Hoạt động Hội

Sơ kết dự án "Nâng cao lợi ích từ sản xuất và tiêu thụ đường thốt nốt..."

20/07/2018 16:41

Sáng  ngày 20/07, Tại khách sạn Hòa Bình II, Ban Quản lý và Điều hành dự án “Nâng cao lợi ích từ sản xuất và tiêu thụ đường thốt nốt cho đồng bào Khmer tỉnh An Giang” tại 2 huyện Tri Tôn và Tịnh Biên tổ chức hội nghị sơ kết năm thứ 2 thực hiện dự án

Ông Nguyễn Xuân Định phát biểu tại hội nghị

Đến dự có Ông Nguyễn Xuân Định - UVTU - Trưởng Ban Hợp tác Quốc tế - Hội Nông dân Trung Ương; Ông Châu Văn Ly - Tỉnh Ủy viên - Chủ Tịch Hội Nông dân tỉnh - Kiêm trưởng Ban Điều hành & Quản lý dự án; Văn Phòng UBND tỉnh; Sở NN và Phát triển Nông thôn; Sở Khoa học và Công nghệ, Ban Dân vận Tỉnh ủy, Lãnh đạo UBND và Hội Nông dân xã và các hộ Khmer tham gia dự án của 2 huyện Tịnh Biên và Tri Tôn cùng dự

Theo báo cáo của , Ban Điều hành & Quản lý (ĐH&QL) dự án đã tiến hành tổ chức được 4/4 lớp tập huấn về quy trình sản xuất và chế biến đường thốt nốt đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm có 80 học viên tham dự, đạt 100% kế hoạch đề ra. Qua lớp tập huấn, các học viên đã được trang bị thêm một số kiến thức mới về sản xuất, chế biến đường thốt nốt theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm; kỹ thuật để cây thốt nốt cho ra số lượng nước tối đa; các biện pháp nhằm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, và hướng dẫn nông dân hiểu biết thêm về việc sản xuất phải gắn với thị trường và đầu ra sản phẩm để nâng cao thu nhập, không như trước đây là chỉ sản xuất ra rồi chờ thương lái đến mua. Ngoài ra, học viên còn được hiểu thêm về mục tiêu hoạt động, các chính sách của dự án; trách nhiệm của cá nhân khi tham gia dự án. Bên cạnh đó, học viên còn được hiểu thêm về vai trò và sự cần thiết để thành lập tổ hợp tác. Sau khi kết thúc các lớp tập huấn, Ban ĐH&QL dự án cùng với HND các xã đã hướng dẫn và hỗ trợ thành lập được 4 Tổ hợp tác sản xuất theo Nghị định 151 của Chính Phủ với 80 thành viên.

Ông Châu Văn Ly gợi ý thảo luận

Bên cạnh đó, Ban ĐH&QL dự án đã tìm hiểu và liên hệ với các cơ sở thiết kế mẫu máy đánh đường và tổ chức lấy ý kiến của các hộ tham gia để đánh giá hiệu quả mang lại, sau khi có ý kiến đóng góp đã thay đổi và hoàn chỉnh máy đánh đường, đặt cơ sở thiết kế 82 máy đánh đường cho 82 hộ được chọn của 8 xã và đã trang bị thêm cho một hộ trong năm thứ II của dự án.

Đại biểu xem máy đánh đường

Thành công của dự án là xây dựng và đăng ký nhãn hiệu, logo cho sản phẩm đường thốt nốt Bảy Núi (sản phẩm truyền thống của người Khmer An Giang) là kết quả quan trọng nếu như không muốn nói là hoạt động đột phá của Dự án. Vì khi có thương hiệu và được đăng ký sở hữu trí tuệ thì đường thốt nốt Bảy Núi, với chất lượng đảm bảo và được công nhận thì sẽ dễ dàng thâm nhập vào các siêu thị, điểm dừng chân trong và ngoài tỉnh, sản phẩm đặc sản của An Giang được nhiều người biết đến. Từ đó, sản phẩm sẽ bán được nhiều hơn, giá cao hơn, thu nhập của các hộ sản xuất cũng tăng lên, đời sống của họ từng bước được cải thiện. Góp phần xóa đói giảm nghèo ở địa phương, xã hội ổn định.

Đại biểu xem sản phẩm đường thốt nốt đã được đăng ký nhãn hiệu, logo

Qua 2 năm thực hiện dự án tại 8 xã của 2 huyện đã góp phần thay đổi nhận thức của người dân về việc sản xuất ra các sản phẩm an toàn và chất lượng, sự tham gia của người dân từng bước được nâng lên, sự hợp tác trong thực hiện các hoạt động từng bước được nâng dần, đời sống của các hộ dân tham gia dự án từng bước được cải thiện. Mục tiêu hoạt động của dự án đạt trên 75% so tính đến thời điểm hiện tại.

TVB