An Giang: Đầu tư nhiều mô hình hiệu quả góp phần nâng cao thu nhập, giải quyết việc làm cho nông dân.
Đã từ lâu Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh trở thành kênh tín dụng quan trọng, trợ giúp cho hội viên nông dân phát triển sản xuất, từng bước nâng cao thu nhập, đẩy mạnh giảm nghèo tại địa phương.
Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh An Giang thực hiện cho vay theo phương án sản xuất - kinh doanh, mỗi chu kỳ cho vay từ 1-3 năm/mô hình, dự án. Hiện nay, tổng nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND) toàn tỉnh do Hội Nông dân đang quản lý là 27,946 tỷ đồng (tăng 4,053 tỷ đồng so với cuối 2018). Trong đó: Trung ương Hội ủy thác tăng 1,1 tỷ đồng, vốn Quỹ toàn tỉnh tăng 2,953 tỷ đồng, thực hiện cho vay trong kỳ 49 dự án, số tiền 10,89 tỷ đồng với 291 hộ vay vốn. Trong đó: có 31 dự án trồng trọt (chiếm 63,3%); 11 dự án chăn nuôi (chiếm 22,4%); 07 dự án thủy sản (chiếm 14,3%). Gồm: chăn nuôi bò, lươn và cây ăn trái. Từ vốn vay Quỹ HTND, nhiều dự án đã xây dựng được các mô hình tổ hợp tác sản xuất, kinh doanh, góp phần thay đổi nhận thức của người dân, chuyển từ phương thức sản xuất nhỏ lẻ, khó kiểm soát sang liên kết nhóm, đầu tư thâm canh, tăng năng suất, tạo việc làm và thu nhập.
Qua nhiều năm triển khai, Quỹ HTND trở thành nguồn lực thiết thực, giúp nhà nông, nhất là những nông dân có ý chí làm giàu nhưng thiếu vốn, đẩy mạnh sản xuất, chăn nuôi. Có nguồn vốn, được hỗ trợ về kỹ thuật, nhiều hội viên mở rộng sản xuất, phát triển kinh tế gia đình. Từ nguồn vốn này nhiều hộ dân xây dựng nhiều mô hình sản xuất cho thu nhập từ 200 đến 300 triệu đồng mỗi năm. Điển hình như: Dự án "Trồng xoài theo tiêu chuẩn VietGap" tại 3 xã Bình Phước Xuân, Mỹ Hiệp - huyện Chợ Mới, Lê Trì - Tri Tôn toàn bộ số hộ trồng xoài đã tham gia Hợp tác xã trái cây VietGap, tham gia Hội quán nông dân và thực hiện đúng quy trình sản xuất của chuỗi cung ứng trái cây sạch. Các dự án: Cải tạo đất vườn tạp, đất sản xuất kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái tại các xã Bình Thạnh Đông, Hòa Lạc, TT.Chợ Vàm - Phú Tân; Vĩnh Khánh - Thoại Sơn; Thới Sơn, An Phú - Tịnh Biên; Long Giang - Chợ Mới; Khánh Bình - An Phú ... Đây là các dự án được xem là hỗ trợ đắc lực cho người dân chuyển đổi sản xuất theo chủ trương của tỉnh, mỗi hộ vay từ 30 - 100 triệu đồng đã mạnh dạn chuyển đổi sản xuất, các dự án này đã góp phần trong việc tạo việc làm tại nông thôn, làm thay đổi nhận thức và thay đổi hình ảnh địa phương. Dự án “chăn nuôi lươn” tại xã Vĩnh Châu - Tp.Châu Đốc; xã Tân An - Tx. Tân Châu; Phường Mỹ Thạnh - Long Xuyên, mỗi hộ vay trong dự án vay vốn từ 30 - 70 triệu đồng, nguồn vốn vay được các hộ sử dụng hiệu quả, mỗi hộ ban đầu nuôi chỉ từ 4 bồn lươn đến nay đã tăng số bồn nuôi gấp 2 lần, cá biệt có hộ đã có 20 bồn nuôi lươn. Hiện nay nuôi lươn được xem là mô hình điển hình tại 2 xã Vĩnh Châu và Tân An, đem lại nguồn thu đáng kể cho những hộ không có đất sản xuất và mô hình được nhân rộng nhiều nơi. Dự án “chăn nuôi bò thịt” tại xã Bình Phú - Châu Phú; xã Mỹ An - Chợ Mới; xã Đa Phước - An Phú;... từ 20 - 50 triệu đồng/hộ, nguồn vốn đầu tư cũng hỗ trợ đáng kể cho các hộ chăn nuôi có diện tích đất sản xuất ít. Mỗi hộ ban đầu nuôi chỉ từ 2 con bò đến nay số lượng bò của mỗi hộ tăng lên khá nhiều, hộ nuôi ít cũng đã có 4 con bò. Chăn nuôi bò được xem nghề đem lại sinh kế ổn định cho nông dân, tận dụng được thời gian nhàn rỗi và khả năng rủi ro thấp.
