Kinh tế - xã hội

Tin vui từ An Giang: Ăn tết hoành tráng nhờ bán rau sang Campuchia

19/02/2019 09:52

Cũng như bao hộ trồng rau, thương lái xuất khẩu rau, năm nay, gia đình ông Lèo, xã Kiến An, huyện Chợ Mới (An Giang) đón xuân Kỷ Hợi 2019 thật hoành tráng.

Ông Lèo cho biết, khi trồng rau đạt tiêu chuẩn thì thị trường Campuchia mua cao giá hơn thị trường trong nước ít nhất 1.000 đồng/kg. Đây là tin vui, là cơ hội lớn cho nông dân tỉnh An Giang.

Năm 2018 đánh dấu một năm thành công với nền nông nghiệp tỉnh An Giang trên cả 4 phương diện: năng suất, chất lượng, giá cả, thị trường. Nông dân trong tỉnh đã làm một cuộc “cách mạng” trong tư duy, biết tổ chức sản xuất theo tín hiệu của thị trường, chú trọng chất lượng, nâng cao uy tín. Và rau sạch của nông dân đã được đưa sang đất nước Chùa Tháp (Campuchia) với kim ngạch tăng trưởng ấn tượng.

Thị trường

Năm 2018, xuất khẩu rau quả của Việt Nam vào thị trường Campuchia tăng trưởng 240% so với năm 2017, đạt 2,6 triệu USD. Đây là năm thành công của ngành rau quả Việt Nam đối với thị trường các nước giáp biên như: Trung Quốc, Campuchia. Cũng là bắp cải, dưa leo hoặc cải tùa xại, các mặt hàng này ở Campuchia, Lào, Thái Lan được nông dân sản xuất rất nhiều, tuy nhiên người tiêu dùng Campuchia chọn sản phẩm của nông dân Việt Nam...

Để có lượng rau ổn định xuất sang Campuchia, thương lái đã bỏ tiền đầu tư cho nông dân tỉnh An Giang, sau đó thu mua lại sản phẩm

Yếu tố này một lần nữa khẳng định, chất lượng, giá cả, mẫu mã, bao bì đóng vai trò rất quan trọng đối với người tiêu dùng. Bán cái thị trường cần chính là niềm tin, uy tín, chất lượng cùng với đó là giá cả phải hợp lý.

Đất nước Campuchia phát triển, đời sống người dân được nâng lên, hướng đến một nền nông nghiệp sạch, vì vậy, sản phẩm xuất vào thị trường này phải chất lượng.

“Thị trường Campuchia rất đa dạng các mặt hàng rau, củ, quả, từ dưa leo, cải rổ, bắp cải cho đến cải tùa xại, bầu, bí, khổ qua, bí đao… mặt hàng nào cũng tiêu thụ mạnh” - ông Trần Văn Na (thương lái mua rau, củ, quả xuất khẩu vào thị trường Campuchia) thông tin.

“Thị trường Campuchia không dễ tính như mọi người nghĩ, bởi ngoài rau, củ, quả nhập từ Việt Nam, thị trường này còn nhập rất nhiều sản phẩm từ Lào, Thái Lan và các quốc gia khác. Vì vậy, các loại rau ăn lá và khổ qua, bầu, bí của nông dân tỉnh An Giang phải chịu sự cạnh tranh khốc liệt nên chất lượng, uy tín phải được đặt lên hàng đầu” - ông Nguyễn Văn Lèo (xã Kiến An, Chợ Mới) khẳng định.

Năm nay, gia đình ông Lèo đón xuân Kỷ Hợi 2019 thật hoành tráng. Ngoài nồi bánh tét, bánh ít, bánh in, gia đình còn có nhiều sản phẩm mua về từ Campuchia như: khô cá kết sấy, lạp xưởng Siêm Riệp, khô bò, đường thốt nốt… Một cái Tết đầm ấm, bởi việc trồng rau để xuất khẩu sang Campuchia gặt hái được nhiều thắng lợi.

Ông Lèo cho biết, khi trồng rau đạt tiêu chuẩn thì thị trường này mua cao giá hơn thị trường trong nước ít nhất 1.000 đồng/kg, vì vậy, nông dân đã mạnh dạn đầu tư, áp dụng khoa khọc - kỹ thuật vào sản xuất để sản phẩm làm ra được tốt hơn.

