TS.Đặng Kim Sơn: Quyết định của Chính phủ sẽ giúp nông dân từ tự phát sang tự giác phát triển kinh tế tập thể
Chính phủ vừa ban hành Quyết định 182/QĐ-TTg về phê duyệt Đề án "Hội Nông dân Việt Nam tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp đến năm 2030". Theo ông, điều này có ý nghĩa như thế nào với việc phát triển kinh tế tập thể (KTTT) nói chung và với Hội Nông dân VN nói riêng?
Đây là cơ hội rất tốt, là bước tiến quan trọng khi mà Chính phủ đã chính thức giao cho Hội Nông dân Việt Nam vai trò huy động lực lượng các thành viên, tổ chức của mình để tham gia KTTT, cụ thể là xây dựng các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp.
Bên cạnh việc trao vai trò, Đề án cũng tạo điều kiện cho Hội Nông dân Việt Nam phát triển chi hội nông dân nghề nghiệp, biến các tổ hội nông dân nghề nghiệp thành HTX nông nghiệp, theo tôi đây cũng là bước tiến rất quan trọng.
TS. Đặng Kim Sơn đánh giá Quyết định 182/QĐ-TTg của Chính phủ là cơ hội lớn cho Hội Nông dân Việt Nam trong phát triển kinh tế tập thể.
Tiếp theo, Đề án cũng thể hiện sự hỗ trợ đối với Hội Nông dân khi được phép huy động các nguồn vốn để phát triển KTTT, cụ thể là các nguồn vốn từ ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương, vốn tín dụng… Điều này chính là cơ sở quan trọng để việc thực hiện Đề án được thuận lợi và phát huy tối đa hiệu quả của KTTT.
Và theo tôi, điều lớn nhất, quan trọng nhất của Đề án là giao các việc cụ thể cho Hội Nông dân. Việc cụ thể ở đây chính là:
Một, Hội Nông dân Việt Nam được phép thành lập, hỗ trợ, phát triển HTX; Hỗ trợ cả việc thành lập doanh nghiệp trong HTX; Hỗ trợ, phát triển, nhân rộng các mô hình tổ hợp tác… Có nghĩa là về công tác tổ chức, Hội Nông dân Việt Nam được giao nhiệm vụ khá rộng rãi.
Hai, nhấn mạnh công tác thông tin, tuyên truyền để hướng dẫn, hỗ trợ cho việc thành lập HTX cũng như phát triển KTTT.
Ba, về mặt chính sách: khuyến khích tổ chức Hội tháo gỡ các khó khăn vướng mắc; tư vấn sửa đổi điều lệ; hướng dẫn sắp xếp lại hệ thống. Điều này có ý nghĩa rất lớn khi Hội NDVN được trao cho vai trò phản biện xã hội trong kinh tế hợp tác, KTTT…
Kinh tế tập thể lại có vai trò, vị trí quan trọng trong giải quyết việc làm, bảo đảm đời sống cho người lao động (Trong ảnh: Chế biến hồng treo gió bằng công nghệ Nhật Bản tại cơ sở hồng treo gió Lễ Vân, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.
Bốn, cho phép Hội NDVN cung cấp, hỗ trợ, cải tiến kỹ thuật dịch vụ cho HTX. Rồi hỗ trợ các HTX chuyển đổi số; hỗ trợ vốn tín dụng, nâng cao nguồn nhân lực thông qua đào tạo, bồi dưỡng, chuyển giao khoa học công nghệ.
Năm, đặc biệt nhấn mạnh việc thực hiện Nghị quyết số 46-NQ/TW, ngày 20/12/2023 của Bộ Chính trị "về đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới", đó là giao cho Hội NDVN tổ chức đánh giá chất lượng dịch vụ vật tư đầu vào trong sản xuất nông nghiệp, kèm theo đó là xây dựng cơ sở dữ liệu, theo dõi, giám sát, đánh giá hoạt động của HTX…
Với một loạt những quyết sách như trên, chắc chắn trong thời gian tới, các HTX sẽ phát huy được hết vai trò của mình trong phát triển KTTT.
Mục tiêu của Đề án đến năm 2025 là tư vấn, hỗ trợ thành lập mới ít nhất 250 HTX, 1.500 THT và đến năm 2030 tư vấn, hỗ trợ thành lập mới ít nhất 750 HTX, 4.000 THT trong nông nghiệp, theo ông liệu đây có phải là mục tiêu "quá sức" với Hội Nông dân Việt Nam không?
