Kinh tế - xã hội

Quỹ hỗ trợ nông dân: là cầu nối, gắn kết nông dân với tổ chức hội.

02/06/2021 08:46

Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND) thuộc Hội Nông dân Việt Nam được thành lập trên cơ sở Văn bản số 4035/KTTH ngày 26/7/1995 của Thủ tướng Chính phủ.

“Quỹ hỗ trợ nông dân có tư cách pháp nhân, có con dấu, có bảng cân đối kế toán riêng, được mở tài khoản tại kho bạc Nhà nước, các Ngân hàng trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật”. Trong khoản 1 điều 23 có nêu “ Quỹ hỗ trợ nông dân được tổ chức ở 03 cấp trong hệ thống tổ chức của Hội nông dân Việt Nam…”  là cấp Trung ương, cấp tỉnh và cấp huyện “..Quỹ hỗ trợ nông dân cấp huyện, trực thuộc Hội Nông dân cấp huyện..”

Mục đích hoạt động: Hỗ trợ, giúp đở hội viên nông dân xây dựng và nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế, nâng cao quy mô sản xuất và sản xuất hàng hóa, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phát triển các hình thức kinh tế tập thể ở nông thôn; Tạo điều kiện để Hội Nông dân Việt Nam đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, tập hợp nông dân, thực hiện thắng lợi chương trình phát triển kinh tế của Đảng, Nhà nước đối với phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân và xây dựng Hội vững mạnh.

Nguyên tắc hoạt động: Quỹ Hỗ trợ nông dân hoạt động không vì mục đích lợi nhuận nhưng phải bảo toàn, phat triển vốn và bù đắp chi phí quản lý; tự chịu trách nhiệm về hoạt động của Quỹ trước pháp luật; tuân thủ các qui định về nghiệp vụ tài chính, tín dụng theo qui định hiện hành của nhà nước.

Nội dung hoạt động của Quỹ: (1)- Tạo nguồn vốn hoạt động từ các nguồn sau: Ngân sách Nhà nước; vận động cán bộ, hội viên nông dân; nhận vốn ủy thác của Nhà nước, của các tổ chức trong và  ngoài nước; bổ sung từ kết quả hoạt động…(2)- Cho vay vốn: Quỹ thực hiện việc cho vay vốn theo qui định của Điều lệ Quỹ, các qui định khác của Ban Thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam; hướng dẫn nghiệp vụ của Ban Điều hành Quỹ Trung ương.

Đến năm 2011 Quỹ Hỗ trợ nông dân tiếp tục được củng cố và hoàn thiện theo Quyết định 673/QĐ-TTg ngày 10/05/2011 của Thủ tướng Chính phủ. Tại Quyết định nầy, Thủ tướng Chính phủ đồng ý với Đề án của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam về “Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ hỗ trợ nông giai đoạn 2011-2020”.

Qua 10 năm thực hiện Đề án, hoạt động Quỹ HTND đã đạt được những kết quả vượt bậc cả về quy mô, chất lượng và hiệu quả hoạt động. Nguồn vốn Quỹ HTND các cấp trong toàn hệ thống cả nước đến nay đạt 3.746,746 tỷ đồng tăng 3.199,293 tỷ so với 31/12/2010, tốc độ tăng trưởng đạt mức 21,2%/năm (vượt xa chỉ tiêu so với Đề án đề ra từ 10-15%/năm)

Các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn được Ban thường vụ Trung ương Hội triển khai bài bản, kịp thời, tạo sự thống nhất, đồng bộ, xuyên suốt trong toàn hệ thống theo đúng quy định hiện hành. Công tác cho vay, quản lý nguồn vốn, quay vòng luân chuyển, hoàn trả vốn Quỹ HTND được các cấp Hội triển khai chặt chẽ, nghiêm túc, nợ quá hạn mới phát sinh không đáng kể, không có tình trạng vay hộ, vay ké, xâm tiêu, chiếm dụng, sử dụng vốn sai mục đích; công tác quản lý tài chính được các cấp Hội cơ bản thực hiện tốt; công tác kiểm tra, kiểm soát hoạt động Quỹ được thực hiện nghiêm túc, thường xuyên ở các cấp Hội; công tác tuyên truyền về mục đích ý nghĩa về hoạt động Quỹ HTND được đấy mạnh với nhiều hình thức đa dạng, phong phú.

Hội Nông dân Việt Nam với mạng lưới cán bộ Hội rộng khắp từ Trung ương đến cơ sở và đến các chi, tổ Hội là sự đảm bảo cho công tác quản lý và sử dụng nguồn vốn vay luôn được an toàn, phát triển đã và đang đưa nguồn vốn Quỹ HTND đến với nông dân, kịp thời giúp họ mở rộng, phát triển sản xuất kinh doanh nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, vươn lên khá giả, hình thành được các mô hình liên kết, hợp tác, chi, tổ Hội nông dân nghề nghiệp…tham gia chuỗi giá trị sản xuất kinh doanh hiệu quả.

