An Giang phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới
Quán triệt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng và phát huy vai trò của kinh tế tập thể, hợp tác xã trong quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, những năm qua, tỉnh An Giang đã tạo điều kiện để thúc đẩy khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã phát triển. Trong đó, trọng tâm là xây dựng hợp tác xã kiểu mới theo hướng liên kết chuỗi giá trị gắn với ngành hàng chủ lực của tỉnh
Đổi mới, tăng vai trò và niềm tin
Trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Đảng và Nhà nước ta luôn khẳng định kinh tế tập thể (KTTT), hợp tác xã (HTX) là một bộ phận quan trọng trong nền kinh tế quốc dân. Trong những năm gần đây, khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã có bước phát triển cả về số lượng và chất lượng, cơ bản khắc phục được tình trạng yếu kém kéo dài; từng bước khẳng định vị trí, vai trò nền tảng của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã trong nền kinh tế quốc dân.
Quán triệt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng và phát triển KTTT, HTX, thời gian qua, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện thúc đẩy khu vực KTTT, HTX phát triển. Đặc biệt, trong lĩnh vực nông nghiệp, các HTX phát triển mạnh về số lượng, chất lượng; mở ra nhiều dịch vụ mới, phục vụ và mang lại lợi ích thiết thực cho các thành viên HTX và nông dân; từng bước hình thành các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; qua đó tăng cường niềm tin của người dân về KTTT, HTX. Đến cuối năm 2021, toàn tỉnh có 192 HTX nông nghiệp (trong đó có 6 HTX thủy sản, 2 HTX chăn nuôi, còn lại là HTX trong lĩnh vực trồng trọt) với 13.100 thành viên và 2 liên hiệp HTX nông nghiệp. Có khoảng 40% số HTX thực hiện từ 2 dịch vụ trở lên, hơn 15% số HTX thực hiện dịch vụ tiêu thụ nông sản. Bình quân, mỗi HTX nông nghiệp đạt doanh thu hơn 2,3 tỷ đồng/năm, đạt lợi nhuận 185,6 triệu đồng/năm, tăng tương ứng 12% và 27% so với năm trước.
Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh hình thành nhiều HTX kiểu mới và phát triển theo hướng tăng cường liên kết với doanh nghiệp. Điển hình như Tập đoàn Lộc Trời đã kết hợp cùng các sở, ngành của tỉnh và ủy ban nhân dân các xã tổ chức vận động nông dân cùng hợp tác để thành lập mới 24 HTX nông nghiệp trong vùng nguyên liệu của tập đoàn. Tập đoàn Lộc Trời đã cử nhân sự tham gia ban lãnh đạo của các HTX để phụ trách hoạt động kinh doanh, cử đội ngũ “ba cùng” (cùng ăn - cùng ở - cùng làm) phối hợp với hội đồng quản trị HTX hướng dẫn thành viên HTX về kỹ thuật, quy trình canh tác theo hướng hiện đại, khoa học. Nhờ đó, giá thành sản xuất của nhiều HTX giảm bình quân 20% so với cách canh tác truyền thống trước đây. Tỉnh An Giang và Tập đoàn Lộc Trời đã ký kết chương trình hợp tác phát triển HTX kiểu mới gắn với xây dựng vùng nguyên liệu lúa gạo, trong đó giai đoạn 2020 - 2025 dự kiến sẽ thành lập mới 200 HTX nông nghiệp, hợp tác xây dựng thương hiệu gạo An Giang. Hay mô hình sản xuất lúa “Bao lợi nhuận” đã được triển khai ở huyện Thoại Sơn và huyện Phú Tân, với mục tiêu bảo đảm lợi nhuận cho thành viên HTX, giúp nông dân an tâm sản xuất, không còn lo bị rơi vào cảnh “được mùa, mất giá”, tạo tiền đề cho sản xuất quy mô lớn.
Tháng 7-2021, Liên hiệp HTX Thoại Sơn ra đời để thiết lập mối liên kết ngang giữa các HTX. Nhiệm vụ trọng tâm của Liên hiệp HTX Thoại Sơn là đưa cơ giới hóa vào toàn bộ quá trình sản xuất nông nghiệp (nổi bật là mô hình canh tác lúa không dấu chân), là nơi mua chung, bán chung vật tư và các dịch vụ cho sản xuất, điều tiết việc tiêu thụ toàn bộ nông sản do các HTX thành viên sản xuất ra, đảm nhiệm vai trò đối tác cung ứng nông sản cho các tập đoàn, doanh nghiệp lớn với nhiều chủng loại nông sản. Bước đầu, Liên hiệp HTX Thoại Sơn đã đầu tư 33 loại thiết bị sản xuất hiện đại, như máy cày, máy cắt, cuộn rơm, máy kéo lúa... để phục vụ các HTX thành viên. Thời gian tới, Liên hiệp HTX Thoại Sơn sẽ phát triển lên quy mô toàn tỉnh và tiến tới quy mô cấp vùng.
