Tuyên truyền

An Giang. Tăng cường ngăn dịch ở biên giới khi Campuchia gỡ lệnh phong tỏa

06/05/2021 10:32

Trước việc Campuchia có thể kết thúc đợt giãn cách xã hội, các tỉnh biên giới Tây Nam đã lên phương án tăng cường siết chặt thêm 'lá chắn' COVID-19 ở biên giới.

Trong khi đó, nói về việc phòng dịch theo nguyên tắc 5K, ông Nguyễn Thanh Bình - Chủ tịch UBND tỉnh An Giang - thẳng thắn: "Tôi yêu cầu các địa phương không nhắc nhở đeo khẩu trang nơi công cộng nữa mà phải xử phạt vì đã tuyên truyền nhiều rồi. Địa phương nào xử phạt nhiều sẽ được khen thưởng. Các huyện phải xây dựng nhiều đội xử phạt, có kế hoạch ai lập biên bản ai xử phạt rõ ràng...".

Trong khi đó, chiều 5/5 UBND tỉnh An Giang cũng đã có buổi họp khẩn để bàn các phương án đối phó với trường hợp nhiều người Việt đang ở Campuchia sẽ trở về sau khi nước này tháo lệnh phong tỏa.

Đại tá Bùi Trung Dũng - Phó chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh An Giang - cho biết với nhóm người gốc Việt thì các ngành chức năng tích cực vận động, tuyên truyền họ quay trở lại Campuchia, không thể đưa họ vào khu cách ly. Với người Việt Nam nhập cảnh về nước chỉ có 2 đường cửa khẩu quốc tế là Vĩnh Xương và Tịnh Biên. "Nếu người dân về nhiều mà không kịp khai báo y tế thì không thể đưa họ vào chung nhóm cách ly hiện tại được mà phải có khu riêng hoặc phải lập tổ, chốt ở khu vực có nhiều bà con từ Campuchia về để họ khai báo y tế, tiếp nhận" - đại tá Dũng nói.

Đại tá Đinh Văn Nơi - Giám đốc Công an tỉnh An Giang - cho biết thêm công an tỉnh này sẽ chọn địa bàn TP Châu Đốc làm "sở chỉ huy" để chỉ huy hàng trăm công an sẵn sàng sát cánh cùng lực lượng biên phòng tuần tra, kiểm soát và tiếp nhận người khi có tình huống xấu xảy ra. 

Hiện tại, Công an tỉnh An Giang đã chuẩn bị hàng trăm quân để sẵn sàng đi đến các địa phương dự báo có đông người về nước, nhằm tiếp sức lực lượng y tế và biên phòng. Xe cứu thương vận chuyển người không nên đưa sâu vào nội địa mà ưu tiên cho 5 huyện biên giới.

Ông Từ Quốc Tuấn - giám đốc Sở Y tế tỉnh An Giang - cũng cho biết đã quyết định chọn Trung tâm Y tế huyện Châu Thành làm bệnh viện dã chiến vì nơi này mới xây dựng gần đây, có đủ cơ sở và trang thiết bị y tế nên rất phù hợp làm bệnh viện dã chiến. 

Đặc biệt, khu vực này có quỹ đất rộng nên có thể tăng giường hay nâng cấp lên để mở rộng giường điều trị cho người bị nhiễm bệnh.

An Giang cũng chỉ đạo mỗi huyện biên giới phải chuẩn bị sẵn sàng tiếp nhận được 300 trường hợp và tìm cách dự phòng thêm 100 trường hợp phải tiếp nhận người bên kia biên giới trở về.

TVB: Nguồn TTO