Quỹ HTND đã khẳng định ý nghĩa to lớn cả về kinh tế, chính trị và xã hội: là cầu nối giữa Đảng với nông dân, nơi chuyển tải những chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với nông dân và tâm tư, nguyện vọng của nông dân với Đảng, Nhà nước; làm tăng thu nhập, giải quyết việc làm, giảm nghèo giúp người nông dân vươn lên làm giàu; phát huy những giá trị văn hóa và giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở nông thôn; hạn chế các tệ nạn xã hội, tín dụng đen, đồng thời thể hiện sự quan tâm, tri ân của Đảng, Nhà nước đối với giai cấp nông dân Việt Nam với những đóng góp to lớn (sức người, sức của) của các thề hệ nông dân cho Đảng, cho cách mạng.

Quỹ HTND đồng thời là công cụ, phương tiện, điều kiện quan trọng để Hội Nông dân Việt Nam thu hút, tập hợp, vận động hội viên, nông dân; tiếp thêm nguồn lực cho Hội Nông dân các cấp trong việc đưa nội dung hoạt động Hội thực chất, trình độ cán bộ Hội Nông dân các cấp được nâng lên, hoạt động Hội và phong trào nông dân ngày càng phát triển, tích cực đưa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Chỉ thị, nghị quyết của Hội nông dân Việt nam về nông nghiệp nông dân, nông thôn vào cuộc sống, đầy mạnh công cuộc xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Ghi nhận kết quả đạt được trong 10 năm hoạt động Quỹ HTND tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc đánh giá kết quả 10 năm thực hiện Kết luận số 61-KL/TW ngày 03/12/2009 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Quyết định 673/QĐ-TTg, ngày 10/05/2011 của Thủ tướng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý kéo dài thực hiện Quyết định số 673/QĐ-Ttg ngày 10/05/2011 của Thủ tướng Chính phủ cho đến khi Bộ Chính trị, Ban Bí thư chỉ đạo tổng kết Kết luận 61-KL/TW ngày 03/12/2009 của Ban Bí thư Trung ương Đảng.

Tại điểm 3 Mục III, Thông báo số 02/TB.VP, ngày 08 tháng 01 năm 2021, của Văn phòng Chính phủ thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc đánh giá kết quả 10 năm thực hiện Kết luận 61-KL/TW, ngày 03 tháng 12 năm 2009 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Quyết định 673/QĐ-TTg, ngày 10 tháng 5 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ. Về bổ sung vốn điều lệ cho Quỹ Hỗ trợ nông dân, trước mắt tạm cấp kinh phí phù hợp để bổ sung nguồn cho Quỹ hoạt động, đáp ứng nhu cầu thiết thực của nông dân trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Trong thời gian chờ Chính phủ ban hành Nghị định về thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ Hỗ trợ nông dân, giao Bộ Kế hoạch Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính vá các Bộ, cơ quan liên quan bố trí kinh phí cho Quỹ Hỗ trợ nông dân trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật, báo cáo Thủ tướng Chính phủ; giao Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục thực hiện việc cấp vốn cho Quỹ Hỗ trợ nông dân cấp tỉnh, cấp huyện theo Quyết định số 673/QĐ-TTg ngày 10 tháng 5 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ.

Từ thực tiễn 10 năm triển khai thực hiện Đề án có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm trong hoạt động hỗ trợ vốn của Quỹ HTND thuộc hệ thống Hội Nông dân Việt Nam như sau:

Một là: Cần nghiên cứu sâu sắc các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước để có sự vận dụng sáng tạo vào hoạt động công tác Hội và phong trào nông dân, đặc biệt là hỗ trợ vốn cho nông dân phát triển sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.

Hai là: Các cấp Hội cần chủ động, tích cực tham mưu cấp ủy, phối hợp chặt chẽ với chính quyền và các ban ngành, đoàn thể khác ở địa phương; làm tốt công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, nội dung hoạt động của Quỹ HTND. Phát huy vai trò Quỹ HTND là công cụ, phương tiện mạnh mẽ để  Hội Nông dân tập hợp vận động tuyên truyền nông dân tích cực xây dựng mô hình phát triển kinh tế, xây dựng tổ Hội nông dân nghề nhgiệp, chi Hội nông dân nghề nghiệp, Tổ hợp tác, hợp tác xã.

Ba là: Công tác lãnh, chỉ đạo của Hội về hoạt động Quỹ HTND phải có trọng tâm, trọng điểm, linh hoạt phù hợp với tình hình, điều kiện thực tế của từng địa phương gắn với xây dựng tổ chức Hội Nông dân trong sạch, vững mạnh. Cụ thể hóa các mục tiêu của Đề án; đưa các chỉ tiêu hoạt động Quỹ vào chỉ tiêu thi đua hằng năm để các cấp Hội phấn đấu thực hiện.

Bốn là: Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; lồng ghép hoạt động cho vay vốn với hoạt động dạy nghề, chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ, phối hợp với các doanh nghiệp tìm kiếm đầu ra cho nông sản…nhằm tạo điều kiện cho người vay phát huy hiệu quả đồng vốn; chú trọng xây dựng, tuyên truyền các mô hình điển hình, tiên tiến, hiệu quả; thực hiện việc sơ, tổng kết, rút kinh nghiệm theo định kỳ./.

BĐH Quỹ HTND