Giá lúa gạo hôm nay 12-8: Giá lúa "ấm" lên sau một đề xuất của Bộ NNPTNT
Triển khai thu mua dự trữ lúa gạo theo chương trình dự trữ quốc gia là một trong những giải pháp Bộ NNPTNT đề xuất để kích cầu thị trường lúa gạo.
Sau đề xuất này, giá lúa gạo hôm nay 12/8 có "ấm" lên. Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp, cái khó hiện nay là họ chưa thể giải phóng được lượng hàng trong kho.
Giá lúa gạo hôm nay 12/8: Đã có dấu hiệu "ấm" lên
Theo khảo sát của Sở NNPTNT, giá lúa gạo hôm nay 12/8 có dấu hiệu "ấm" lên. Cụ thể, giá lúa nếp Long An hôm nay ở mức 4.500 - 4.600 đồng/kg; nếp (vỏ) tươi ở mức 4.200 - 4.350 đồng/kg.
Giá lúa Lúa IR 50404 ở mức 4.800 - 5.100 đồng/kg; giá lúa OM 9582 ở mức 5.000 - 5.200 đồng/kg; giá lùa OM 5451 đạt 5.200 - 5.400 đồng/kg. Giá lúa Đài thơm 8 ở mức 5.900 - 6.100 đồng/kg.
So với vài ngày trước đó, giá lúa gạo hôm nay 12/8 ở An Giang đã tăng nhẹ.
Trong khi đó, theo báo cáo của Bộ NNPTNT, trong tháng 7, giá lúa gạo có xu hướng giảm, lúa IR50404 giảm 400 đồng/kg, còn 4.800 đồng/kg; lúa chất lượng cao OM 5451 giảm 300 đồng/kg còn 5.000 đồng/kg nhưng gạo thường tăng 500 đồng/kg lên 11.000 đồng/kg.
Tuy nhiên, sau cuộc họp của Bộ NNPTNT với các địa phương vùng ĐBSCL và các doanh nghiệp kinh doanh, xuất khẩu gạo, giá lúa có phẩn ấm lên so với tuần trước.
Cụ thể, tại những tỉnh có lúa hè thu đang thu hoạch, như: Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang, Đồng Tháp, An Giang… lúa chất lượng cao OM 18 được nông dân bán lúa tươi cho thương lái và các doanh nghiệp ở mức 5.800- 6.000 đồng/kg, trong khi cách nay hơn 1 tuần giá chỉ ở mức 5.600-5.800 đồng/kg trở lại.
Riêng giá lúa tươi IR50404 tại nhiều nơi có tăng nhẹ trở lại khoảng 100 đồng/kg nhưng vẫn còn ở mức thấp, dao động từ 4.500-4.900 đồng/kg.
Tại nhiều địa phương, các loại lúa thơm: lúa tươi Đài thơm 8, RVT, ST24… bán được giá 6.000-6.500 đồng/kg.
Còn giá các loại lúa OM 6976, OM 5451… ở mức 5.100-5.400 đồng/kg, trong khi trước đó giá chỉ 4.900-5.200 đồng/kg.
Nhiều doanh nghiệp hy vọng, sau khi Tân Cảng họp bàn với các doanh nghiệp tìm giải pháp tháo gỡ, việc giao hàng sẽ thuận lợi hơn trong tháng 9. Hiện, theo ghi nhận của nhiều doanh nghiệp, giá lúa cũng ấm lên.
Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan chia sẻ tin vui là giá lúa đã có biểu hiện nhích lên do các doanh nghiệp đã vào cuộc thu mua bởi tác động từ những thông tin chỉ đạo, điều hành từ cuộc họp của Bộ.
Các địa phương cũng đang từng bước tháo gỡ những nút thắt về nhân công thu hoạch lúa, thương lái vận chuyển… Đây là vấn đề quan trọng bởi chính sự ách tắc lưu thông làm cho giá lúa giảm.
Tổng Công ty Lương thực miền Bắc cũng đã họp trực tuyến với các tỉnh trọng điểm lúa gạo ở ĐBSCL để kích thích việc thu mua lúa gạo cho người dân.
Tiếp tục gỡ khó trong lưu thông, vận chuyển để "kích" giá lúa gạo
Theo nhiều doanh nghiệp, lý do giá lúa hè thu giảm là do việc bốc xếp, vận chuyển, lưu thông lúa hàng hóa bị đứt gãy chuỗi cung ứng từ ngoài đồng đến nhà máy, giao ra cảng và lên tàu cho khách hàng.
Qua nắm bắt ở các địa phương, việc giá lúa giảm thời gian qua chủ yếu do hoạt động thu mua lúa của các doanh nghiệp, thương lái gặp khó khăn, trở ngại do các địa phương áp dụng việc kiểm soát lưu thông, vận chuyển do dịch Covid-19.
Trong khi đó, các DN không đủ khả năng thực hiện "3 tại chỗ" để duy trì lực lượng lao động phục vụ công tác thu mua, chế biến.
Ông Lê Thanh Tùng – Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) cho biết, hiện nay, thương lái, doanh nghiệp đi thu mua lúa gạo đã phải gánh thêm các chi phí do khâu phòng chống dịch Covid-19 như kiểm tra xét nghiệm…
Vì thế, việc bảo đảm thông thương cho thu mua, vận chuyển, tiêu thụ, xuất khẩu đòi hỏi các bộ ngành liên quan, địa phương phải cùng vào cuộc để tháo gỡ.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần phối hợp với trung tâm kiểm soát bệnh tật các địa phương để bàn phương án, thống nhất cách làm nhằm bảo đảm "3 tại chỗ", duy trì sản xuất, đáp ứng nhu cầu người lao động…
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, trong thời điểm này, các doanh nghiệp ngành lúa gạo cần phát huy tinh thần hỗ trợ tích cực mua lúa gạo cho nông dân, không chờ lúa hạ giá thêm nữa rồi mới mua.
Doanh nghiệp có nhu cầu thu mua tạm trữ, có thể đề nghị Ngân hàng Nhà nước để được hỗ trợ kịp thời về nguồn vốn trên cơ chế cho thế chấp tài sản là lúa gạo thu mua.
Thêm một điểm nữa, thương lái - nông dân - doanh nghiệp là một mắt xích quan trọng trong ngành sản xuất lúa, gạo. Nếu không có thương lái, việc thu mua lúa, gạo sẽ gặp nhiều khó khăn.
Vì vậy, đề nghị các địa phương ưu tiên tiêm vaccine cho lực lượng lao động trong chuỗi ngành hàng lúa gạo, tạo điều kiện cho thương lái đi thu mua lúa.
Tin khác
- Phát huy vai trò của Hội Nông dân tham gia phát triển kinh tế tập thể.
- Hiệu quả mô hình trồng na
- Ra mắt Tổ hợp tác lúa giống ấp Bình Quới 1.
- Phú Tân khai trương cửa hàng nông sản và sản phẩm OCOP.
- Hội Nông dân huyện Phú Tân giải ngân Vốn Quỹ hỗ trợ nông dân 02 dự án cho 13 hộ với tổng số tiền 410 triệu đồng.
- Ra mắt Chi hội nông dân nghề nghiệp Trồng Mít.