Song song đó, nhiều HTX cũng đã tìm ra hướng đi mới thích ứng với cơ chế thị trường, mở ra nhiều dịch vụ mới, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, thực hiện liên kết sản xuất với doanh nghiệp, như: HTX nông nghiệp Phú Thạnh, HTX nông nghiệp Chợ Vàm, HTX nông nghiệp An Bình, HTX nông nghiệp Vĩnh Bình, HTX nông nghiệp Tân Tiến, HTX nông nghiệp Bến Bà Chi... Các HTX này, ngoài cung ứng dịch vụ cho sản xuất còn thực hiện các dịch vụ sản xuất gạo sạch đóng gói, cung cấp nước sạch nông thôn, nước uống đóng bình, nước mắm, xoài theo tiêu chuẩn VietGAP... qua đó, đóng góp tích cực vào chương trình xây dựng nông thôn mới, cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, giúp người dân nông thôn nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.
Với định hướng, liên kết chuỗi giá trị đóng vai trò quan trọng trong tiến trình chuyển đổi từ “sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp”, góp phần cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Tỉnh An Giang xác định phải sớm đưa các quy trình sản xuất hiện đại vào HTX, phát triển HTX thành trung tâm điều hành, tổ chức sản xuất của nông dân. Theo đó, các HTX nông nghiệp giữ vai trò chủ thể chính trong quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng linh hoạt, chủ động thích ứng với nhu cầu thị trường, tiến tới hình thành những vùng sản xuất chuyên canh, tập trung quy mô lớn đối với các sản phẩm chủ lực của tỉnh như: cá tra (Long Xuyên, Châu Phú, Tân Châu, Châu Thành...); cây ăn trái (Tri Tôn, Chợ Mới, Tịnh Biên, An Phú...); rau màu (Châu Phú, Chợ Mới,...); lúa, nếp (Phú Tân, Châu Phú); chăn nuôi (Tịnh Biên, Tri Tôn)... Hiện nay, những khu vực này đang thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia liên kết hợp tác sản xuất theo chuỗi giá trị với các HTX. Thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, hoạt động sản xuất, kinh doanh bị đình trệ, nhiều nông dân gặp khó trong khâu thu hoạch, vận chuyển, tiêu thụ nông sản. Trong bối cảnh đó, nhiều HTX, như HTX sản xuất nông nghiệp và dịch vụ du lịch Châu Thành, HTX thương mại - dịch vụ - du lịch nông nghiệp An Giang, HTX GAP Cù Lao Giêng, HTX nông nghiệp Tây Bình, HTX thương mại - dịch vụ - du lịch nông nghiệp Khánh Hòa... đã phát huy lợi thế chủ động về nhân lực, về quan hệ thị trường để giúp các thành viên và nông dân địa phương thu hoạch, vận chuyển nông sản; chủ động kết nối với các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân giúp nông dân tiêu thụ nông sản.
Không chỉ giữ vai trò quan trọng trong quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp, những năm qua, các HTX ở An Giang đã thể hiện tốt vai trò cùng với chính quyền, đoàn thể địa phương thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Ở những nơi có HTX hoạt động, nhìn chung, đời sống người dân ngày càng được cải thiện, tạo diện mạo mới cho khu vực nông thôn. Bên cạnh việc tổ chức lại sản xuất, thực hiện liên kết chuỗi sản xuất hàng hóa, HTX còn là đầu mối quan trọng cung cấp nhiều dịch vụ thiết yếu cho thành viên HTX và cộng đồng dân cư, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân nông thôn. Phát huy vai trò tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị của HTX là chỉ tiêu định hướng của tỉnh trong chương trình xây dựng nông thôn mới, góp phần hoàn thành nhóm tiêu chí về kinh tế, qua đó không chỉ góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện mức sống cho người dân, đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất ở khu vực nông thôn mà còn làm thay đổi nhận thức của nhiều nông dân về vai trò của HTX trong giai đoạn phát triển mới.
