Nông nghiệp – Nông thôn

Câu chuyện người nông dân

28/03/2022 09:56

Trước Tết vừa rồi, có một nhà báo đặt câu hỏi với đại ý: “Nông dân chúng ta giàu hay nghèo? Giải pháp nào để tăng thu nhập cho người nông dân?”. Một câu hỏi khó trả lời, đành xin khất lại vào một dịp sau.

Khó là vì trên đất nước hình chữ “S” này có hàng chục triệu nông dân vốn đã phân nhóm rất khác nhau. Với số lượng nhiều như vậy, độ phân nhóm trải rộng như vậy, khó mà có thể đưa ra nhận định chung, vì khi ấy có thể đúng với nhóm này, nhưng lại không đúng với nhóm khác.

Khắp cả nước, từ vùng cao cho đến đồng bằng, biển đảo,… đâu đâu cũng hiện diện hình bóng người nông dân. Nông dân trên các vùng đồi núi, rẻo cao. Nông dân ở các vùng đồng bằng rộng lớn. Nông dân - ngư dân vươn khơi ngoài đại dương bao la. Nông dân trên những cánh đồng lúa, bên những luống rau màu. Nông dân trong các mảnh vườn cây ăn trái. Nông dân trên những nương chè, trang trại cà phê, sầu riêng,… Nông dân trong các dãy chuồng chăn nuôi, rong ruổi theo bầy vịt chạy đồng. Nông dân lặn ngụp trong các ao bè cá tôm, nuôi trồng thuỷ - hải sản,…  Lại có nông dân vừa trồng lúa, vừa làm vườn, vừa chăn nuôi, vừa thả ao tôm cá.  Lại có nông dân vừa làm nghề nông, vừa làm nghề dịch vụ nông thôn. Vậy, nói đến nông dân là nói đến đối tượng nào?

Nông dân có thể được phân thành ba nhóm: nhóm có điều kiện tốt, nhóm có điều kiện và nhóm thiếu điều kiện.

Nhóm có điều kiện tốt bao gồm những nông dân thường có quy mô đất đai đủ lớn để đa dạng hoá cây trồng, vật nuôi, vừa sản xuất, vừa tham gia kinh doanh nông sản, có tri thức khoa học, có máy móc, nông cụ.

Nhóm có điều kiện bao gồm những nông dân có quy mô đất đai trung bình, chủ yếu sản xuất, chăn nuôi thuần một loại cây trồng, vật nuôi.

Nhóm thiếu điều kiện là những nông dân có đất đai canh tác nhỏ hẹp, chủ yếu đủ tự sản tự tiêu, thậm chí phải thuê đất để sản xuất, canh tác.

Các phân nhóm nông dân có độ phân hoá về năng lực, thu nhập, về sự chủ động phản ứng, thích ứng với rủi ro do thời tiết, dịch bệnh, thị trường. Có nhóm nông dân gặp rủi ro là mất trắng cả mùa vụ, “mất cả chì lẫn chài”.

Có nhóm nông dân vẫn có thể xoay xở khi đã phân chia đa dạng cây trồng, vật nuôi, mất loại này mùa này, có thể bù lại bằng loại khác mùa khác. Có nhóm nông dân mạnh dạn chuyển đổi, chấp nhận rủi ro, áp dụng cách làm mới, tích cực liên kết, hợp tác. Vậy nói đến nông dân là nói đến nông dân ở phân nhóm nào?

Phân nhóm như trên mang tính tương đối, với vùng giao thoa nhất định, để thấy rằng, đặc điểm, điều kiện của nông dân ngày nay là rất đa dạng. Đa dạng về quy mô đất đai và lợi thế về chất lượng đất đai. Đa dạng về cách thức sản xuất và điều kiện sản xuất. Đa dạng về năng lực tiếp cận với xu thế thị trường. Đa dạng về ý chí và nghị lực, kiên trì và nhẫn nại. Đa dạng về cách thức làm ăn cá thể hay tham gia kinh tế tập thể.

Sự đa dạng đó biểu hiện phần nào sự chênh lệch về thu nhập của người nông dân. Chỉ số thu nhập bình quân khó lòng phản ánh hết sự chênh lệnh thu nhập.

