Nông nghiệp – Nông thôn

An Giang: Có 824 Tổ hợp tác, 125 Hợp tác xã Nông nghiệp - Thủy sản

30/07/2018 10:46

Hội Nông dân An Giang tham gia xây dựng Tổ hợp tác - Hợp tác xã góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Thực hiện Chương trình, Kế hoạch của TW Hội NDVN và Chương trình hành động của Ban chấp hành Đảng Bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Hội Nông dân tỉnh An Giang xác định công tác vận động hội viên nông dân tham gia xây dựng Tổ hợp tác - Hợp tác xã là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của các cấp Hội và phong trào nông dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

Để đổi mới phương thức, nội dung hoạt động của Hội, với vai trò đại diện cho trách nhiệm và quyền lợi của giai cấp Nông dân trong tỉnh, phát huy tiềm năng, nguồn lực lượng to lớn của nông dân tỉnh nhà tích cực tham gia các chương trình kinh tế - xã hội của địa phương, nhất là tham gia vào các loại hình hợp tác sản xuất từ quy mô thấp đến cao, để phát triển sản xuất: Tổ hợp tác, Hợp tác xã nông nghiệp. Hội Nông dân tỉnh đã xây dựng và ký kết chương trình phối hợp 5 năm với Sở Nông nghiệp, Liên minh hợp tác xã tỉnh triển khai trên địa bàn tỉnh. Hằng năm cụ thể hóa từng công việc phối hợp, triển khai đến các cấp hội ở cơ sở. Đặc biệt chỉ đạo các cấp Hội phối hợp các Ban, Ngành, Đoàn thể địa phương cùng cấp tăng cường công tác tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân tham gia Tổ hợp tác - Hợp tác xã nông nghiệp, xem đây là chỉ tiêu và nhiệm vụ đột phá Hội Nông dân các cấp.

Xác định muốn nông dân tham gia vào tổ hợp tác, hợp tác xã việc đầu tiên là phải nâng cao nhận thức nông dân; giúp nông dân xóa bỏ thành kiến với hợp tác xã kiểu cũ. Hội đã xây dựng nhiều loại hình tuyên truyền như sinh hoạt câu lạc bộ nông dân, sinh hoạt chi - tổ hội, hội thảo khoa học kỹ thuật; biên soạn tài liệu tuyên truyền tóm tắt Nghị định 151/NĐ-CP về tổ hợp tác, Luật hợp tác xã 2012; kết hợp các phương tiện thông tin đại chúng như báo An Giang, đài Phát thanh - Truyền hình An Giang tổ chức tuyên truyền tại từng huyện và các xã nông thôn mới. Sau đó phân công cán bộ đến trực tiếp từng xóm - ấp tuyên truyền, vận động hộ dân tham gia vào tổ hợp tác, hợp tác xã. Tại các buổi tuyên truyền, vận động nông dân được giải thích, phân tích cụ thể những lợi ích khi tham gia vào các loại hình kinh tế hợp tác. Theo nhu cầu và đặc thù về lợi thế sản xuất từng địa phương mà hướng dẫn nông dân tổ chức các tổ hợp tác, hợp tác xã theo loại hình nghề nghiệp, ngành nghề phù hợp. Quá trình hình thành cán bộ Hội cùng Liên Minh HTX giúp các tổ, hợp tác xã các thủ tục thành lập.

Sau khi thành lập, Hội cùng Sở Nông nghiệp, Liên Minh Hợp tác xã tiến hành biên soạn tài liệu, tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về lập kế hoạch sản xuất kinh doanh, lập sổ sách kế toán, Luật Hợp tác xã....để các thành viên ban quản lý tổ và Ban sáng lập viên hợp tác xã nắm vững công tác quản lý, nghiệp vụ, điều hành tổ, hợp tác xã hoạt động hiệu quả. Chọn 1 số thành viên quản lý tổ hợp tác, hợp tác xã tổ chức tham quan, học tập các hợp tác, tổ hợp tác hoạt động hiệu quả trong, ngoài tỉnh.

