Chủ trương – chính sách

Phát huy vai trò chủ thể của nông dân trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới

01/02/2023 09:46

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đề ra "khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc", Đảng tiếp tục nhấn mạnh tầm quan trọng của nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong chiến lược xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc.

Nghị quyết số 19 Hội nghị Trung ương 5 (khóa XIII) của Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn một lần nữa khẳng định nông nghiệp là lợi thế quốc gia, là trụ đỡ của nền kinh tế. Trong đó, nông dân là chủ thể, là trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới.

Đồng chí Lương Quốc Đoàn - Ủy viên Ban Chấp hành T.Ư Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Ban Chấp hành T.Ư Hội NDVN

Đây là động lực để giai cấp nông dân Việt Nam (NDVN) vượt qua mọi khó khăn, thách thức, phát triển nông nghiệp thịnh vượng, giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại, góp phần thực hiện khát vọng xây dựng đất nước hùng cường.

Khẳng định vai trò của Hội Nông dân và giai cấp nông dân Việt Nam

Năm 2022, dưới sự lãnh đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư; sự điều hành quyết liệt của Chính phủ; hành động tích cực, sáng tạo và hiệu quả của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, đất nước ta đã đạt được những thành tựu tích cực về phát triển kinh tế - xã hội; tăng cường tiềm lực quốc phòng an ninh, xây dựng hệ thống chính trị, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại và mở rộng quan hệ quốc tế, kinh tế xã hội nước ta đã hồi phục tích cực sau đại dịch Covid-19. Trong bối cảnh suy thoái toàn cầu ngày càng hiện hữu, lạm phát cao trên toàn thế giới, nền kinh tế Việt Nam vẫn tiếp tục ghi dấu ấn tích cực và tăng trưởng cao, dự kiến GDP đạt trên 8%. Kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát; các cân đối lớn được bảo đảm; an ninh lương thực và an ninh năng lượng được bảo đảm; cung ứng lao động cơ bản đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.

Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản ổn định và có tăng trưởng, bảo đảm tiến độ sản xuất. Tính cả năm 2022, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt trên 53,2 tỷ USD, tăng 9,3% so với năm 2021. Có 11 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó có 8 sản phẩm/nhóm sản phẩm đạt kim ngạch trên 2 tỷ USD (cà phê, cao su, gạo, rau quả, điều, tôm, cá tra, sản phẩm gỗ), bao gồm 7 mặt hàng có kim ngạch trên 3 tỷ USD (gỗ và sản phẩm gỗ đạt 10,92 tỷ USD; tôm 4,33 tỷ USD; cà phê 3,94 tỷ USD; gạo 3,49 tỷ USD; cao su 3,31 tỷ USD; rau quả 3,34 tỷ USD; hạt điều 3,07 tỷ USD).

Xây dựng nông thôn mới (NTM) đạt kết quả tích cực, có 5.860 xã (71,3%) đạt chuẩn NTM; có 925 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 110 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; có 255 đơn vị cấp huyện thuộc 58 tỉnh, thành phố đạt chuẩn NTM (đạt 39,6% số huyện cả nước).

Những kết quả đáng phấn khởi trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn nêu trên góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng và an ninh đất nước. Góp phần làm nên bức tranh sinh động, nhiều gam màu tươi sáng của nông nghiệp, nông dân, nông thôn năm 2022. Đạt được kết quả này có sự đóng góp lớn, rất rõ nét, rất quan trọng của hội viên, nông dân cả nước.

Nhìn lại năm 2022, trong điều kiện diễn biến thời tiết phức tạp, giá vật tư, nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp (xăng dầu, phân bón, thức ăn chăn nuôi...) tăng cao, tình hình thế giới có những diễn biến phức tạp, khó lường đã tác động, ảnh hưởng rất lớn và trực tiếp đến đời sống, sản xuất của hội viên, nông dân và trong hoạt động công tác Hội, phong trào nông dân địa phương.

