 98/2016/QĐ-UBND ngày 22/12/2016 của UBND tỉnh.

3/- Đề nghị Hội Nông dân tỉnh chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan xây dựng ít nhất 05 Câu lạc bộ sản xuất lúa Nhật để hỗ trợ nông dân trong quá trình tham gia liên kết sản xuất lúa Nhật với Công ty. Đồng thời, thông qua câu lạc bộ này, Hội Nông dân tỉnh chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan tiến hành xây dựng Chương trình đào tạo về quy trình sản xuất lúa Nhật cho nông dân (theo phương châm: cầm tay chỉ việc).

4/- Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Công ty, các cơ quan liên quan làm việc cụ thể với Cục Trồng trọt để đề nghị công nhận đặc cách quy trình sản xuất lúa Nhật tại tỉnh An Giang.

5/- Đề nghị Công ty sớm triển khai xây dựng thương hiệu gạo Nhật tại tỉnh An Giang, trong đó xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể từng bước như: Triển khai thí điểm 10 - 20 ha tại các vùng chuyên canh sản xuất lúa Nhật theo tiêu chuẩn Châu Âu và Nhật Bản với quy trình canh tác lúa SRP (quy trình sản xuất lúa gạo bền vững),...

6/- Về lâu dài: Đề nghị Công ty có kế hoạch dài hơn trong sản xuất lúa Nhật trên địa bàn tỉnh để từ đó xây dựng chiến lược tập trung các thị trường nhập khẩu gạo cao cấp như Châu Âu, Nhật Bản,... Đây là mong muốn của UBND tỉnh An Giang trong định hướng nâng cao chất lượng, giá trị và tiến đến xây dựng thương hiệu gạo tỉnh An Giang trong thời gian tới.

Để đồng hành thực hiện nhiệm vụ này, giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Công ty, các cơ quan liên quan xây dựng Chương trình cụ thể về sản xuất lúa Nhật trên địa bàn tỉnh, trong đó có 03 dòng sản phẩm gạo tập trung thị trường thông thường và 01 dòng sản phẩm gạo tập trung thị trường cao cấp ở Châu Âu nhằm hỗ trợ Công ty từng bước xây dựng thương hiệu gạo, đáp ứng nhu cầu thị trường quốc tế.

Theo: TB số 421/TB-VPUBND tỉnh