Nông nghiệp – Nông thôn

Hợp tác để thay đổi tư duy 'sản xuất nông nghiệp' sang 'kinh tế nông nghiệp' cho vùng ĐBSCL

08/03/2022 10:50

Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng lãnh đạo 13 địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã ký kết chương trình hợp tác giữa hai bên.

Trong đó, một trong những nội dung của thỏa thuận hợp tác, đó là chuyển từ 'tư duy sản xuất nông nghiệp' sang 'tư duy kinh tế nông nghiệp'.

Theo đó, có 10 nội dung thỏa thuận phối hợp được lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng lãnh đạo 13 địa phương ĐBSCL ký kết hợp tác diễn ra tại tỉnh Kiên Giang hôm 6-3.

Thứ nhất, sẽ phối hợp tổ chức sản xuất kinh doanh nông, lâm, thủy sản theo chuỗi giá trị gắn với chế biến, lưu thông và tiêu thụ nông sản; xác định và hỗ trợ phát triển các vùng nguyên liệu (của từng địa phương và liên vùng); phối hợp với doanh nghiệp, hợp tác xã phát triển các vùng sản xuất hàng hóa lớn theo các tiêu chuẩn bền vững, an toàn, cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến. Thực hiện xoay trục chiến lược theo 3 trọng tâm: từ lúa – trái cây – thủy sản sang thủy sản – trái cây – lúa, các ngành hàng chiến lược được phân thành các vùng, tiểu vùng, phù hợp với điều kiện sinh thái, lợi thế của địa phương.

Thứ hai, phối hợp chuyển đổi từ “tư duy sản xuất nông nghiệp” sang “tư duy kinh tế nông nghiệp”. Phối hợp trong triển khai xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng, dịch vụ hỗ trợ đồng bộ, hoàn thiện hệ thống chế biến, hậu cần, vận chuyển; sản xuất, kinh doanh các sản phẩm chủ lực theo chuỗi giá trị, tích hợp đa giá trị, liên ngành và thúc đẩy hợp tác, liên kết chặt chẽ giữa các địa phương trong từng tiểu vùng và giữa các tiểu vùng. Phát triển bền vững, nâng cao hiệu quả, hài hòa lợi ích, hình thành liên kết các thế mạnh chủ lực của từng tiểu vùng, vùng có sự hỗ trợ, tương tác cùng phát triển theo chuỗi giá trị.

Thứ ba, phối hợp giữa các địa phương vùng ĐBSCL và giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với các địa phương trong xây dựng và tổ chức thực hiện các quy hoạch, kế hoạch và các đề án lớn phát triển nông nghiệp và nông thôn vùng, nhất là phát triển các vùng sản xuất lớn, sản xuất các sản phẩm chủ lực cấp quốc gia; trong xây dựng và chia sẻ cơ sở dữ liệu, thông tin liên quan đến nông nghiệp, nông thôn của vùng, từng địa phương; trong xúc tiến đầu tư, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

Thứ tư, phối hợp chặt trong thực hiện từng nhiệm vụ, chương trình, đề án, dự án, theo giai đoạn trong chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn, kế hoạch cơ cấu lại ngành, chương trình tổng thể phát triển nông nghiệp ĐBSCL, chương trình xây dựng nông thôn mới và các chiến lược, kế hoạch phát triển ngành nông nghiệp trên địa bàn từng địa phương và toàn vùng ĐBSCL. Tập trung, ưu tiên đầu tư, phát triển các hạng mục công trình trọng điểm mang lợi ích chung và các nhiệm vụ phi công trình mang tính lâu dài cho phát triển sinh kế của người dân.

Thứ năm, phối hợp và phân công nhiệm vụ thực hiện các chương trình trọng tâm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về: Phát triển hợp tác xã nông nghiệp ứng phó biến đổi khí hậu và thích ứng cơ chế thị trường; xây dựng, phát triển các vùng sản xuất chuyên canh; chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn; phát triển kinh tế nông thôn, du lịch nông thôn nhằm nâng cao chất lượng và đời sống nông dân; xây dựng thương hiệu nông sản, xúc tiến thương mại, chia sẻ thông tin thị trường, tăng cường kết nối giao thương, xúc tiến thương mại nông sản trong nước và ngoài nước. Phối hợp thực hiện các giải pháp hỗ trợ tiêu thụ nông sản của các địa phương thông qua hoạt động xúc tiến thương mại, đẩy mạnh xuất khẩu nông sản chính ngạch.

