Thời gian qua, việc thực hiện chuyển đổi số bước đầu được áp dụng trong các lĩnh vực như: Trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản, lâm nghiệp đã mang lại những kết quả khả quan. Đã có nhiều nông dân Việt Nam xuất sắc, dẫn dắt hàng triệu hội viên, nông dân cùng chuyển đổi số. Những nông dân này đã thu được tiền tỷ trên chính những mảnh vườn, thửa ruộng, vuông tôm, chuồng trại của mình.
Bức tranh chuyển đổi số trong nông nghiệp
Những làn sóng dịch COVID-19 ở Việt Nam trong thời gian qua cho thấy, ứng dụng công nghệ số đã giúp người nông dân xóa nhòa ranh giới về địa lý, giúp tháo gỡ những điểm nghẽn trong lưu thông, vận chuyển. Năm 2021 lần đầu tiên chứng kiến phong trào nông dân đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử, nhiều nông dân lần đầu tiên livestream bán hàng trên không gian mạng.
Không dừng lại ở bài toán tìm đầu ra cho nông sản, trong giai đoạn cao điểm của bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4, thương mại điện tử là kênh bán hàng hiệu quả nhất để người dân tiếp cận với một số hàng hóa và dịch vụ. Điều này đã thúc đẩy thị trường thương mại điện tử nông thôn.
Bà Hoàng Thị Gái (Hải Phòng) là một trong số các nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2021. Bà Gái hiện có 100 ha trồng lúa, rau màu, trong đó có nhiều loại rau, củ quả xuất khẩu và đang liên kết với hàng trăm nông dân trong vùng để trồng rau sạch phục vụ xuất khẩu. Để việc liên kết đạt hiệu quả cao, bà Gái thành lập các nhóm Zalo, các tổ đội trao đổi thông tin sản xuất hàng ngày. Người nông dân một thời chỉ biết cắm mặt vào đồng ruộng khẳng định, phải biết áp dụng công nghệ vào hoạt động sản xuất thì nông nghiệp mới phải triển được...
"Nông dân bây giờ phải có điện thoại thông minh và sử dụng thành thạo mạng xã hội thì mới cập nhật được thông tin, kiến thức mới, cũng như kết nối với thị trường," bà Gái chia sẻ.
Để công cuộc chuyển đổi số của ngành nông nghiệp có thành công hay không phụ thuộc rất lớn vào những gương nông dân Việt Nam xuất sắc. Không ai khác, họ chính là bộ phận lớn những người đi đầu, những người dẫn dắt để cho hàng triệu hội viên, nông dân cùng bước vào công cuộc chuyển đổi số đầy gian nan, thách thức nhưng cũng là cơ hội rất lớn để làm cuộc "đại thay đổi" cho ngành nông nghiệp.
Tiêu biểu trong trồng trọt là các phần mềm phân tích dữ liệu về môi trường, giai đoạn sinh trưởng của cây, cho phép truy suất, theo dõi các thông số này theo thời gian thực.
Trong chăn nuôi là ứng dụng công nghệ Internet vạn vật (IoT), block chain, công nghệ sinh học ở trang trại quy mô lớn. Trong lâm nghiệp là ứng dụng công nghệ DND mã mạch để quản lý giống và lâm sản; công nghệ GIS và ảnh viễn thám để xây dựng các phần mềm phát hiện sớm và cảnh báo cháy rừng, mất rừng, suy thoái rừng.
Trong thủy sản là ứng dụng thiết bị dò cá sử dụng sóng siêu âm, máy đo dòng chảy, điện thoại vệ tinh, công nghệ GIS và hệ thống định vị toàn cầu (GPS) giúp quản lý đội tàu khai thác hải sản xa bờ…
Đi Canada vẫn chăm sóc được đàn gà, trồng đông trùng hạ thảo thu tiền tỷ
Bắt nhịp với tiến bộ khoa học công nghệ, nhiều nông dân như ông Lê Văn Quyết- Giám đốc HTX Nông nghiệp công nghệ cao Long Thành Phát (Đồng Nai) hay chị Nguyễn Thị Hồng- Giám đốc Công ty cổ phần dược thảo Thiên Phúc (Hà Nội), đã chủ động đổi mới tư duy, dám nghĩ, dám làm. Họ đã mạnh dạn thay đổi phương thức sản xuất, tiếp cận thị trường nhằm tối ưu hóa quy trình, nâng cao chất lượng và giá trị nông sản, góp phần hình thành nên những người nông dân chuyên nghiệp.