Sản phẩm gừng tươi trước khi xuất khẩu sang Campuchia được nông dân, thương lái tỉnh An Giang phân loại kỹ lưỡng để bán được giá cao

Cơ hội lớn cho rau sạch An Giang

Đưa rau sạch vào đất nước Chùa Tháp đạt mức tăng trưởng cao trong năm 2018, ngoài yếu tố chất lượng, uy tín của sản phẩm và giá cả hợp lý còn kể đến một yếu tố khác mang tính quyết định, đó là việc Chính phủ 2 nước Việt Nam - Campuchia ký thỏa thuận song phương, thúc đẩy thương mại 2 nước phát triển.

Ngày 14-3-2017, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị định số 24/2017/NĐ-CP, thực hiện thỏa thuận song phương mà trước đó Thủ tướng Chính phủ của 2 nước đã ký kết năm 2016. Theo đó, khi hiệp định có hiệu lực, Việt Nam sẽ được hưởng thuế suất, thuế nhập khẩu 0% áp dụng đối với 29 mặt hàng khi xuất khẩu vào thị trường Campuchia, trong đó có mặt hàng rau, củ, quả. Đây là cơ hội lớn để nông dân An Giang khai thác thị trường này.

“Nếu không có thỏa thuận song phương thì rau quả của nông dân trong tỉnh khi xuất sang thị trường Campuchia tiếp tục bị hạn chế. Đây là cơ hội tốt để đưa rau, củ, quả từ An Giang vào đất nước Chùa Tháp. Vấn đề ở đây là làm sao biết được chính xác thị trường Campuchia mỗi năm cần bao nhiêu tấn rau, củ, quả, mỗi loại là bao nhiêu để chúng tôi tổ chức sản xuất” - bà Trần Thị Mỹ Hạnh (xã Bình Thạnh, Châu Thành) thông tin.

Tập kết rau tại chợ Kim Phát (phường Vĩnh Mỹ, TP. Châu Đốc) đưa lên xe tải xuất sang Campuchia

Một cơ hội khác mà nông dân trong tỉnh An Giang cần nắm bắt để khai thác thị trường này trong nhiều năm tới, đó là hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp ở Campuchia chưa hoàn chỉnh. Ngành nông nghiệp nước này phụ thuộc rất nhiều vào lượng nước mưa hàng năm. Vì vậy, mưa ít hay nhiều thì sản xuất nông nghiệp đều bị ảnh hưởng, từ đó tình trạng thiếu các mặt hàng rau, củ, quả vẫn tiếp tục xảy ra.

“Việc phát triển hệ thống thủy lợi nội đồng và đê bao chống lũ, bảo vệ đất sản xuất nông nghiệp đang là chương trình ưu tiên của Chính phủ Campuchia. Tuy nhiên, để hoàn thành chương trình này phải mất rất nhiều thời gian, nên việc nhập khẩu rau quả từ các quốc gia trong khu vực để phục vụ tiêu dùng trong nước sẽ tiếp tục diễn ra” - ông Vanhhan (Tổng cục trưởng Tổng cục Nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp Campuchia) khẳng định.

Thị trường rộng mở, cơ hội xuất khẩu các mặt hàng rau, củ, quả của nông dân, doanh nghiệp Việt Nam vào đất nước Chùa Tháp còn tiếp tục. Nông dân An Giang cần nâng cao chất lượng sản phẩm, giữ chữ “tín” trong làm ăn, mạnh dạn thay đổi tư duy sản xuất bằng cách “bán cái thị trường cần, chứ không phải bán cái mình có”.

“Xuất khẩu rau quả của Việt Nam năm 2018 đạt mức tăng trưởng ấn tượng, đời sống người làm nông nghiệp tăng đáng kể. Chúng tôi đang tìm hướng liên kết với các doanh nghiệp trong khâu tiêu thụ bằng hình thức bao tiêu sản phẩm, tránh tình trạng “được mùa, mất giá”. Có như vậy, người sản xuất ngành hàng này mới an tâm sản xuất, rủi ro được hạn chế đến mức thấp nhất, ông Nguyễn Văn Nam (Tổ liên kết sản xuất rau an toàn, xã Long An, TX. Tân Châu) khẳng định.

Theo: danviet.vn