Nâng kinh tế tập thể, hợp tác xã lên tầm cao mới
Tuy đạt được những kết quả đáng ghi nhận nhưng quá trình xây dựng, phát triển các HTX, tổ hợp tác trong nông nghiệp ở tỉnh An Giang vẫn còn một số hạn chế, bất cập. Cụ thể là, việc phát triển các HTX, tổ hợp tác gắn với tổ chức sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị ngành hàng chủ lực của tỉnh chưa đồng bộ, dẫn đến một số mặt hàng nông sản hạn chế khả năng cạnh tranh trên thị trường; vai trò cầu nối của HTX trong thực hiện mối liên kết giữa nông dân với nông dân, giữa nông dân với doanh nghiệp chưa rõ nét, chưa theo kịp các yêu cầu của doanh nghiệp và thị trường về chất lượng dịch vụ, chất lượng sản phẩm; các HTX nông nghiệp kiểu mới phát triển chậm, số HTX đủ khả năng thực hiện liên kết với doanh nghiệp chưa nhiều; số lượng doanh nghiệp lớn tham gia cùng HTX trong khâu chế biến sâu và tham gia các chuỗi giá trị gắn với ngành hàng chủ lực của tỉnh còn ít so với nhu cầu thực tế. Bên cạnh đó, các HTX nông nghiệp còn phải đối mặt với những thách thức lớn như: áp lực cạnh tranh sản phẩm trong tiến trình hội nhập quốc tế ngày càng gay gắt; cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư thôi thúc các HTX phải đổi mới, sáng tạo gắn với ứng dụng những tiến bộ về khoa học - công nghệ, nhưng hội đồng quản trị nhiều HTX lại chưa đáp ứng yêu cầu về trình độ, năng lực quản trị;...
Phát huy những thành tựu đạt được và quyết tâm khắc phục những hạn chế, bất cập để tiếp tục xây dựng và phát triển KTTT, HTX một cách căn cơ gắn với tổ chức lại sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới trong thời gian tới, ngày 29-6-2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh An Giang đã ban hành Chương trình hành động số 06-CTr/TU, về “Phát triển hợp tác xã, tổ hợp tác gắn với tổ chức sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị ngành hàng chủ lực tỉnh An Giang giai đoạn 2021 - 2025”. Theo đó, Đảng bộ tỉnh thống nhất quan điểm thời gian tới tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế trong chuỗi giá trị phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, tập trung phát triển các ngành hàng chủ lực của tỉnh.
Mục tiêu đề ra trong giai đoạn 2021 - 2025 là HTX nông nghiệp phải trở thành trung tâm tổ chức sản xuất của từng vùng, từng khu vực; nông dân được khuyến khích tham gia vừa là thành viên của HTX, vừa là người trực tiếp sản xuất theo chuỗi giá trị đã thiết lập, liên kết với các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm. Các tổ hợp tác được quan tâm nâng cao chất lượng hoạt động trở thành nguồn chính để phát triển thành các HTX kiểu mới, là trung tâm gắn kết các nông hộ sản xuất trong vùng, khu vực, là cầu nối liên kết với HTX cùng thực hiện các chuỗi liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ. Phấn đấu đến cuối năm 2025, toàn tỉnh có trên 80% nông dân, hộ chăn nuôi là thành viên của HTX hoặc tổ hợp tác.
Để đạt được mục tiêu trên, thời gian tới, các ngành, các cấp của tỉnh tập trung thực hiện một số giải pháp sau:
Thứ nhất, tăng cường sự lãnh đạo, điều hành, quản lý của các cấp ủy, chính quyền trong việc phát triển HTX, tổ hợp tác gắn với tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị ngành hàng chủ lực của từng địa phương phù hợp với định hướng cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp theo hướng tập trung, hiện đại, hiệu quả; qua đó, nâng cao hiệu quả thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; góp phần chuyển đổi tư duy của người nông dân từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Tiếp tục tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị và người dân về mục đích, tầm quan trọng của việc phát triển HTX, tổ hợp tác gắn với liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản với doanh nghiệp.
Thứ hai, trên cơ sở quy hoạch của tỉnh và lợi thế sinh thái sản xuất nông nghiệp, mỗi địa phương cấp huyện xây dựng ít nhất một HTX liên kết theo chuỗi giá trị để thu hút các tập đoàn, doanh nghiệp lớn đầu tư và làm đầu tàu để liên kết. Khuyến khích, tạo điều kiện cho các tổ hợp tác, HTX liên kết với doanh nghiệp hoặc phát triển thành loại hình sản xuất doanh nghiệp trực thuộc HTX; phát triển HTX trở thành đơn vị tổ chức sản xuất, cung ứng dịch vụ logistics, tư vấn kỹ thuật nông nghiệp... Định hướng phát triển phổ biến phương thức: nông dân cho HTX thuê đất (hoặc HTX bảo đảm lợi nhuận cho nông dân) để HTX chủ động tổ chức sản xuất theo kế hoạch, quy trình kỹ thuật riêng (hoặc theo đặt hàng của doanh nghiệp), nhằm xây dựng những vùng sản xuất quy mô lớn (từ 500 ha trở lên), hình thành chuỗi giá trị khép kín các ngành hàng chủ lực.