Ông Lê Văn Quyết – Giám đốc HTX Nông nghiệp công nghệ cao Long Thành Phát (Nông dân Việt Nam xuất sắc 2021 đến từ tỉnh Đồng Nai cho rằng chuyển đổi số rất cần, nhưng việc tổ chức chuyển đổi số như thế nào để hiệu quả, bởi vì nông dân rất đông? Để làm được điều này, rất cần có sự tham gia hỗ trợ của các doanh nghiệp, ngành chức năng
"Trong thời gian đi công tác ở Canada, tôi vẫn theo dõi, nắm bắt được các quy trình chăm sóc, vệ sinh chuồng trại, tình trạng sức khỏe của đàn gà ở nhà. Ngoài ra, tôi còn chỉ đạo được công nhân nhờ phần mềm được cài đặt trên điện thoại thông minh" - đó là chia sẻ của tỷ phú nuôi gà Lê Văn Quyết.
Trong thời gian ông Quyết hiện ở Canada, trao đổi với chúng tôi qua điện thoại, ông Quyết tự hào nói tất cả trang trại trong HTX của ông đều thuộc top đầu của tỉnh Đồng Nai cũng như cả nước về ứng dụng công nghệ hiện đại. Hiện tổng đàn gà trong trang trại lên đến hơn 1,5 triệu con.
Tất cả các khâu trong quy trình chăn nuôi đều được áp dụng công nghệ hiện đại, tự động. Ngoài ra, dây chuyền chăn nuôi còn được sử dụng công nghệ chạy lạnh, công nghệ sinh học và ứng dụng men sinh học khử mùi, bảo đảm vệ sinh môi trường.
Với mô hình nuôi gà xuất khẩu, HTX Nông nghiệp công nghệ cao Long Thành Phát có doanh thu ước tính trên 80 tỷ đồng mỗi năm. Ông Quyết cho biết, chỉ tính riêng thị trường Nhật Bản, nguồn cung hiện không đủ cầu. HTX của ông Quyết đang đều đặn bảo đảm ổn định khoảng 25.000 con gà/ngày cho đối tác chế biến xuất khẩu thịt sang thị trường này.
Chị Nguyễn Thị Hồng- Giám đốc Công ty cổ phần dược thảo Thiên Phúc (ở xã Dân Hoà, huyện Thanh Oai, Hà Nội) không chỉ được biết đến là nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, mà còn là một người phụ nữ nhạy bén, nhanh nhạy khi áp dụng thành công máy móc, khoa học kỹ thuật, công nghệ vào trong việc trồng đông trùng hạ thảo.
Chị Hồng hiện có 2 cơ sở sản xuất đông trùng hạ thảo, một ở xã Dân Hoà, huyện Thanh Oai, Hà Nội, và một ở Đà Lạt (Lâm Đồng) với doanh thu khoảng 40 tỷ đồng/năm. Đưa chúng tôi đi thăm khu sản xuất đông trùng hạ thảo rộng hàng ngàn m2 ở xã Dân Hòa, chị Hồng cho hay, ngoài công đoạn chọn lọc con nhộng khỏe, tốt để nuôi tằm và cấy bào tử nấm vào trong con nhộng tằm là làm thủ công thì hầu hết tất cả các công đoạn nuôi, cấy đông trùng hạ thảo, nấm dược liệu đều được tự động hóa.
"Việc nuôi, cấy nấm dược liệu, đông trùng hạ thảo đòi hỏi người nuôi phải rất tỉ mỉ, chi tiết, rất nhiều quy trình phải tiến hành thủ công. Nhưng từ khi áp dụng dây chuyền tự động từ năm 2014 đến nay sức lao động chân tay được giải phóng, hiệu quả công việc mang lại rất cao"- chị Hồng nói.
Theo chị Hồng, trước đây hầu hết các công đoạn tưới nước, thắp ánh sáng, đến sấy khô… cho nấm đều phải làm thủ công. Hàng ngày, công nhân phải dùng bình nước tưới cho nấm bằng tay, nhiều lúc độ ẩm không đều. Nhưng từ khi áp dụng hệ thống phun sương của Hàn Quốc, tất cả được làm tự động. Công nhân chỉ cần cài đặt độ ẩm, khi độ ẩm giảm, máy sẽ tự động phun sương và ngược lại khi độ ẩm đủ, máy sẽ tự ngắt.
Xây dựng thế hệ nông dân mới của thời chuyển đổi số
Sáng chế ra hệ thống trên anh Thắng mong muốn giúp người dân đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói riêng, cả nước nói chung giảm tối đa chi phí sản xuất và nhân công lao động.
