Hội Thảo góp ý Đề án "Hội Nông dân Việt Nam tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp đến năm 2030".
Ngày 4/7, tại Hà Nội, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức Hội thảo góp ý Đề án “Hội Nông dân Việt Nam tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp đến năm 2030”. Trực tuyến tới 63 điểm cầu Hội Nông dân các tỉnh, thành phố.
Chủ trì hội thảo tại điểm cầu Trung ương, đồng chí Cao Xuân Thu Vân - Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam; Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng với các thành viên Ban soạn thảo và đại diện các Ban, bộ, ngành Trung ương, các nhà khoa học.
Điểm cầu Hội Nông dân An Giang, Đồng chí Nguyễn Minh Đức; Lê Hùng Cường - Phó Chủ tịch Hội Nông dân; Đại diện Ban Dân vận Tỉnh ủy; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Sở Kế hoạch và Đầu tư; Sở Tài chính; Sở Công Thương; Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh; Liên Minh Hợp tác xã; các đồng chí Trưởng ban, Trung tâm Hội Nông dân tỉnh cùng dự.
Mục tiêu của đề án là nhằm nâng cao hiệu quả tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp của Hội Nông dân Việt Nam một cách thực chất; góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho hội viên, nông dân; khơi dậy và phát huy tinh thần hợp tác, khởi nghiệp, sáng tạo của giai cấp nông dân; phát huy tài nguyên bản địa; giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc; hỗ trợ nâng cao vị thế kinh tế - xã hội cho hội viên nông dân nghèo và các nhóm người yếu thế; thực hiện vai trò và trách nhiệm xã hội, bảo vệ môi trường, phát triển cộng đồng, thúc đẩy bình đẳng giới.
Theo đề án thì: Đến hết năm 2022, các cấp Hội Nông dân Việt Nam đã tuyên truyền, vận động, hướng dẫn thành lập được 2.398 HTX nông nghiệp với 422.250 thành viên; tổng vốn điều lệ là 5.083,76 tỷ đồng (Bình quân 2,12 tỷ/HTX); tổng doanh thu là 5.559,7 tỷ/năm (Bình quân 2,65 tỷ đồng/HTX); tổng lợi nhuận là 839,3 tỷ/năm (Bình quân 350 triệu đồng/HTX); thu nhập bình quân/thành viên/năm là 51,5 triệu đồng. Thu nhập của thành viên và lao động thường xuyên trong HTX ngày càng tăng và đang dần thu hẹp khoảng cách so với thu nhập của lao động khu vực doanh nghiệp, từ mức bằng 52,4% năm 2018 đã tăng lên mức bằng 60,7% vào năm 2022.
Đến hết năm 2022, các cấp Hội đã hỗ trợ thành lập được 19.976 THT nông nghiệp (Trong đó có 1.638 THT được chứng thực hợp đồng hợp tác, chiếm 8,2%); tổng số thành viên là 284.444 người; tổng số lao động làm việc thường xuyên là 267.689 người (bình quân 13 người/THT); doanh thu bình quân năm 2022 ước đạt 405,23 triệu đồng/THT; lãi bình quân năm 2022 ước đạt 41,45 triệu đồng/THT....
Tuy nhiên, công tác tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp của Hội Nông dân Việt Nam thời gian qua còn một số hạn chế: HTX trong nông nghiệp chưa được đặt ở vị thế có tính chất quyết định, chưa có sự quan tâm kịp thời và đúng mức. Công tác hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ dành cho cán bộ HTX, THT nông nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra; số lượng các HTX nông nghiệp do Hội NDVN hỗ trợ thành lập được chuyển giao ứng dụng khoa học và công nghệ, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, xây dựng nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý còn rất hạn chế; số HTX nông nghiệp được tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi không đáng kể.
Hội thảo đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp của chuyên gia, đại diện các bộ, ban, ngành và các tham luận từ Hội Nông dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo hình thức phát biểu trực tiếp và tham luận bằng văn bản. Đồng thời bổ sung thêm một số ý kiến tại hội thảo: Kéo dài thời gian thực hiện Đề án; phần bố cục cần bổ sung thêm nguyên nhân kết quả đạt được và tồn tại hạn chế; căn cứ cần bổ sung thêm cơ sở thực tiễn; bổ sung xu hướng phát triển các loại hình kinh tế tập thể trong tương lai, vai trò Hội Nông dân tham gia; bổ sung phần kế hoạch về kinh phí thực hiện. Mục tiêu đến năm 2025 “Tỷ lệ cán bộ quản lý hợp tác xã nông nghiệp do Hội Nông dân hỗ trợ thành lập có trình độ từ cao đẳng trở lên đạt tối thiểu 20%, riêng đối với các tỉnh miền núi đạt tối thiểu 15%”. Bổ sung phần nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm “Đào tạo, tập huấn, trang bị kiến thức và kỹ năng cơ bản cho đội ngũ lãnh đạo hợp tác xã do Hội Nông dân hỗ trợ thành lập về chuyển đổi số, kỹ năng quản lý, quản trị, xây dựng phương án sản xuất kinh doanh của hợp tác xã; xây dựng mối liên kết chặt chẽ giữa các hợp tác xã với các thành viên và giữa các thành viên với hợp tác xã nhằm xây dựng tổ chức hợp tác xã vững mạnh để tổ chức sản xuất, kinh doanh, tham gia thị trường hiệu quả, đem lại lợi ích cho thành viên”; cần làm rõ nhiều nội dung trong phần vay vốn hỗ trợ…
Phát biểu bế mạc tại Hội thảo, Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Cao Xuân Thu Vân ghi nhận, đánh giá cao tinh thần làm việc trách nhiệm, tâm huyết của các đại biểu đã đóng góp những ý kiến xác đáng, thiết thực cho dự thảo Đề án "Hội Nông dân Việt Nam tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp đến năm 2030". Những ý kiến đóng góp của các đại biểu được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổng hợp đầy đủ, khách quan, trung thực để trình Thủ tướng Chính phủ.
Tin khác
- Hội Nông dân thị trấn Ba Chúc ra mắt Tổ hội nghề nghiệp mộc
- Hội nghị đối thoại với nông dân năm 2024
- Họp mặt, giao lưu Nữ cán bộ Hội Nông dân các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long
- An Giang: Tổ chức Đại hội Tuyên dương nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi
- Thành phố Long Xuyên: Đạt giải nhất Hội thi "Nhà nông đua tài"
- Khai mạc Hội thi "Nhà nông đua tài" tỉnh An Giang, lần II năm 2024.