Trước cơ hội và thách thức, bám sát chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Thường vụ, Ban Chấp hành T.Ư Hội, các cấp Hội và cán bộ, hội viên, nông dân cả nước đã chủ động, sáng tạo thực hiện tốt các nhiệm vụ công tác Hội và phong trào nông dân năm 2022. Các chỉ tiêu cơ bản đều đạt và vượt so với kế hoạch đề ra.

Điểm nhấn trong năm 2022, Ban Thường vụ T.Ư Hội NDVN đã chỉ đạo và tổ chức thành công các chương trình, sự kiện lớn như: Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân Việt Nam, Festival trái cây và sản phẩm OCOP Việt Nam tại Sơn La; Hội nghị tổng kết phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi và biểu dương nông dân sản xuất giỏi tiêu biểu toàn quốc lần thứ V; Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam lần thứ X; Chương trình tôn vinh Nhà khoa học của nhà nông lần thứ IV; Ngày hội Tam nông và Hội thi nông dân đua tài toàn quốc lần thứ V... Qua đó lan tỏa mạnh mẽ, thu hút sự quan tâm, hưởng ứng của đông đảo cán bộ, hội viên, nông dân và của toàn xã hội; vai trò, vị thế của tổ chức Hội ngày càng được khẳng định trong hệ thống chính trị. Năm 2022, Hội NDVN đã trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Nông dân thế giới sau 10 năm là quan sát viên.

Khơi dậy khát vọng vươn lên làm giàu, xây dựng đất nước hùng cường

Đảng ta nhất quán quan điểm: "Đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp, phát triển nông thôn gắn với xây dựng NTM. Phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững…" bằng "ý chí phấn đấu vươn lên, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc".

Mục tiêu cao nhất trong phát triển nông nghiệp, nông thôn là nâng cao toàn diện đời sống vật chất, tinh thần của nông dân và cư dân nông thôn. Chú trọng xây dựng nông dân Việt Nam phát triển toàn diện, văn minh, yêu nước, đoàn kết, tự chủ, tự lực, tự cường, đổi mới sáng tạo, có ý chí, khát vọng xây dựng quê hương, đất nước phồn vinh, hạnh phúc; có trình độ, học vấn và năng lực tổ chức sản xuất tiên tiến, nếp sống văn minh, trách nhiệm xã hội, tôn trọng pháp luật, bảo vệ môi trường; được thụ hưởng những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, từng bước tiếp cận các dịch vụ của đô thị.

Để tiếp tục phát huy, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, góp phần thực hiện thắng lợi các Nghị quyết của Đảng, tổ chức Hội NDVN các cấp cần tập trung các nhiệm vụ sau:

1. Tiếp tục đổi mới công tác tuyên truyền vận động, để các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, của Hội NDVN đến với đông đảo hội viên, nông dân một cách thiết thực, hiệu quả nhất; chủ động nêu cao cảnh giác trước âm mưu diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch, đặc biệt là lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, dân chủ, nhân quyền; thu hồi đền bù, giải phóng mặt bằng để kích động, lôi kéo chia rẽ trong nội bộ nông dân, đồng bào dân tộc để chống phá Đảng, Nhà nước ta. Công tác tuyên truyền, vận động không chỉ thông qua các buổi họp, buổi tập huấn mà cần phải thông qua việc tổ chức các hoạt động thiết thực mang lại quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho hội viên, nông dân.

2. Đổi mới phương pháp tập hợp hội viên, nông dân trên cơ sở gắn với quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên, nông dân; lấy lợi ích chính đáng và giải quyết những khó khăn, bức xúc của nông dân làm nội dung hoạt động của Hội. Đổi mới mạnh mẽ, toàn diện, đồng bộ nội dung, phương thức và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động  thông qua việc tập trung củng cố tổ Hội nông dân nghề nghiệp, chi Hội nông dân nghề nghiệp đã có; đẩy mạnh xây dựng tổ Hội nông dân nghề nghiệp, chi Hội nông dân nghề nghiệp mới. Tiếp tục thực hiện tốt công tác tổ chức cán bộ, không ngừng củng cố kiện toàn tổ chức bộ máy từ tỉnh xuống cơ sở theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; bồi dưỡng, đào tạo cán bộ Hội các cấp đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Tổ chức Hội phải luôn thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ; cán bộ Hội luôn phải đúng vai, thuộc bài.

