Nông nghiệp – Nông thôn

Dự án “Nâng cao năng lực cho nông dân trong sản xuất lúa gạo bền vững gắn với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm hàng hóa"

05/03/2019 11:01

Với mục tiêu Dự án là nâng cao năng lực cho các mô hình tổ, nhóm hợp tác và nâng cao năng lực cho cán bộ Hội Nông dân trong sản xuất và tiêu thụ lúa gạo, xây dựng chuỗi lúa gạo bền vững có gắn kết với doanh nghiệp tiêu thụ hàng hóa.

Căn cứ Công văn số 1589/VPUBND-KTN, ngày 19/04/2017 của UBND tỉnh An Giang về việc đồng ý chủ trương thống nhất cho Hội Nông dân tỉnh An Giang được hợp tác và ký văn bản thỏa thuận ghi nhớ với tổ chức Rikolto Việt Nam (tên gọi cũ là Veco Việt Nam) nhằm thực hiện các hoạt động trong khuôn khổ hợp tác giai đoạn 2017 – 2021 triển khai trên địa bàn tỉnh An Giang.

Trong năm 2018 Ban Quản lý điều hành dự án tổ chức 10 lớp tập huấn cho 345 nông dân với nội dung: Tập huấn canh tác lúa bền vững theo tiêu chuẩn SRP; tập huấn giảng viên nông dân (ToT) về phương pháp tập huấn có sự tham gia; tập huấn văn hóa kinh doanh và trách nhiệm xã hội cho doanh nghiệp và tổ chức nông dân; tập huấn giảng viên nông dân (ToT) về kỹ thuật canh tác lúa bền vững theo tiêu chuẩn SRP; tập huấn về vận hành hệ thống PGS cho bộ máy PGS; giảng viên nông dân tập huấn cho nông dân về kỹ thuật canh tác lúa bền vững theo tiêu chuẩn SRP. Đã thành lập 2 Tổ hợp tác có 26 thành viên với diện tích 109 ha. Đồng thời, vận động nông dân hình thành vùng nguyên liệu cho HTX Nông nghiệp Tân Tiến với diện tích 200 ha khoảng 100 thành viên.

Tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ, tạo tác động thay đổi nhận thức và kỹ năng sản xuất lúa của nông dân trong vùng dự án như: tổ chức họp dân bàn kế hoạch tổ chức lại sản xuất, họp dân giới thiệu về hệ thống PGS, cử cán bộ xuống thực địa lấy mẫu đất và mẫu nước xét nghiệm tại tiểu vùng thực hiện dự án, tổ chức hội thảo giới thiệu về dự án và tổ hợp tác sản xuất lúa an toàn với nông dân trong và ngoài địa phương, tổ chức tham quan mô hình trồng lúa, rau màu hữu cơ và mô hình vận hành hệ thống PGS tại Quảng Nam và Đà Nẵng.

Thực hiện gắn kết mô hình sản xuất theo chuỗi của nông dân vùng dự án với doanh nghiệp tiêu thụ lúa gạo. Được hỗ trợ của tổ chức Rikolto/Veco Việt Nam, Hội Nông dân tỉnh và các tổ hợp tác, nông dân trong vùng dự án đã tiếp và làm việc với Tập đoàn Phoenix (một Tập đoàn lớn trong kinh doanh lúa gạo theo tiêu chuẩn SRP). Qua 2 lần gặp gỡ, làm việc giữa Ban quản lý điều hành dự án- Hội Nông dân tỉnh, UBND xã cùng các tổ hợp tác, hợp tác xã Tân Tuyến với Tập đoàn Phoenix đã thống nhất hợp tác sản xuất và tiêu thụ lúa gạo theo tiêu chuẩn SRP vụ Đông Xuân 2018 – 2019 diện tích 275,4 ha, sản lượng ước bình quân 1.650 tấn lúa gồm hai loại giống chủ lực là Đài Thơm 8 và Jassmine, tổ hợp tác, hợp tác xã sẽ đưa ra mức giá cụ thể sau khi tính tổng chi phí sản xuất và vận chuyển. Sau mỗi vụ sản xuất sẽ có khảo sát, đánh giá mức độ điểm đạt của nông dân theo tiêu chuẩn SRP, để từ đó đưa ra các khuyến nghị để vụ sau nông dân cải thiện dẩn các tiêu chí và tiến tới hoàn thành bộ tiêu chuẩn SRP. Đây chính là điều kiện để nông dân nâng cao trình độ sản xuất, chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn cao, tăng sức thu hút của tổ hợp tác, hợp tác xã với thành viên, tạo gắn kết giữa nông dân với doanh nghiệp.

