Tuyên truyền

Hội Nông dân các cấp tham gia thực hiện tốt công tác hòa giải ở cơ sở

26/03/2019 15:01

Vai trò của các “nhóm nòng cốt” ;“ Câu lạc bộ nông dân với pháp luật” trong việc tuyên truyền vận động nhân dân chấp hành chấp hành pháp luật, nâng cao nhận thức về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước

Hoạt động hòa giải ở cơ sở là một trong những nhiệm vụ hết sức quan trọng hiện nay, vừa mang tính nhân văn, vừa mang tính pháp lý; là một trong những mắt xích quan trọng, giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp trong cộng đồng dân cư; tạo thêm tinh thần đoàn kết trong cộng đồng nhân dân; hạn chế đơn thư khiếu nại, tố cáo vượt cấp, góp phần góp phần bảo đảm ổn định, trật tự, an toàn xã hội,xây dựng nếp sống văn minh, gia đình no ấm, hạnh phúc.

Thực hiện quyết định số 81/2014/QĐ-TTg ngày 31/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phối hợp giữa các bộ, ngành, UBND các cấp với các cấp Hội Nông dân Việt Nam trong việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân. Qua đó, hàng năm Hội Nông dân tỉnh An Giang đều xây dựng kế hoạch phối hợp với các ngành có liên quan triển khai hội nghị và lớp tập huấn trong hệ thống Hội Nông dân các cấp và tổ chức thực hiện tốt luật hòa giải ở cơ sở. Ngoài ra Hội còn phối hợp cùng phòng tư pháp các huyện, thị xã, thành phố in ấn tài liệu tuyên truyền miệng, tờ bướm, sổ tay. Cấp phát 85.943 tài liệu cho hòa giải viên, 3.514 cuốn sổ tay bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải cơ sở, 85.943 cuốn sổ tay pháp luật về hòa giải ở cơ sở. Tổ chức 31 lớp tập huấn hòa giải cơ sở cho 3.514 là trưởng ban hòa giải cấp xã, tổ trưởng và hòa giải viên tham dự; đồng thời phổ biến luật hòa giải ở cơ sở rộng rãi cho nhân dân trên các phương tiện thông tin đại chúng như: đài truyền thanh 25.287/giờ; đăng tin trên Báo, cổng thông tin điện tử được 4.136 tin, bài; phổ biến luật hòa giải cơ sở thông qua 33 cuộc thi, hội thi và 55 cuộc hội nghị họp dân.

Hiện nay, toàn tỉnh có 888 Tổ Hòa giải với 6.085 hòa giải viên. Ở những vùng đồng bào dân tộc thiểu số, thành viên tổ hòa giải còn có đại diện là người dân tộc thiểu số với 389 hòa giải viên là đồng bào dân tộc thiểu số, tập trung ở các huyện Tịnh Biên, Tri Tôn chiếm tỷ lệ 6,4%; hòa giải viên nữ chiếm tỷ lệ 25%, tất cả các tổ hòa giải đều có nữ tham gia.

Sau 5 năm (2014 - 2019), kể từ khi Luật Hòa giải ở cơ sở được ban hành và tổ chức thực hiện, các tổ hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh An Giang đã tiếp nhận 18.334 vụ việc, tỷ lệ hòa giải thành trung bình là 88%. Nổi bật, các năm 2016, 2017 tỷ lệ này đạt trên 90%. Nội dung hòa giải chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực dân sự, hôn nhân và gia đình chiếm tỷ lệ 69%, lĩnh vực khác chiếm 31% trên tổng số các vụ, việc.

Trung tâm tư vấn pháp luật-Hội Nông dân tỉnh tổ chức buổi tuyên truyền phổ biến văn bản pháp luật cho hội viên-nông dân

Qua 05 năm thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở, nhiều mô hình hay, hiệu quả trong cộng đồng dân cư đã phát huy hiệu quả, nhất là vai trò của các “nhóm nòng cốt” ;“ Câu lạc bộ nông dân với pháp luật” trong việc tuyên truyền vận động nhân dân chấp hành chấp hành pháp luật, nâng cao nhận thức về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Thông qua hoạt động hòa giải đã góp phần duy trì, củng cố sự đoàn kết trong nội bộ nhân dân, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, phát huy đạo lý, truyền thống tốt đẹp của dân tộc, nâng cao ý thức tôn trọng pháp luật, sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật trong cộng đồng dân cư. Bên cạnh đó, việc hòa giải thành còn góp phần hạn chế đơn thư, khiếu kiện lên cơ quan cấp trên và Toà án, tiết kiệm thời gian và tiền bạc của cơ quan nhà nước và công dân. Những kết quả nổi bật của các tổ hòa giải đem lại, một phần có sự đóng góp không nhỏ của đội ngũ hòa giải viên là thành viên của Hội Nông dân các cấp./.

Hồng Hạnh