3. Tập trung nâng cao chất lượng phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững; tham gia tích cực các phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động. Hội ND các cấp cần tập trung chỉ đạo đổi mới, nâng cao chất lượng phong trào; thể hiện rõ hơn vai trò của tổ chức Hội trong hướng dẫn nông dân phát triển các hình thức kinh tế tập thể, hợp tác trong sản xuất kinh doanh, nòng cốt là các hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi. Các cấp Hội cần có trách nhiệm trong việc hỗ trợ các hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi duy trì, phát huy, phát triển mạnh hơn nữa thông qua các hoạt động tư vấn, hỗ trợ. Trong phát triển kinh tế nông nghiệp, phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi phải là phong trào mũi nhọn, hàng đầu, cần thường xuyên tổ chức cho hội viên, nông dân tham quan học tập, trao đổi kinh nghiệm cách làm ăn, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Tổ chức Hội ND phải trở thành cầu nối, tạo dựng niềm tin giữa những người nông dân, các hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi với doanh nghiệp, với hợp tác xã, với nhà khoa học để tạo nên một mối liên kết bền vững trong phát triển nông nghiệp và xây dựng NTM.

Đẩy mạnh công tác truyền thông để nhân rộng và lan tỏa các điển hình tiên tiến trong sản xuất, kinh doanh giỏi. Tổ chức Hội ND cần phải tập hợp để những hộ sản xuất kinh doanh giỏi, xác định các hộ sản xuất kinh doanh giỏi là nòng cốt để tập trung đào tạo bồi dưỡng, nâng cao năng lực, kỹ năng để họ trở thành hạt nhân dẫn dắt thực hiện mục tiêu tri thức hóa nông dân, trở thành hạt nhân nòng cốt trong tham gia phát triển kinh tế nông thôn; tham gia phát triển kinh tế tập thể, trở thành các chủ tịch Hội đồng quản trị, giám đốc hợp tác xã, hơn nữa là trở thành các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn.

4. Đẩy mạnh tổ chức các hoạt động tư vấn, dịch vụ hỗ trợ hội viên, nông dân sản xuất, kinh doanh, phát triển các hình thức kinh tế tập thể. Đó là tư vấn và trợ giúp pháp lý; hỗ trợ về vốn; hỗ trợ dạy nghề, chuyển giao khoa học kỹ thuật; chuyển đổi số trong nông nghiệp; tham gia vào quá trình nghiên cứu khoa học để làm chủ một số loại giống cây, con chủ lực; về kết nối, hỗ trợ vật tư đầu vào; xây dựng thương hiệu và tiêu thụ nông sản; hướng dẫn, hỗ trợ thành lập các tổ hợp tác, HTX; hỗ trợ kết nối, xây dựng mối liên kết bền vững, hiệu quả giữa Nhà nước, nhà nông, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp góp phần xây dựng chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị; sản xuất theo tín hiệu thị trường, tạo ra những sản phẩm nông nghiệp an toàn, xây dựng, phát triển và gìn giữ thương hiệu sản phẩm, thị trường tiêu thụ, đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và thế giới. Xây dựng được nhiều mô hình liên kết giữa doanh nghiệp với người dân để phát triển vùng nguyên liệu, tăng chế biến tinh, tạo ra những sản phẩm chủ lực có chất lượng cao phục vụ cho chế biến và xuất khẩu.

5. Thực hiện hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội. Thường xuyên, tích cực nắm bắt tình hình thực tiễn đời sống, tâm tư, nguyện vọng của hội viên, nông dân; kịp thời, trực tiếp tham mưu, phối hợp tham mưu với các cấp ủy Đảng, chính quyền trong việc giải quyết, tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn trong đời sống và sản xuất, kinh doanh của hội viên, nông dân. Tham gia thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở góp phần xây dựng Đảng, chính quyền và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh; củng cố liên minh công nhân, nông dân, trí thức thông qua các hoạt động liên kết, hợp tác sản xuất kinh doanh. 

Ngô Trong (Theo: danviet.vn)