Phong trào nông dân

Nông dân An giang với phong trào nông dân thi đua Sản xuất - Kinh doanh giỏi.

23/08/2019 08:43

Nhằm mục đích tôn vinh, tuyên dương đại diện các tập thể và cá nhân nông dân điển hình tiêu biểu trong phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh trong tỉnh.

Đại hội Tuyên dương nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi lần thứ XVIII, giai đoạn 2016 - 2019 dự kiến diễn ra vào ngày 10-11/10/2019 với chủ đề “chuyển dịch cơ cấu kinh tế thích ứng với biến đổi khí hậu”.

Đây là một trong ba phong trào lớn của Hội, thật sự đã tạo ra khí thế thi đua sôi nổi đến mỗi nông dân, khơi dậy tính năng động, sáng tạo để được tôn vinh về sự thành đạt của mình. Qua đó thúc đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nông thôn; Những mô hình làm ăn mới xuất hiện ngày càng nhiều và có hiệu quả, quy mô sản xuất - kinh doanh liên tiếp mở rộng có tính thuyết phục cao, từ đó đã tạo nên phong trào nông dân thi đua làm ăn sôi nổi, tác động rất lớn đến mọi lĩnh vực hoạt động, tạo nên bộ mặt nông thôn mới đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu, nguyện vọng của nông dân.

Kết quả xét chọn năm 2019 cho thấy việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp đã thay đổi đáng kể, tỉ lệ nông dân giỏi về các mô hình kinh doanh, dịch vụ nông nghiệp, các ngành nghề mới đã xuất hiện khá nhiều ở nông thôn, cụ thể như: Mô hình độc canh lúa, đa số đều có áp dụng 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm. Điểm đặc biệt là các mô hình ngoài lúa tăng một cách đáng kể chiếm 44,58%, nông dân giỏi ngành nghề xây dựng nông thôn mới chiếm tỷ lệ 1,72%. Ngoài ra, các ngành nghề khác như trồng màu, vườn, chăn nuôi, thuỷ sản, đều tăng rất đáng kể, cụ thể: Màu 9,22%; Vườn 7,93%, Chăn nuôi 6,98%; Đa canh 0,6%; Thủy sản 0,91%; Bè 0,16%; Trang trại 0,11%;.... Gương nông dân giỏi tiêu biểu đã xuất hiện đều khắp các nơi trong tỉnh, góp phần tạo ra giá trị sản phẩm nông nghiệp rất lớn, giải quyết công ăn việc làm đáng kể cho người lao động và xóa đói giảm nghèo bền vững ở nông thôn, góp phần quan trọng cho quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn An Giang.

Hội viên, nông dân giỏi cấp tỉnh đóng góp xây dựng nông thôn trị giá hơn 64 tỷ đồng và 403.084 ngày công lao động; hướng dẫn giúp đỡ cho 315.053 lượt hộ nghèo có điều kiện phát triển sản xuất. Phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi hằng năm đều tăng cụ thể qua các kỳ Đại hội tuyên dương nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi như: Năm 2010 có 61.481 nông dân giỏi; Năm 2012 có 68.807 nông dân giỏi; Năm 2014 có 83.337 nông dân giỏi; Năm 2016 có 85.281 nông dân giỏi; Năm 2019 có 82.386 nông dân giỏi (giảm 2.895 so với Đại hội trước nhưng chất lượng nông dân giỏi được nâng lên thể hiện qua tổng doanh thu tăng gấp rưởi so lần trước)

Kết quả thực hiện phong trào nông dân thi đua sản xuất - kinh doanh giỏi qua 17 kỳ Đại hội và Đại hội lần 18 có 1.289.488 nông dân giỏi. Nông dân giỏi đã có sự chuyển biến về chất so với trước đây trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nông thôn. Nông dân ngày nay đang giảm dần việc sản xuất độc canh cây lúa, đổi mới tư duy trong làm ăn, với điều kiện sẵn có họ đã nhạy bén trong sản xuất - kinh doanh nhằm đáp ứng với nhu cầu thị trường đặt ra. Đó là sự xuất hiện các ngành nghề sản xuất ngoài lúa nhiều hơn so với trước đây; Qua thực tế cho thấy, phong trào đã tác động tích cực làm xuất hiện nhiều mô hình mới có sức thuyết phục cao, phù hợp với thực tế của địa phương.

Giai đoạn 2016-2019, phong trào Nông dân thi đua sản xuất - kinh doanh giỏi của tỉnh đã có những tác động tích cực như:

Thông qua phong trào nông dân thi đua sản xuất - kinh doanh giỏi, tổ chức hội các cấp được củng cố và phát triển về chính trị, tư tưởng xứng đáng là trung tâm nòng cốt trong việc tập hợp và thực hiện Nghị quyết tam nông của Đảng. Đã tác động tích cực đến Cán bộ, hội viên và nông dân, khơi dậy tinh thần đoàn kết gắn bó, ý thức tự lực, tự cường cần cù, sáng tạo tự vươn lên làm giàu cho gia đình và xã hội. Củng cố khối đại đòan kết toàn dân tộc, tinh thần yêu nước, tương thân, tương ái, phát huy truyền thông văn hóa giàu lòng nhân ái của dân tộc. từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nông dân rút ngắn khoảng cách giữa thành thị và nông thôn.

Thông qua lực lượng nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi các cấp, đã làm chuyển biến nhận thức của đại bộ phận nông dân, thực sự làm nòng cốt trong việc ứng dụng những tiến bộ của khoa học kỹ thuật thực hiện cơ giới hóa đồng ruộng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp - nông thôn tạo hiệu quả ngày càng cao trên đơn vị diện tích canh tác, khai thác có hiệu quả về vốn, lao động, khoa học kỹ thuật… Đặc biệt là rất quan tâm đến chất lượng - giá thành - hiệu quả - tiêu thụ nông sản. Tạo động lực để nông dân mạnh dạn ứng dụng kỹ thuật mới và đổi mới phương thức sản xuất góp phần thúc đẩy tiến trình Công nghiệp hóa - Hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Từ những hiệu quả mang lại của phong trào được sự quan tâm đặc biệt lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND và các ngành thông qua các chương trình hành động, kế hoạch phát triển gắn kết với chính sách đầu tư - hỗ trợ, quy hoạch vùng sản xuất tập trung và phát triển nông thôn mới của tỉnh và từng huyện; đã tạo điều kiện phong trào thi đua của nông dân tỉnh nhà không ngừng lớn mạnh cả chiều rộng lẫn chiều sâu. Thể hiện qua việc ban hành nhiều cơ chế, chính sách tạo điều kiện để Hội Nông dân phát huy vai trò tập hợp và vận động nguồn nhân lực quan trọng của tỉnh cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

TVB