Nông nghiệp – Nông thôn

Nông nghiệp một lần nữa là bệ đỡ cho ổn định xã hội trong khó khăn

25/05/2020 08:36
Báo cáo trước Quốc hội về phòng chống Covid-19 và phát triển sau dịch, Thủ tướng nói, nông nghiệp một lần nữa là bệ đỡ cho ổn định đời sống xã hội trong khó khăn.

Theo Thủ tướng, Chính phủ đã chỉ đạo phòng chống dịch một cách toàn diện theo các kịch bản đề ra, phù hợp với diễn biến tình hình. Các biện pháp ứng phó được triển khai sớm hơn và cao hơn mức khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO); cách ly và giãn cách xã hội được triển khai kiên quyết, kịp thời, ngăn chặn hiệu quả dịch bệnh lây lan trong cộng đồng.

"Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đoàn kết, đồng lòng của nhân dân cả nước thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các biện pháp đề ra, đến nay chúng ta đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh", người đứng đầu Chính phủ báo cáo trước Quốc hội.

Thủ tướng cho rằng, thắng lợi bước đầu quan trọng này là kết quả của sự quyết tâm cao, thống nhất ý chí và hành động của toàn Đảng, toàn quân và sự đồng lòng, ủng hộ, chung tay của nhân dân cả nước.

Với tinh thần khó khăn gấp đôi phải cố gắng gấp ba trong thực hiện “mục tiêu kép”, các địa phương, doanh nghiệp đã nỗ lực duy trì sản xuất kinh doanh, thúc đẩy các hoạt động kinh tế xã hội.

Theo đó, cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã, nhất là doanh nghiệp nhà nước đã thể hiện vai trò quan trọng trong việc bảo đảm cung ứng hàng hóa, dịch vụ thiết yếu như lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, điện, nước, xăng dầu, bưu chính viễn thông...

"Đặc biệt, nông nghiệp, nông thôn một lần nữa là bệ đỡ, là nền tảng cho ổn định đời sống xã hội trong thời kỳ khó khăn", Thủ tướng khẳng định.

Về tác động của dịch, Thủ tướng cho biết, tác động của Covid-19 đến nước ta là rất nghiêm trọng do nền kinh tế hội nhập sâu rộng, độ mở lớn, tính tự chủ và khả năng chống chịu còn hạn chế.

Không chỉ gây thiệt hại về kinh tế do các hoạt động sản xuất kinh doanh đình trệ, gián đoạn chuỗi cung ứng và lưu chuyển thương mại, dịch bệnh còn ảnh hưởng mạnh đến tâm lý và đời sống nhân dân.
Trong khi đó, biến đổi khí hậu, thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn, mưa đá, dịch tả lợn châu Phi… cũng gây thiệt hại lớn ở nhiều vùng, địa phương và tình hình Biển Đông diễn biến phức tạp.

Dịch bệnh đã tác động rất mạnh đến hầu hết các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế. Khu vực nông nghiệp chỉ tăng 0,08% do khó khăn rất lớn trong xuất khẩu. Tổng cầu của nền kinh tế giảm mạnh; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 4 tháng đầu năm giảm 4,3%.

Trong bối cảnh đó, chúng ta tập trung thực hiện "mục tiêu kép" - vừa quyết liệt phòng chống dịch bệnh, vừa duy trì và phát triển các hoạt động KTXH, bảo đảm đời sống nhân dân. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.

Điểm sáng

Mặc dù gặp khó khăn, thách thức lớn, nhưng nhờ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước dưới sự lãnh đạo của Đảng, chúng ta vẫn có những điểm sáng trong phát triển kinh tế, nhất là duy trì được nền tảng vĩ mô ổn định và các cân đối lớn của nền kinh tế, tạo thuận lợi cho phục hồi và phát triển kinh tế sau dịch.

Cụ thể, Việt Nam đã ưu tiên nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ nhiều công trình hạ tầng quan trọng, hỗ trợ ngân sách trung ương cho các địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) khắc phục khó khăn, thúc đẩy phát triển KTXH và liên kết vùng.

Nông nghiệp được mùa, được giá, đời sống người nông dân được cải thiện; bảo đảm an ninh lương thực và xuất khẩu gạo đạt mức cao.

Tại Hội nghị phát triển bền vững vùng ĐBSCL tháng 6/2019, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo xây dựng phương án trình Quốc hội bổ sung 1 tỷ USD ngoài định mức phân bổ chung để đầu tư kết cấu hạ tầng, ứng phó biến đổi khí hậu của vùng trong giai đoạn tới.

Mặc dù giảm khá mạnh so với cùng kỳ, nhưng tăng trưởng GDP quý I vẫn đạt 3,82%, thuộc nhóm cao trong khu vực và trên thế giới. Trong khó khăn, nhiều địa phương vẫn đạt được tốc độ tăng trưởng khá cao.

Để cơ cấu lại thực chất, phục hồi nhanh nền kinh tế, thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số. Thủ tướng cho rằng, cần thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp sớm phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh gắn với cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực.

Phát triển mạnh nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ, an toàn; đẩy mạnh sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ nông sản; bảo đảm an ninh lương thực; tập trung tái đàn lợn, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước với giá cả hợp lý.

Bên cạnh đó, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án công nghiệp, năng lượng trọng điểm, bảo đảm đủ điện cho sản xuất và đời sống. Hỗ trợ phù hợp doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ. Có biện pháp hỗ trợ phục hồi nhanh các ngành, lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, nhất là các ngành dịch vụ, du lịch, hàng không…

Theo: nongnghiep.vn