 
Tổ chức Rikolto Việt Nam làm việc Ban quản lý điều hành dự án và THT

Qua các lớp tập huấn và các hoạt động hỗ trợ đã giúp nông dân có thêm nhiều kiến thức hữu ích ở từng nội dung lớp tập huấn, từ đó trình độ sản xuất của nông dân ngày một nâng lên, cụ thể:

- Tổ chức lớp tập huấn canh tác lúa bền vững theo bộ tiêu chuẩn SRP theo từng nội dung suốt một vụ canh tác lúa, vận động bà con nông dân vừa tập huấn vừa thực hành trên mảnh ruộng của mình và cuối vụ có tổ chức sảo sát, đánh giá mức độ tiêu chí của bà con nông dân đạt được. Đồng thời đưa ra khuyến cáo đối với nông dân cải thiện mức độ đạt tiêu chí cho vụ tiếp theo, từng bước nâng cao khả năng đạt tiêu chí cho nông dân.

- Tập huấn giảng viên nông dân (ToT) về phương pháp tập huấn có sự tham gia đã truyền tải các kiến thức như: Đặc điểm chung của người học và vai trò của người giảng viên; nội dung và phương pháp xây dựng chương trình đào tạo một lớp tập huấn; phương pháp tổ chức thực hiện hiệu quả một khoá tập huấn; Lớp tập huấn đã thực sự góp phần nâng cao năng lực, kỹ năng nghiệp vụ cho đội ngũ học viên, nhằm phát huy vai trò và nâng cao hiệu quả trong quá trình thực hiện dự án.

- Tập huấn văn hóa kinh doanh và trách nhiệm xã hội cho doanh nghiệp và tổ chức nông dân, giúp nông dân hiểu các chuẩn mực, các quan niệm và hành vi của doanh nghiệp, được thể hiện trong cách ứng xử của họ với xã hội, sự cam kết của doanh nghiệp đóng góp vào việc phát triển kinh tế xã hội, thông qua những hoạt động nhằm nâng cao chất lượng đời sống của người lao động của cộng đồng và toàn xã hội theo cách có lợi cho cả doanh nghiệp cũng như phát triển chung của xã hội. 

- Tổ chức lớp tập huấn giảng viên nông dân (ToT) về kỹ thuật canh tác lúa bền vững theo tiêu chuẩn SRP cho nông dân vùng dự án. Giúp cho nông dân nâng cao khả năng thuyết trình, truyền đạt thông tin, nắm chặt và hiểu sâu hơn về bộ tiêu chuẩn SRP, sau này trở thành những giảng viên nông dân thực thụ truyền tải những kiến thức lại cho những nông dân vùng lân cận trong quá trình mở rộng vùng thực hiện dự án.

Với những hoạt động hỗ trợ thiết thực từ dự án đã được sự ủng hộ của các sở ngành, địa phương như: Sở Công thương hỗ trợ giới thiệu Công ty TNHH Lương thực Tấn Vương tham gia vào chuỗi dự án; Trung tâm Khuyến nông tham gia giảng dạy các lớp tập huấn, UBND xã hỗ trợ quy hoạch vùng (300 ha) thực hiện dự án, chọn những nông dân tiêu biểu tham gia vào chuỗi dự án tạo điều kiện để dự án mang lại hiệu quả như mong đợi.

Qua một năm triển khai thực hiện dự án đã có tác động rất lớn đối với đời sống của bà con nông dân nhất là nhận thức trong sản xuất của người dân đã từng bước nâng lên, làm quen dần với sản xuất theo tiêu chuẩn SRP, thay đổi dần thói quen, kinh nghiệm sản xuất truyền thống, nâng cao chất lượng hạt gạo, được doanh nghiệp tìm đến hợp tác, nhận thức về liên kết, hợp tác trong sản xuất, ý thức bảo vệ sức khỏe, bảo vệ môi trường nông thôn, ghi chép sổ tay sản xuất và nhận thức về nâng cao giá trị hạt gạo của nông dân tham gia dự án ngày một nâng lên rõ rệt. Đồng thời, qua áp dụng sản xuất lúa theo tiêu chuẩn SRP đã giúp cho nông dân làm ra lúa gạo có chất lượng, tăng giá trị sản xuất góp phần tăng thu nhập cải thiện đời sống nông dân./.

Trung Hiếu.