Thứ ba, mỗi địa phương xây dựng kế hoạch sản xuất nông nghiệp gắn với nhu cầu thị trường, định hướng phát triển HTX, tổ hợp tác gắn với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị ngành hàng chủ lực, trước mắt là 6 sản phẩm có tiềm năng lớn của tỉnh gồm: lúa gạo, rau màu, xoài, cá tra, bò, heo; lấy KTTT, HTX làm vai trò đầu tàu để thực hiện toàn bộ chu kỳ từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, trở thành đầu mối liên kết chính trong sản xuất và tiêu thụ nông sản; tiến tới sản xuất theo nhu cầu và đặt hàng của thị trường. Xây dựng chính sách hỗ trợ nông dân, chủ trang trại có góp đất vào HTX để thực hiện chuỗi giá trị gắn với sản phẩm chủ lực.
Thứ tư, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào hoạt động của các HTX để cùng góp vốn, bổ sung nhân lực tham gia điều hành, đưa công nghệ tiên tiến vào sản xuất và thiết lập hệ thống liên kết các HTX để hình thành chuỗi giá trị quy mô lớn. Xây dựng chiến lược quảng bá, thu hút các tập đoàn, doanh nghiệp uy tín, có tiềm lực tài chính đến đầu tư, thiết lập chuỗi sản xuất - kinh doanh khép kín; hỗ trợ kết nối cung cầu theo chuỗi giá trị nông sản giữa các HTX, tổ hợp tác, doanh nghiệp với các siêu thị, cửa hàng thực phẩm, hệ thống phân phối hiện đại tại các thành phố lớn trong cả nước, các sàn thương mại điện tử có uy tín để quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ nông sản.
Thứ năm, đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ quản lý, điều hành HTX đáp ứng xu thế chuyển đổi số, có khả năng tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị nông sản. Tăng cường hỗ trợ để những người có trình độ đại học, cao đẳng về làm việc tại các HTX nông nghiệp, trong đó, chú trọng chức danh giám đốc HTX bảo đảm đủ năng lực để điều hành, quản trị HTX hiệu quả. Đồng thời, chú trọng đào tạo, tập huấn đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về kinh tế tập thể đủ khả năng hỗ trợ HTX, tổ hợp tác tiếp cận, thụ hưởng các chính sách hiện hành, giúp HTX phát triển phù hợp với xu thế thời đại.
Thứ sáu, có chính sách đặc thù khuyến khích các HTX ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ vào sản xuất; trọng tâm là công nghệ sau thu hoạch và chế biến sản phẩm, bảo đảm yêu cầu về an toàn chất lượng, truy xuất nguồn gốc và nâng cao giá trị gia tăng của nông sản. Khuyến khích, tạo điều kiện hỗ trợ các HTX ứng dụng những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào quản lý, hoạt động sản xuất, kinh doanh, và dịch vụ hỗ trợ kỹ thuật sản xuất; đẩy mạnh hoạt động sàn giao dịch thương mại điện tử của tỉnh cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực.
Thứ bảy, nâng cao vai trò của HTX trong thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” - OCOP; tạo điều kiện mở rộng, đa dạng hóa các hoạt động dịch vụ của HTX gắn với chuỗi giá trị để đáp ứng tốt nhu cầu phục vụ sản xuất và đời sống ở khu vực nông thôn. Thông qua việc nhân rộng các mô hình làm ăn hiệu quả của các HTX để khai thác tốt những tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương, từng vùng, tạo ra các loại hàng hóa nông sản, dịch vụ có chất lượng, giá trị cao. Bên cạnh đó, với thành tựu trong phát triển kinh tế, khuyến khích các HTX tích cực tham gia các hoạt động an sinh xã hội, văn hóa cộng đồng, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, góp phần đẩy mạnh công cuộc xây dựng nông thôn mới.
Tin khác
- Tin vui về lương hưu cho người đóng BHXH 15 năm
- Công tác bồi dưỡng lý luận chính trị và nghiệp vụ cho cán hội cơ sở
- Hỗ trợ, đầu tư 'ra tấm, ra món' cho vùng quy hoạch trồng lúa có năng suất, chất lượng cao.
- Đảng ủy cơ quan Hội Nông dân tỉnh với những kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm 2024.
- Ra mắt Câu lạc bộ nông dân không tham gia tệ nạn xã hội.
- Khối thi đua Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh An Giang: Sơ kết 6 tháng đầu năm 2024