Để tăng cường vai trò, hiệu quả tham gia của tổ chức Hội trong hoạt động kinh tế hợp tác, Hội Nông dân tỉnh đã ban hành 05 kế hoạch, đề án và nhiều công văn hướng dẫn xây dựng, nâng chất hoạt động các loại hình hợp tác giai đoạn 2011-2015, giai đoạn 2016-2020. Hàng năm đều có kiểm tra việc xây dựng, tổ chức triển khai kế hoạch ở Hội Nông dân các huyện và cơ sở, Đến nay cả 11 huyện - thị - thành của tỉnh đều có kế hoạch tham gia cụ thể. Hàng quý Hội Nông dân tỉnh, huyện tổ chức rà soát, cập nhật số liệu, tiến hành củng cố, nâng chất và phát triển thêm các mô hình hợp tác làm ăn hiệu quả, giải thể những tổ hợp tác hoạt động kém hiệu quả. Phối hợp Liên Minh Hợp tác xã tỉnh đề xuất giải thể những Hợp tác xã nông nghiệp hoạt động yếu kém. Với cách làm trên, hàng năm đã củng cố, sát nhập trên 60 - 68 tổ hợp tác, thành lập mới từ 72 - 80 Tổ hợp tác/năm; đề xuất củng cố, giải thể 20 hợp tác xã yếu kém. Từ đó, các Tổ hợp tác, hợp tác xã có sự phát triển khá, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế, xã hội địa phương.

Tổng số tổ hợp tác trên địa bàn tỉnh đến nay là 824 tổ, lao động là thành viên tổ hợp tác là 16.184 người, doanh thu bình quân của một Tổ hợp tác ước đến cuối năm 2017 trên 95 triệu đồng/năm, lợi nhuận bình quân của một Tổ hợp tác 35,6 triệu đồng/năm. Thu nhập bình quân một thành viên Tổ hợp tác là 1,9 triệu đồng/tháng.

Tổng số cán bộ quản lý tổ hợp tác toàn tỉnh là 2.430 người, bộ máy quản lý tổ hợp tác được sắp xếp gọn, nhẹ phù hợp với quy mô và hoạt động của từng tổ hợp tác. Chức năng, nhiệm vụ hoạt động của Ban quản lý tổ hợp tác xác định rõ ràng hơn, số cán bộ quản lý tổ hợp tác được đào tạo về nghiệp vụ, chuyên môn phục vụ cho hoạt động của tổ. Về phân loại tổ hợp tác: tổ loại I (tốt) 541 tổ, tổ loại II (khá) 151 tổ, tổ loại III (TB) 132 tổ, diện tích sản xuất của 824 tổ hợp tác hiện nay là 84.410ha, tăng 738ha so 2017.

Hợp tác xã toàn tỉnh hiện có 125 HTX.NN - Thủy sản, diện tích 49.125 ha (trong đó có 20 HTX, 1 liên hiệp HTX yếu kém đang đề nghị giải thể). Tổng diện tích các hợp tác xã phục vụ bơm tưới khoảng 37.192 ha. Trong đó, hợp tác xã phục vụ cho thành viên 9.000 ha (chiếm 24,2%), phục vụ bên ngoài 28,192ha (chiếm 75,8%). Các HTX đang hoạt động đều chuyển đổi theo Luật Hợp tác xã năm 2012.

Phần lớn các HTX đều chọn dịch vụ bơm tưới làm dịch vụ chính, ngoài ra các HTX cũng chọn thêm 1-2 dịch vụ hỗ trợ như; thực hiện dịch vụ cung ứng vật tư nông nghiệp, tín dụng nội bộ, tiêu thụ nông sản, nhân giống lúa. Hoạt động của các HTX góp phần giải quyết việc làm cho 1.781 người.

Để các loại hình kinh tế hợp tác ngày càng được phát triển, tăng lên về số lượng nhưng vẫn đảm bảo chất lượng, hoạt động bền vững. Hội Nông dân tỉnh đã có chương trình phối hợp Sở Nông nghiệp, Sở Công thương, Ngân hàng nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng quân đội (MBBank), Ngân hàng Tiên Phong (TPBank), trực tiếp gặp gỡ các đơn vị tư vấn, Hiệp hội doanh nghiệp Cần thơ, các doanh nghiệp sản xuất phân bón...để hỗ trợ kỹ thuật, đào tạo kỹ năng lập kế hoạch sản xuất, kỹ năng quản lý, maketing, đầu tư vốn ...giúp thành viên các tổ hợp tác, hợp tác xã có định hướng cụ thể về cách làm ăn, chương trình hợp tác hiểu biết thêm về kỹ thuật, có thêm nguồn vốn tham gia hợp sản xuất lúa, màu, cây ăn trái chất lượng cao theo chuỗi giá trị, cánh đồng lớn hiệu quả, nâng cao chất lượng sản phẩm…. Trong năm 2017 có 49 doanh nghiệp có kế hoạch thực hiện với diện tích 49.146 ha, trong đó: Vụ Đông Xuân 26.866 ha, Hè Thu 12.250 ha, Thu Đông 10.030 ha. Kết quả có 46 doanh nghiệp ký hợp đồng tiêu thụ với nông dân thông qua 19 hợp tác xã và 31 tổ hợp tác với diện tích 31.363 ha, đạt 76% kế hoạch, trong đó: Vụ Đông Xuân 20.596 ha, Hè Thu 9.637 ha, Thu Đông 7.021 ha. Đông Xuân năm 2018 có 20 doanh nghiệp đăng ký liên kết diện tích 23.300ha, thỏa thuận mua cao hơn thị trường từ 50-100đ/kg.

