Mô hình sản xuất

Hội quán nông dân mô hình giúp nông dân liên kết sản xuất, làm giàu

29/11/2019 15:49

Với mục tiêu vận động, tập hợp nông dân liên kết sản xuất, cùng chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi những phương pháp, cách thức sản xuất nông nghiệp mang hiệu quả kinh tế cao gắn với nhu cầu thị trường.

Đây là mô hình liên kết tự nguyện của nông dân nhằm chia sẻ những kiến thức trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, kinh tế, xã hội, môi trường… các thành viên cùng nhau chia sẽ kinh nghiệm, hỗ trợ nhau trong sản xuất, kinh doanh. Hướng đến sự thay đổi nếp nghĩ, cách làm của nông dân từ sản xuất đơn lẻ sang liên kết sản xuất, giúp nhau làm giàu.

Hội Nông dân huyện Chợ Mới đã thành lập được 18 mô hình Hội quán với khoảng 700 thành viên tham gia. Hội quán còn là nơi để Hội truyền tải thông tin liên quan đến chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước, những vấn đề liên quan đến kinh tế-xã hội địa phương.

Đại biểu tham dự Hội nghị sơ kết hoạt động mô hình Hội quán

Cùng với việc tham gia mô hình “Dân vận khéo” năm 2019, Hội Nông dân huyện triển khai thực hiện mỗi xã, thị trấn thành lập “mô hình Hội quán gắn với sản phẩm nông sản”. Bên cạnh đó, Hội còn phối hợp ngành nông nghiệp, mời gọi công ty, doanh nghiệp; các tổ chức tín dụng, ngân hàng ký kết tiêu thụ sản phẩm nông sản, tư vấn và hỗ trợ vốn vay ưu đãi cho các thành viên Hội quán.

Lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương tham dự Hội nghị sơ kết mô hình Hội quán

Mô hình hoạt động Hội quán rất đa dạng như: làm vườn, trồng hoa màu, trồng lúa, hoa kiểng, kinh doanh vật tư nông nghiệp. Trong đó, nổi bật là Hội quán Gap Cù Lao Giêng, xã Bình Phước Xuân, tập hợp nhiều thành viên áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, chứng chỉ an toàn trong sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, Hội quán còn ký kết hợp đồng cung cấp vật tư nông nghiệp, trị giá 500 triệu đồng, bằng hình thức trả chậm, cho các thành viên với công ty Bình Điền 2 và công ty Tín Tâm. Một số Hội quán còn chủ động tổ chức đi tham quan, học tập kinh nghiệm, mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả trong và ngoài huyện cho các thành viên: mô hình trồng màu, trồng xoài ba màu, chăn nuôi lươn thương phẩm, trồng sầu riêng…đồng thời, thành viên Ban Chủ nhiệm Hội quán còn tranh thủ tìm kiếm đối tác là công ty, doanh nghiệp, đại lý, ký kết hợp đồng tiêu thụ nông sản cho thành viên Hội quán, các sản phẩm như: xoài ba màu, bưởi da xanh, mãng cầu xiêm, bắp non, rau an toàn…

Hội quán tổ chức sinh hoạt lệ hàng tháng một lần. Địa điểm sinh hoạt tại nhà của thành viên Hội quán hoặc Ban Chủ nhiệm. Một số Hội quán còn linh động tổ chức sinh hoạt tại quán cà phê, tạo điều kiện thuận tiện cho các thành viên tham gia.

Hội quán nông dân là mô hình đầu tiên trên địa bàn huyện Chợ Mới trong tổng số 11 huyện-thị-thành của tỉnh. Để phát huy hiệu quả và nhân rộng mô hình Hội quán trong giai đoạn đầu, cần sự chung tay, quan tâm giúp đỡ lãnh đạo cấp ủy, chính quyền địa phương, và Hội Nông dân, nhằm phát triển và duy trì mô hình Hội quán, trong đó cần chú trọng:

Đ/c Nguyễn Văn Nhiên-Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh phát biểu tại Hội nghị

1) Đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến hội viên, nông dân về mục đích, ý nghĩa mô hình Hội quán. Chọn một vài mô hình Hội quán tiêu biểu làm điểm. Từ đó nhân rộng mô hình hay, hiệu quả và định kỳ khen thưởng khích lệ nhằm đẩy mạnh mô hình Hội quán nông dân trên địa bàn toàn tỉnh.

2) Đào tạo nâng cao năng lực điều hành, lãnh đạo của Ban chủ nhiệm, tạo điều kiện hỗ trợ cơ sở vật chất Hội quán hoạt động, gắn kết hỗ trợ đầu vào và tiếp cận chính sách tín dụng ưu đãi, để mở rộng quy mô hoạt động Hội quán; giúp Hội quán xây dựng thương hiệu sản phẩm, xúc tiến hoạt động thương mại; qua đó giải quyết bài toán đầu ra nông sản cho hội viên, từng bước giúp hội viên, nông dân ổn định thu nhập, nâng cao đời sống, góp phần đẩy nhanh quá trình xây dựng nông thôn mới địa phương.

3) Cần xác định nội dung sinh hoạt Hội quán phù hợp, sát tình hình thực tiễn địa phương, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng hội viên và định hướng phát triển từng mô hình Hội quán gắn với quy hoạch vùng nguyên liệu; kịp thời nắm bắt thông tin liên quan đến sản xuất nông nghiệp, mô hình tiêu biểu trong áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường; phù hợp xu thế phát triển hiện nay.

Có thể nói mô hình Hội quán ra đời, nhằm phát huy tính chủ động, sáng tạo, cách làm hay trong sản xuất, là nơi để nông dân trao đổi thông tin trong quá trình sản xuất và đời sống. Giúp Hội Nông dân thuận lợi trong tuyên truyền chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, Nghị quyết của Hội đến nông dân một cách dễ dàng, nhanh chóng; đồng thời còn ghi nhận kịp thời tâm tư, nguyện vọng của nông dân để kiến nghị đến Đảng, Nhà nước, Hội cấp trên những vấn đề liên quan và ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và sản xuất của nông dân.

Mô hình Hội quán còn góp phần thay đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, thị trường, hàng hóa, lấy chất lượng là tiên phong, qua đây giúp nông dân hiểu được họ đang cần gì và sẽ làm những gì, không còn tư tưởng trông chờ cấp ủy, chính quyền nghĩ thay và ấn định. Từng thành viên biết tận dụng, chia sẻ, học tập cùng phát triển, tạo ra một thương hiệu sản phẩm riêng, thích ứng với thị trường, mang lại hiệu quả kinh tế cao; từng bước chuyển biến nhận thức của nông dân từ sản xuất theo hướng nhỏ lẻ, manh mún, sang sản xuất nâng cao số lượng, đảm bảo chất lượng, áp dụng công nghệ cao trong sản xuất, quy trình hữu cơ sinh học, xây dựng quy hoạch, có sự liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp phân phối, chế biến với các nhà sản xuất, hộ nông dân, từng bước giúp kinh tế của tỉnh An Giang ngày càng phát triển, bắt kịp tốc độ phát triển với các địa phương lân cận và cả nước thời gian tới./.

Ngọc Dung