Chủ trương – chính sách

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trên địa bàn tỉnh

31/07/2020 09:56

Nhằm thu hút các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đầu tư, ứng dụng công nghệ mới vào phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn tỉnh An Giang. Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang tổ chức hội thảo về “Vai trò doanh nghiệp và sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam trong phát triển ngành kinh tế-xã hội tại địa phương”.

 

Hội thảo thu hút khoảng 200 đại biểu là đại diện các sở, ban ngành trên địa bàn tỉnh, các công ty, doanh nghiệp; đặc biệt là sự tham dự của đại biểu đại diện cho các mô hình kinh tế tập thể (hợp tác xã, tổ hợp tác) trên địa bàn tỉnh tham dự.

Đại biểu tham dự hội thảo

Tại hội thảo các doanh nghiệp công nghệ số đã giới thiệu các sản phẩm, giải pháp công nghệ mới để hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội trên tất cả các lĩnh vực, trong đó chú trọng đến giải pháp công nghệ mới hỗ trợ phát triển các ngành nghề có thế mạnh trên địa bàn tỉnh như ẩm thực, nghỉ dưỡng, du lịch, nông nghiệp. Cụ thể như giải pháp công nghệ số trên lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn gồm có: 1) Giải pháp công nghệ số Make in Viet Nam trong việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp và cách thức triển khai tại địa phương; 2) Chuyển đổi số trong nông nghiệp nông thôn và định hướng hợp tác phát triển doanh nghiệp công nghệ số địa phương; 3) Nền tảng số cho phát triển nông nghiệp thông minh và đề xuất triển khai ứng dụng tại An Giang, và 2 giải pháp số về ẩm thực, du lịch đó là 1) Phát triển du lịch tại địa phương trên nền tảng công nghệ số Make in Viet Nam và định hướng hợp tác với các doanh nghiệp địa phương. 2) Triển khai nền tảng số về ẩm thực trong phát triển kinh tế tại địa phương: phần mềm quản lý nhà hàng-quán ăn đa nền tảng.

Sơ đồ quy trình truy xuất nguồn gốc trong nông nghiệp

Trong đó các giải pháp công nghệ số được nhiều đại biểu quan tâm đó là: 1) giải pháp ezFarm trong quản lý chuỗi trang trại, trong việc dùng công nghệ ICT giải quyết các tác vụ liên quan đến quá trình sản xuất, mỗi trang trại sẽ được số hóa và mô tả chi tiết bởi các tham số đặc trưng, mỗi đối tượng cần chăm sóc được gắn với một mã định danh QR gắn trực tiếp trên đối tượng. Với giải pháp công nghệ số này sẽ giảm bớt sự sai lệch trong việc tuân thủ các quy trình sản xuất, giảm bớt rủi ro; tăng tính chuyên nghiệp của hoạt động sản xuất, tạo ra hàng hóa chất lượng đồng đều, dễ dàng mở rộng quy mô sản xuất,  không lo ngại về lao động mới chưa có kỹ năng, giảm chi phí trong sản xuất…2) Truy xuất nguồn gốc nông thủy sản của An Giang sử dụng công nghệ blockchain cải thiện đáng kể khả năng của doanh nghiệp và cá nhân trong việc theo dõi sản xuất và chế biến các sản phẩm nông nghiệp. Blockchain là giải pháp ứng dụng mới trong giới công nghệ, giúp doanh nghiệp chuẩn hóa quy trình sản xuất, giải bài toán truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Với doanh nghiệp, ứng dụng công nghệ blockchain vào sản xuất có thể kiểm soát được toàn bộ chuỗi sản xuất, khâu nào đang hợp lý, khâu nào có thể tiết kiệm. Từ đó, doanh nghiệp sắp xếp lại chuỗi sản xuất hợp lý hơn và lợi nhuận trong chuỗi sẽ tăng lên. 3) Luxstay thúc đẩy du lịch tỉnh An Giang đặc biệt là mô hình du lịch nghĩ dưỡng homstay kết hợp phát triển du lịch sinh thái trên địa bàn tỉnh.

Ông Nguyễn Thanh Hài-Phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền Thông gợi ý đại biểu thảo luận tại Hội thảo

Qua hội thảo, đại biểu tham dự đề nghị doanh nghiệp công nghệ số cần khảo sát một số mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của hợp tác xã dưa lê, dưa lưới huyện An Phú, mô hình Hợp tác xã du lịch nông nghiệp An Giang để giới thiệu, hướng dẫn và đề xuất giải pháp ứng dụng dụng nghệ số, nhằm phát huy hiệu quả hoạt động hợp tác xã. Đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông mong muốn sau hội thảo này, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh sẽ là cầu nối giúp UBND tỉnh An Giang triển khai hiệu quả mô hình công nghệ số cho các công ty, doanh nghiệp, mô hình kinh tế hợp tác có nhu cầu tham gia thời gian tới, để An Giang là một trong những tỉnh ứng ứng mạnh mẽ công nghệ số hiệu quả vào phát triển kinh tế-xã hội địa phương, đồng thời phù hợp lộ trình Đề án An Giang điện tử của UBND tỉnh đã và đang triển khai trên địa bàn./.

Ngọc Dung