"Tưới nước đóng vai trò rất quan trọng trong trồng trọt, thường thì người dân mất rất nhiều thời gian, công sức và tiền của cho công việc này. Theo đó, hiện nay trên thị trường có nhiều thiết bị tưới thủ công hay bán tự động giúp người dân nhưng vẫn chưa mang lại lợi ích toàn diện, chưa thật sự mang lại hiệu quả cao trong giai đoạn hiện nay" – anh Thắng nói.
Theo tính toán của anh Thắng hệ thống điều khiển thiết bị tưới vườn thông minh của tôi có thể giảm đến 70% chi phí so với những thiết bị đang có trên thị trường trong khi họ ít tính năng hơn. Ngoài ra, hệ thống này cũng giúp người dân giảm thêm 70% chi phí lao động, chủ vườn chủ động được thời gian nhàn rỗi để làm được nhiều việc khác, hay đi xa không cần phải bận tâm về vấn đề tưới nước.
"Tôi ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo vào nó và tích hợp nhiều tính năng. Nó làm được gần như mọi thứ theo yêu cầu theo từng loại cây trồng đã được thiết lập trước một lần duy nhất của người sử dụng trên ứng dụng điện thoại. Nó như một con robot, chỉ khác ở chỗ là nó không di chuyển được thôi" – anh Thắng thông tin.
Để nông dân bắt nhịp trọn vẹn với chuyển đổi số
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến đã từng chia sẻ, giá trị của chuyển đổi số trong nông nghiệp không chỉ là câu chuyện ứng dụng công nghệ tạo thêm những giá trị thặng dư cho nền kinh tế, mà là giúp hàng chục triệu hộ nông dân tiếp cận, cập nhật tri thức mới, mở ra cách nghĩ mới, cách làm mới, sẵn lòng thay đổi, để hòa nhịp xu thế phát triển của đất nước.
Tuy nhiên, các nhà khoa học xã hội chỉ ra vấn đề tồn tại là nhiều nông dân Việt Nam chưa hiểu thế nào là chuyển đổi số, không nắm được những việc cần phải làm để tiến hành chuyển đổi số. Khi họ bước vào công cuộc chuyển đổi số thì đầy gian nan, thách thức mặc dù biết đây là cơ hội rất lớn để làm cuộc "đại thay đổi" cho ngành nông nghiệp cũng như các hộ sản xuất. Quy mô ứng dụng chuyển đổi số còn hạn chế, chưa đồng bộ giữa các vùng, miền, địa phương. Chuyển đổi số sao cho hiệu quả, tiếp cận nguồn vốn ưu đãi lãi suất thấp để đầu tư chuyển đổi số trong nông nghiệp như thế nào, dự báo về cung cầu thị trường,… đang là những băn khoăn của nông dân.
Chuyển đổi số ngành nông nghiệp về lâu dài phải bắt đầu từ nông dân và phải dựa trên nền tảng số, dữ liệu số. Mọi chính sách phải hướng đến nông dân, nông thôn, doanh nghiệp, hợp tác xã. Ở chiều ngược lại, nông dân, nông thôn, doanh nghiệp, hợp tác xã cũng phải tham gia vào quá trình chuyển đổi số.
Đồng thời, người đứng đầu phải có tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, cách làm phù hợp, bám sát thực tiễn, điều kiện, hoàn cảnh của nền nông nghiệp Việt Nam để đạt hiệu quả cao, sức lan tỏa rộng và mang lại lợi ích cho nhiều nông dân, nông thôn, doanh nghiệp, hợp tác xã.
Chuyển đổi số trong nông nghiệp và phát triển nông thôn là cơ hội, chìa khóa để hiện thực hóa mục tiêu nông dân sản xuất nông sản chất lượng, với chi phí thấp nhất nhưng bán ra được giá cao nhất. Chuyển đổi số không phải là cải tiến, mà là sự sáng tạo mang tính "xóa bỏ" cách làm cũ. Mỗi bước đi cần thận trọng, với điểm xuất phát thấp, nguồn lực hạn chế, chuyển đổi số nông nghiệp không được phép sai lầm. Làm ngay, nhưng phải từng bước chắc chắn và làm không ngừng. Tất cả mọi khâu, mọi công việc cần phải số hóa đồng loạt. Mỗi chủ thể phải biết cần làm gì trước, công nghệ nào ứng dụng trước, tránh lạm dụng xảy ra quá tải và lạc hướng.