Trong năm 2018, Hội Nông dân tỉnh còn phối hợp Liên minh hợp tác xã tỉnh tổ chức các cuộc họp mặt, đối thoại với 36 Tổ hợp tác và 45 Hợp tác xã nông nghiệp của 2 huyện Thoại Sơn, Chợ Mới; khảo sát hoạt động các tổ hợp tác, hợp tác xã của huyện Châu Thành; ký kết chương trình phối hợp với Ủy Ban MTTQ tỉnh tổ chức giám sát việc thực hiện hợp đồng tiêu tbụ lúa, nếp ở các hợp tác xã, tổ hợp tác huyện Phú Tân, Thoại Sơn, Châu Thành. Qua đó, kịp thời giải đáp những thắc mắc; ghi nhận những khó khăn, thuận lợi và kiến nghị đề xuất của các tổ, hợp tác xã trong quá trình thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về Nghị định 151-NĐ/CP và Luật hợp tác xã cùng các chủ trương, chính sách liên quan trong hoạt động có báo cáo cụ thể cùng các đề xuất với Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh xem xét, giải quyết và kiến nghị các Bộ, Chính phủ từng bước tháo gỡ.

Từ cách làm trên, Hội Nông dân tỉnh An Giang đã thể hiện rõ vai trò của mình trong việc tuyên truyền, vận động nông dân tham gia vào tổ hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp. Đồng thời hướng dẫn, tạo điều kiện để hội viên, nông dân phát triển sản xuất; giúp các tổ hợp tác, hợp tác xã gắn kết với nông dân và doanh nghiệp; xây dựng và phát triển ngày càng hiệu quả mô hình sản xuất theo chuỗi, mô hình liên kết sản xuất theo cánh đồng lớn của tỉnh; từng bước thay đổi, nâng cao nhận thức nông dân chuyển từ làm ăn riêng lẽ sang làm ăn tập thể, hưởng lợi từ làm ăn hợp tác, từng bước đáp ứng nhu cầu thị trường.

Để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác vận động nông dân tham gia xây dựng tổ hợp tác - hợp tác xã, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Trong thời gian tới, Hội Nông dân tỉnh An Giang tập trung một số nội dung sau:

Tiếp tục tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân thực hiện có hiệu quả Quyết định số 445/QĐ-TTg ngày 21/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Thí điểm hoàn thiện, nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới tại vùng đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2016-2020", Chương trình số 15-CT/HNDTW, ngày 06/5/2016 của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam về "Thực hiện Đề án thí điểm hoàn thiện, nnân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới tại vùng Đồng bằng Sông Cửu Long" và các Kế hoạch của UBND tỉnh được cụ thể thông qua chương trình phối hợp giữa Hội Nông dân tỉnh với Liên Minh hợp tác xã tỉnh giai đoạn 2016-2020. Bằng nhiều loại hình phát huy cao hiệu quả công tác tuyên truyền như họp dân, tài liệu bướm, báo - đài để nông dân hiểu, tích cực hơn trong tham gia, xây dựng các loại hình hợp tác. Xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Hội trong suốt nhiệm kỳ.

Đẩy mạnh phong trào Nông dân thi đua sản xuất - kinh doanh giỏi, phong trào Nông dân tham gia xây dựng nông thôn mới để lồng ghép mục tiêu xây dựng, phát triển hiệu quả các loại hình kinh tế hợp tác; nâng cao vai trỏ nông dân giỏi nòng cốt trong tham gia, xây dựng - quản lý tổ hợp tác, hợp tác xã, giữ vững mối liên kết chặt chẽ với các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp đầu vào và đầu ra các sản phẩm của tổ hợp tác, hợp tác xã.

Nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, chất lượng sạch, hiệu quả và bền vững. các tiểu vùng sản xuất lúa chất lượng cao, rau màu, vùng trồng cây ăn trái có liên kết với các doanh nghiệp tiêu thụ, chế biến, nhằm nâng cao giá trị sản xuất và thu nhập của nông dân. Tạo niềm tin, gắn bó nông dân với doanh nghiệp và các loại hình kinh tế hợp tác.

Tiếp tục tổ chức cho nông dân giỏi, ban quản lý tổ hợp tác - hợp tác xã học tập kinh nghiệm tổ chức sản xuất trong và ngoài nước; học tập các mô hình phù hợp với tiềm năng, điều kiện địa phương để nâng dần trình độ, kinh nghiệm sản xuất, hợp tác sản xuất của nông dân.

Sơn Hải