Kinh tế - xã hội

An Giang: Hiệu quả từ Quỹ hỗ trợ nông dân

07/03/2019 08:25

Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh An Giang được xem là một trong những giải pháp giúp nhiều hội viên, nông dân phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, đẩy mạnh xóa đói, giảm nghèo tại địa phương.

Theo thống kê của Hội Nông dân tỉnh An Giang, tổng dư nợ cho vay 20,266 tỷ đồng, với 144 dự án và các nhóm hộ vay theo cùng ngành nghề sản xuất, có 995 hộ vay đầu tư phát triển sản xuất. Trong đó, trồng trọt 70 dự án (chiếm 48,6%), chăn nuôi 38 mô hình (chiếm 26,4%), thủy sản 19 mô hình (chiến 13,2%), dịch vụ ngành nghề 17 dự án (chiếm 11,8%). Tăng 3,09 tỷ đồng so năm 2107, Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND) trở thành nguồn lực thiết thực, giúp nông dân, nhất là những nông dân có ý chí làm giàu nhưng thiếu vốn, đẩy mạnh sản xuất, chăn nuôi. Có nguồn vốn, được hỗ trợ về kỹ thuật, nhiều hội viên, nông dân mở rộng sản xuất, phát triển kinh tế gia đình.

Những mô hình vay vốn đã có hiệu quả kinh tế cao và được nhân rộng sang nhiều hộ và nhiều địa phương khác như:

Chợ Mới: Mô hình trồng xoài theo tiêu chuẩn VietGap xã Bình Phước Xuân sổ tiền 1,3 tỷ đồng, có 35 hộ vay vốn, một năm lợi nhuận binh quân từ 300 - 400 triệu đông/ha. Mô hình này hiện nay đã được đưa vào chương trình trồng xoài theo tiêu chuẩn VietGap và được nhân rộng hầu hết diện tích đất canh tác tại 3 xã Bình Phước Xuân, Mỹ Hiệp, Tấn Mỹ. Ngoài giải quyết việc làm trong canh tác xoài, thông qua các cơ sở sản xuất dưa xoài tận dụng từ trái non loại bỏ giải quyết việc làm thường xuyên cho hàng chục lao động nhất là phụ nữ tại địa phương.

Thoại Sơn với mô hình chuyển đổi sản xuất từ đất lúa, vườn tạp không hiệu quả sang trồng cây ăn trái thuộc dự án trồng cây ăn trái theo hướng an toàn tại xã Định Thành, một năm lợi nhuận bình quân từ 115 - 123 triệu đồng/ha (Tăng 1,5-2 lần so trồng lúa);

Châu Phú với mô hình trồng bưởi da xanh ruột đỏ tại xã Khánh Hòa, lợi nhuận bình quân từ 250 - 400 triệu đồng/ha (Tăng 2 - 2,5 lần so trồng lúa).

Mô hình nuôi lươn trong bồn tại phường Mỹ Thới –T P.Long Xuyên, xã Vĩnh Châu - Tp.Châu Đốc tận dụng diện tích đất ở để nuôi và nguồn thức ăn là ốc bươu vàng, các loại thủy sản mùa lũ giá trị thấp, góp phần giải quyết việc làm cho lao động nữ, sản phảm có thị trường tiêu thụ ổn định.

Ngoài ra, còn một số mô hình như tổ hợp tác chăn nuôi bò, trồng rau màu theo hướng an toàn, chuyển đổi sản xuất từ đất lúa, vườn tạp không hiệu quả sang trồng cây ăn trái, mở cửa hàng bán rau sạch ... đã đem lại hiệu quả đáng kể, tiếp thêm nguồn lực giúp nông dân mở rộng sản xuất, tạo thêm nhiều việc làm, tăng thu nhập gia đình, đâu tư cho con em học hành đến nơi đến chốn. Từ đó, thu hút nông dân tham gia vào tổ chức Hội, củng cố niềm tin và tạo sự gắn bó của hội viên với tổ chức Hội Nông dân; khẳng định vai trò, vị thế làm trung tâm nồng cốt trong các phong trào nông dân và công cuộc xây dựng nông thôn mới; hoạt động Hội và phong trào nông dân có nội dung phong phú hơn, thu hút được đông đảo hội viên tham gia sinh hoạt, chất lượng hoạt động được nâng lên.

Để Quỹ HTND trở thành nguồn lực thiết thực, đồng hành với hội viên, nông dân trong phát triển sản xuất, kinh doanh, hội nông dân các cấp cần quan tâm, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ chuyên trách cơ sở. Bên cạnh đó, tích cực kiểm tra, giám sát về sử dụng nguồn vốn, tránh tình trạng đầu tư kém hiệu quả dẫn tới nợ xấu, nợ quá hạn. Đẩy mạnh các chương trình hoạt động hướng về cơ sở, tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, sản xuất theo hướng hàng hóa, định hướng về thị trường tiêu thụ nông sản cho nông dân. Có như vậy, Quỹ HTND mới phát huy hiệu quả, tạo động lực cho nhiều hội viên đầu tư, mở rộng sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, vươn lên làm giàu chính đáng.

TVB