Nông nghiệp – Nông thôn

Nâng cao công tác dạy nghề lao động nông thôn

27/12/2019 09:38

Mô hình dạy nghề nông dân từng bước đáp ứng nhu cầu hội viên-nông dân, trong xu thuế chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; góp phần thực hiện thắng lợi Đề án tái cơ cấu nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên địa bàn tỉnh An Giang.

Ngay đầu năm, Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ Nông dân (DN & HTND), trực thuộc Hội Nông dân tỉnh, tập hợp chỉ tiêu đăng ký dạy nghề lao động nông thôn năm 2019 của 11 huyện thị thành, theo chỉ tiêu phân bổ 900 lao động nông thôn với các ngành nghề nông nghiệp, phi nông nghiệp. Qua đó, có 9/11 huyện-thị-thành đăng ký với 39 lớp. Đồng thời, tổ chức 30 cuộc họp dân xác định nhu cầu học nghề và triển khai các chế độ chính sách về học nghề tại các xã thuộc 8 huyện Châu Phú, Phú Tân, An Phú, Tân Châu, Long Xuyên, Châu Phú, Chợ Mới, Tri Tôn có 1.000 nông dân  tham dự.

Trong năm 2019, Trung tâm đã tổ chức 35 lớp kỹ thuật chăn nuôi bò, kỹ thuật trồng và thiết kế vườn, kỹ thuật trồng lúa, kỹ thuật trồng rau màu, kỹ thuật phun thuốc và sửa chữa máy phun thuốc BVTV, kỹ thuật trồng và chăm sóc vườn theo tiêu chuẩn VietGap, kỹ thuật trồng nấm, kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm..... có 1.010 học viên là hội viên, nông dân tham dự. Trong đó có 03 sơ cấp nghề do Trung Ương Hội hỗ trợ kinh phí; học viên tham dự lớp tập huấn ngoài việc trang bị kiến thức về trồng trọt, chăn nuôi, còn được đầu tư mô hình thực hành. Bên cạnh, Trung tâm còn phối hợp với UBND Xã Châu Lăng – huyện Tri Tôn mở 02 lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi bò theo chương trình 135, có 30 học viên tham dự nâng tổng số là 37 lớp với 1.040 người dự, đạt 104% chỉ tiêu kế hoạch trong năm.

Học viên tham dự bế giảng lớp kỹ thuật trồng rau màu an toàn, tại xã Mỹ Hòa Hưng, Tp.Long Xuyên

Nâng cao chất lượng đào tạo nghề lao động nông thôn, theo xu hướng chuyển dần từ lao động nông nghiệp sang ngành nghề phi nông nghiệp là mục tiêu và nhiệm vụ hàng đầu của Trung tâm. Đặc biệt là quan tâm đào tạo đội ngũ nông dân nông nghiệp gắn kết chuỗi giá trị, các mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao... Đồng thời, đào tạo cho những nông dân chuyển đổi nghề nghiệp từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp và dịch vụ./.

Ngọc Dung