Nhìn chung tại các nơi thực hiện các dự án vay vốn đã xây dựng được mô hình kinh tể hợp tác (Tố hợp tác sản xuất, tổ hội nghề nghiệp, chi hội nghề nghiệp) trong hội viên nông dân vùng dự án, tạo sức lan tỏa, tác động và nâng cao về nhận thức cho hội viên, nông dân trong việc chuyển đổi mô hình sản xuất, thấy được hiệu quả của tính liên kết trong sản xuất. Qua tổng kết các dự án đến hạn, các hộ tham gia đều sản xuất đạt hiệu quả. Các dự án được đầu tư vốn, hộ vay nâng cao được ý thức, trách nhiệm trong sử dụng vốn vay đúng mục đích, tạo lợi nhuận, tăng thu nhập cho các hộ tham gia dự án, qua đó giúp các hộ hạch toán kinh tế hộ, biết tích lũy trong đầu tư sản xuất, đóng phí đầy đủ, hoàn trả vốn đúng quy.
Từ nhũng kết quả đạt đươc Quỹ HTND, Hội Nông dân tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức cho cán bộ, hội viên về các Chủ trương chính sách vay vốn và các quy định, chế độ ưu đãi trong công tác vay vốn; Tiếp tục tăng cường chỉ đạo, triển khai, tổ chức thực hiện Đề án phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh An Giang giai đoạn 2018- 2020, định hướng đến năm 2023 đã được UBND tỉnh phê duyệt, đẩy mạnh các hoạt động xây dựng Quỹ HTND trên địa bàn tỉnh. Trong đó: Tập trung thực hiện tốt công tác tham mưu với cấp ủy, chính quyền các cấp hàng năm bổ sung từ ngân sách cho Quỹ HTND theo lộ trình thực hiện Đề án đối với những đơn vị chưa được ngân sách bổ sung vốn cho Quỹ HTND. Tranh thủ sự ủng hộ của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp, các tập thể cá nhân có điều kiện quan tâm ủng hộ để vận động tăng trưởng nguồn vốn quỳ. Qua đó giúp cho hội viên nông dân có điều kiện về vốn để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, cải thiện và nâng cao đời sống; tạo sự gắng bó giữa hội viên với tổ chức Hội và thu hút, tập hợp nông dân vào tổ chức.
Tin khác
- Phát huy vai trò của Hội Nông dân tham gia phát triển kinh tế tập thể.
- Hiệu quả mô hình trồng na
- Ra mắt Tổ hợp tác lúa giống ấp Bình Quới 1.
- Phú Tân khai trương cửa hàng nông sản và sản phẩm OCOP.
- Hội Nông dân huyện Phú Tân giải ngân Vốn Quỹ hỗ trợ nông dân 02 dự án cho 13 hộ với tổng số tiền 410 triệu đồng.
- Ra mắt Chi hội nông dân nghề nghiệp Trồng Mít.