Nông nghiệp – Nông thôn

Hiệu quả mô hình nuôi lươn

15/06/2020 14:58

Mô hình nuôi lươn hiện nay gần như phủ đều ở các xã, phường của thị xã Tân Châu, trong đó Tân An là xã có số lượng nuôi nhiều nhất.

Những năm gần đây, phong trào nuôi lươn ở Tân An có bước phát triển mạnh về qui mô, diện tích. Nhằm giúp bà con nông dân nâng cao hiệu quả từ mô hình này, Hội Nông dân xã Tân An đã hướng dẫn nông dân thành lập Tổ hợp tác nuôi lươn, mục đích để bà con chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật trong chăn nuôi, và hợp tác liên kết nhau trong sản xuất.

Theo số liệu thống kê hiện tại toàn xã Tân An có 146 hộ nuôi lươn, với khoảng 465 bồn nuôi lươn thương phẩm. Với phong trào nuôi lươn phát triển ngày càng lớn mạnh, để bà con nông dân nâng cao kiến thức, kỹ thuật nuôi lươn, thời gian qua Hội Nông dân xã Tân An, thường xuyên phối hợp mở các lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi lươn cho hộ nông dân đang chăn nuôi, có nhu cầu.

Theo ông Nguyễn Văn Diệu, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân An, thị xã Tân Châu cho biết, với sự phát triển của mô hình nuôi lươn địa phương, năm 2015 Tổ hợp tác nuôi lương xã Tân An được thành lập ban đầu có 12 thành viên, đến nay qua 05 năm hoạt động, tổ hợp tác nâng lên 25 thành viên. Tổ hợp tác tạo điều kiện cho các thành viên cùng chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ kỹ thuật trong sản xuất. Từ khi tham gia tổ hợp tác kỹ thuật nuôi lươn của các thành viên nâng lên rõ rệt; Bên cạnh đó, tổ hợp tác còn bảo lãnh cho các thành viên tiếp cận các nguồn vốn vay hỗ trợ đầu tư vào mô hình sản xuất. Cụ thể, trong năm 2019 vừa qua, từ nguồn quỹ hỗ trợ nông dân Trung ương, Hội Nông dân tỉnh đã hỗ trợ nguồn vốn cho 12 thành viên tổ hợp tác nuôi lươn vay vốn, với số tiền 650 triệu đồng, giúp cho thành viên đầu tư mở rộng sản xuất.

Phong trào nuôi lươn giống và lươn thương phẩm điển hình có thể kể đến là mô hình của anh Nguyễn Văn Bửu ở ấp Tân Hậu A2, có số lượng và quy mô đầu tư nuôi lươn lớn nhất xã Tân An hiện nay. Anh Bửu nuôi lươn từ năm 2005, ban đầu cũng chỉ vài bồn nuôi thương phẩm, nhưnh với tính cần cù, chịu khó học hỏi anh thường xuyên tham gia các lớp tập huấn, do Hội Nông dân xã phối hợp tổ chức, nhờ đó kỹ thuật chăn nuôi lươn của anh ngày một nâng cao, qui mô của mô hình ngày một mở rộng. Hiện tại, về lươn thương phẩm anh Bửu có 75 bồn với khoảng 200.000 con, do thời gian nuôi lươn lâu, trung bình từ khi thả đến thu hoạch kéo dài khoảng 06 đến 08 tháng, vì vậy 75 bồn nuôi anh Bửu thả giống xen kẽ nhằm duy trì đầu ra đều đặn đáp ứng nhu cầu khách hàng. Không những đi đầu trong phong trào nuôi lươn bùn theo tập quán truyền thống, anh Bửu còn tiên phong trong các kỹ thuật nuôi không bùn, nuôi lươn sạch theo tiêu chuẩn VietGap. Ngoài nuôi lươn thương phẩm, gần đây anh Bửu còn đẩy mạnh mô hình nuôi lươn giống, hiện tại ngoài 12 công đất nhà anh còn thuê thêm 06 công đất làm bồn thuần lươn giống. Để lươn giống đến tay người nuôi đạt chất lượng, sau khi gom nguồn giống ngoài thiên nhiên anh đưa vào bồn thuần từ 01 tháng đến 1,5 tháng, mới cung cấp ra thị trường. Với uy tín và nguồn giống chất lượng, mỗi ngày với 350 hộc lươn giống, anh Bửu cung cấp ra thị trường trong và ngoài tỉnh từ 5.000 đến 6.000 con giống, ngoài nguồn giống tự nhiên anh Bửu còn đang đầu tư thực hiện ươm giống nhân tạo. Qua đó, mô hình chăn nuôi lươn của anh còn giúp giải quyết việc làm cho 15 lao động địa phương, bình quân thu nhập mỗi nhân công từ 150.000đồng–200.000 đồng/ngày tại địa phương.

Theo  Anh Nguyễn Phương Đông, Tổ trưởng tổ hợp tác nuôi lươn xã Tân An, thị xã Tân Châu, theo kế hoạch đến cuối năm 2020, mô hình tổ hợp tác nuôi lươn sẽ nâng lên thành Hợp tác xã nuôi lươn. Để mô hình nuôi lươn phát triển bền vững, địa phương đã đề nghị các ngành hỗ trợ nguồn vốn vay, tập huấn kiến thức, quy trình chăn nuôi, và tìm đầu ra trong liên kết thu mua ổn định cho bà con nuôi lươn, từ đó giúp bà con an tâm sản xuất, phát triển kinh tế gia đình.

Trường Sang