Hiện nay phong trào cũng như nhu cầu phát triển HTX là rất lớn, do đó mục tiêu phát triển đến năm 2030 của Đề án không phải là cao, bởi thực tế chúng ta đang có rất nhiều tổ HTX, rồi các hiệp hội ngành nghề, các hội quán có thể sẵn sàng phát triển lên HTX. Chúng ta đã có sự chỉ đường của Đảng (thể hiện bằng Nghị quyết 46), có sự khuyến khích của Chính phủ (thông qua Đề án), và chúng ta có năng lực rồi, vấn đề là quyết tâm thực hiện của chúng ta đến đâu.
Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ VIII năm 2023 đã đề cao vai trò của kinh tế tập thể trong phát triển nông nghiệp.
Để thực hiện tốt Đề án trên của Chính phủ, Hội Nông dân Việt Nam cần ưu tiên thực hiện những giải pháp nào trước?
Tôi cho rằng có 2 vấn đề lớn nhất mà Hội Nông dân Việt Nam cần thay đổi để phát huy năng lực, tận dụng tối đa những thế mạnh sẵn có để phát triển KTTT đạt kết quả cao nhất:
Thứ nhất, cần thay đổi tư duy: Việc đầu tiên chính là tuyên truyền cho các cán bộ Hội từ Trung ương đến địa phương rằng chúng ta không thể làm theo cách cũ được. HTX bây giờ không phải chỉ dựa vào quản lý của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các tổ chức sản xuất nông nghiệp cũng không phải dựa vào tổ chức quản lý của Bộ Nông nghiệp và PTNT, rồi hỗ trợ phát triển KTTT cũng không phải dựa vào vai trò của Liên minh HTX Việt Nam…
Hơn lúc nào hết, Hội Nông dân Việt Nam đang có vai trò quyết định trong việc tổ chức lại đội ngũ nông dân. Đưa người nông dân Việt Nam từ sản xuất, kinh doanh, xây dựng NTM… một cách tự phát chuyển sang tự giác. Do đó, tôi mới nhấn mạnh việc thay đổi tư duy, nhận thức của cán bộ Hội là vô cùng quan trọng. Chúng ta không thể hành chính hóa, hình thức hóa mà phải có những việc làm cụ thể, thiết thực để gắn bó, bảo vệ quyền lợi của nông dân, hỗ trợ cho nông dân phát triển KTTT.
Mỗi cán bộ Hội nên thấm nhuần quan điểm: chúng ta không có quyền lợi, trách nhiệm hay nghĩa vụ nào khác ngoài phục vụ người nông dân. Theo tôi, việc thay đổi tư duy này cần phải trở thành quyết tâm chính trị của toàn hệ thống.
Thứ hai, cần xây dựng kế hoạch cho các việc làm cụ thể. Trong rất nhiều chức năng, nhiệm vụ mới được giao, trong rất nhiều công việc mà chúng ta có thể làm thì chọn những nhiệm vụ gì, những công việc gì quan trọng để có thể thực hiện từ nay đến 2030. Ví dụ ở cấp Trung ương có thể tổ chức cơ sở dữ liệu, xây dựng hệ thống đánh giá, vật tư đầu vào, cung cấp dịch vụ, rồi hệ thống đào tạo gốc, truyền thông gốc… là những vấn đề cơ bản mà chúng ta phải làm.
Còn ở địa phương, thì nên giao các phần việc về hỗ trợ kỹ thuật, thông tin, mạng lưới đánh giá, xây dựng mạng lưới dịch vụ giúp hình thành hệ thống HTX, đào tạo cán bộ cấp cơ sở…
Khi có sự phân chia công việc cụ thể, khoa học, đúng nhiệm vụ, chức năng thì chắc chắn việc thực hiện các mục tiêu của Đề án sẽ trở nên thông suốt và đạt hiệu quả cao.
Xin cảm ơn ông!
Tin khác
- Tin vui về lương hưu cho người đóng BHXH 15 năm
- Công tác bồi dưỡng lý luận chính trị và nghiệp vụ cho cán hội cơ sở
- Hỗ trợ, đầu tư 'ra tấm, ra món' cho vùng quy hoạch trồng lúa có năng suất, chất lượng cao.
- Đảng ủy cơ quan Hội Nông dân tỉnh với những kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm 2024.
- Ra mắt Câu lạc bộ nông dân không tham gia tệ nạn xã hội.
- Khối thi đua Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh An Giang: Sơ kết 6 tháng đầu năm 2024