Phối hợp triển khai nhanh và thực hiện tốt việc quản lý vùng trồng phục vụ cấp mã số vùng trồng cho các cây trồng, vật nuôi, thủy sản chính trên từng địa bàn tiến tới quản trị toàn bộ vùng trồng, vùng nuôi, truy xuất nguồn gốc nông, lâm, thủy sản gắn với bảo đảm an toàn thực phẩm bằng công nghệ số, chuyển đổi số phục vụ điều tiết sản xuất và thúc đẩy tiêu thụ nông sản hàng hóa.

Thứ sáu, hình thành, hỗ trợ hoạt động của các tổ kết nối sản xuất và tiêu thụ nông sản của từng địa phương và toàn vùng; phối hợp với các tổ công tác (như mô hình Tổ công tác “970” của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) chủ động tổ chức, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, gắn với lưu thông, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản.

Thứ bảy, phối hợp xây dựng, triển khai thực hiện các chương trình, dự án, đề tài giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với UBND các địa phương và với các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức trong và ngoài nước cho từng vùng sản xuất, từng loại cây trồng, vật nuôi, thủy sản; các mô hình nông lâm ngư kết hợp; các hệ thống canh tác bền vững; tổ chức khai thác tài nguyên bản địa thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm thiểu tác động đến môi trường, giảm phát thải khí nhà kính, góp phần hiện thực hóa các cam kết của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP-26).

Thứ tám, là phối hợp đẩy mạnh việc hình thành các hoạt động kết nối chuỗi cung- cầu với nhiều hình thức phù hợp và điều kiện của từng địa phương, tiểu vùng và toàn vùng, tiến tới đưa nông sản của vùng đến thị trường thông qua các kênh phân phối, tiêu thụ trong và ngoài nước. Chủ động phối hợp với các Bộ, ngành phổ biến kiến thức thương mại, nhất là thương mại điện tử cho nông dân, hợp tác xã và các tác nhân khác tham gia hợp tác, liên kết.

Thứ chín, phối hợp triển khai các chương trình khuyến nông của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các mô hình kết nối sản xuất, phân phối, lưu thông, tiêu thụ nông sản do các tổ chức chính trị- xã hội phát động, triển khai.

Cuối cùng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng 13 địa phương ĐBSCL cũng ký kết phối hợp triển khai hiểu quả chương trình xây dựng nông thôn mới.

Chương trình phối hợp nêu trên có hiệu lực từ ngày 6-3-2022, có thời gian thực hiện cho giai đoạn từ 2021-2025 và có điều chỉnh, bổ sung để triển khai thực hiện đến năm 2030.

Mục đích của việc hợp tác nêu trên, đó là bảo đảm sự lãnh đạo, phối hợp chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và lãnh đạo UBND các địa phương vùng ĐBSCL đối với công tác phối hợp trong tổ chức, triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021- 2025 và Chương trình tổng thể phát triển nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025.

Ngoài ra, việc hợp tác cũng nhằm phát huy tối đa nguồn lực, tiềm năng hiện có của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương vùng ĐBSCL để triển khai có hiệu quả và phát triển bền vững về kinh tế- xã hội- môi trường; phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh.

Song song đó, phát huy lợi thế là ngành kinh tế, sản xuất chiến lược của từng địa phương và phối hợp tổ chức, điều phối hợp tác, liên kết sản xuất trong từng lĩnh vực nông, lâm, thủy sản của mỗi địa phương và toàn vùng đảm bảo phát triển bền vững, an ninh lương thực, an toàn thực phẩm và đáp ứng các yêu cầu, nhu cầu tiêu thụ trong nước và phục vụ xuất khẩu.

Về kinh phí thực hiện, chương trình phối hợp được bố trí từ nguồn ngân sách nhà nước theo phân cấp hiện hành; lồng ghép từ các đề án, dự án, chương trình, hoạt động có liên quan và các nguồn kinh phí hợp pháp khác. Hàng năm, căn cứ kế hoạch triển khai chương trình phối hợp, UBND các địa phương bố trí kinh phí triển khai thực hiện theo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

Ngô Trọng (theo:baomoi.com)