Cách tính thu nhập bình quân không còn phù hợp với tư duy tăng trưởng bao trùm - bảo đảm những lợi ích, cơ hội kinh tế từ quá trình tăng trưởng được chia sẻ một cách bình đẳng, hài hoà cho các thành viên trong xã hội.

Mỗi nhóm nông dân khác nhau cần đến những cách tiếp cận, giải pháp tương ứng, phù hợp, sâu sát. Đối với Nhóm có điều kiện tốt, cần có cơ chế, chính sách khuyến khích mở rộng quy mô đất đai, hình thành trang trại, hoặc doanh nghiệp nông nghiệp, nông thôn, chuyên nghiệp hoá các khâu sản xuất, kinh doanh.

Đối với Nhóm có điều kiện, cần kiên trì vận động, thuyết phục tham gia kinh tế hợp tác nhằm tận dụng sức mạnh dựa trên quy mô lớn hơn, dần tiến tới tham gia một khâu hoặc toàn bộ chuỗi ngành hàng.

Đối với Nhóm thiếu điều kiện, cần tăng cường đào tạo ngành nghề phi nông nghiệp để có thể chủ động tham gia thị trường lao động ở mức thu nhập cao và ổn định. Phân chia thành các phân nhóm không phải để phân biệt, để tạo thêm khoảng cách, mà nhằm hoạch định chính sách sát thực hơn, phương hướng phù hợp hơn.

Cách nhìn sát thực sẽ trả lời được câu hỏi, nông dân chúng ta giàu hay nghèo, để không quá lạc quan là nông dân đã thực sự khá giả, để không quá bi quan là nông dân cứ luôn bị nghèo khó ám ảnh. Cách nhìn sát thực sẽ xác định đúng vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của người nông dân trong thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững. Chiến lược hướng tới tiếp cận mô hình tăng trưởng mới, tư duy phát triển mới, phù hợp xu thế thị trường. Không lắng nghe, không thấu hiểu người nông dân đang nghĩ gì, đang khó gì, đang thiếu gì, sẽ không thành công trong triển khai thực hiện. Không xác định được phân nhóm nông dân sẽ không thể thiết kế chính sách riêng, phù hợp cho từng nhóm đối tượng.

Không thể “đồng phục hoá” từ công tác khuyến nông, đào tạo huấn luyện, chuyển giao khoa học công nghệ giống nhau, đến vận động thành lập hợp tác xã, tư vấn phát triển chuỗi ngành hàng, hỗ trợ tín dụng, bảo hiểm nông nghiệp, đào tạo nghề nghiệp nông thôn, hình thành đội ngũ nông dân số,…

Nông dân là người đầu tiên đặt hạt giống xuống đồng ruộng, là người thả con giống đầu tiên xuống ao bè, là người tham gia trồng và giữ rừng, là người vươn khơi khai thác nguồn lợi thuỷ sản, hải sản.

Nói cách khác, nông dân là người tham gia khâu đầu tiên chuỗi ngành hàng. Ông bà mình đã tổng kết: “đầu xuôi thì đuôi lọt”. Tri thức hoá người nông dân, nâng cao năng lực thích ứng với sự thay đổi, hướng đến “Nông nghiệp sinh thái - Nông thôn hiện đại - Nông dân văn minh”, phải có giải pháp tiếp cận từng phân nhóm nông dân cụ thể.

Mỗi phân nhóm nông dân, mỗi điều kiện, đặc điểm khác nhau. Mỗi người nông dân, mỗi tính cách, hoàn cảnh, câu chuyện khác nhau. Hãy cùng về làng, về với những mảnh ruộng, bờ ao.

Hãy cùng làm bạn, đồng hành với người nông dân, để kiên nhẫn quan sát, lắng nghe và thấu hiểu. Càng thấu hiểu, càng thêm tình cảm thương mến, càng dốc hết sức trong mỗi suy nghĩ và hành động, để người nông dân thực sự là chủ thể, là trung tâm.

 
Ngô Trong (theo:nongnghiep.vn)