10 năm thay đổi nền nông nghiệp Phú Tân nhờ chính sách tam nông
Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành TW Đảng (khóa X), Nghị quyết 09 của Tỉnh ủy An Giang, Nghị quyết số 03 của Huyện ủy Phú Tân … là những chính sách lớn đã tác động thay đổi tích cực sự phát triển trong lĩnh vực nông nghiệp ở huyện cù lao thời gian qua.
Với vai trò tập hợp, thúc đẩy và đồng hành hỗ trợ cho nông dân, Hội Nông dân huyện Phú Tân đã sử dụng nhiều hình thức để đưa các chủ trương, chính sách về “nông nghiệp, nông dân, nông thôn” vào thực tiễn. Là địa bàn chủ yếu sản xuất nông nghiệp, trong đó nông dân là lực lượng hùng hậu, có vai trò quan trọng đến việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, Hội Nông dân huyện đã quan tâm xây dựng từ tổ chức Hội, nâng cao các hoạt động thi đua cho đến hỗ trợ hội viên sản xuất, cải thiện kinh tế, xóa đói giảm nghèo…
Mô hình sản xuất Lúa ứng dụng phân hữu cơ nano xã Phú Hiệp
Đồng hành bằng nhiều hình thức
Theo Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phú Tân Lê Văn Ẩn, nhằm giúp đỡ thiết thực cho hội viên, Hội Nông dân luôn chủ động tham mưu cấp ủy, phối hợp tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho 100% hội viên nông dân. Trong đó, tập trung các lớp chăn nuôi, trồng và thiết kế vườn theo tiêu chuẩn VietGap và có trên 80% áp dụng vào thực tế sản xuất. Đồng thời, hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia chương trình chương trình mỗi xã 1 sản phẩm (OCOP). Qua đánh giá của Hội đồng cấp tỉnh có 5 sản phẩm đạt 3 sao (2 sản phẩm của Công ty TNHH MTV chế biến thủy hải sản Thanh Tùng, 3 sản phẩm của cơ sở sản xuất dâu tằm Ngọc Thái).
Hội Nông dân còn phối hợp với các ngành tư vấn và tổ chức dạy nghề gắn giải quyết việc làm với quy mô từ 20 đến 25 lớp đào tạo nghề ngắn hạn cho 500 -700 hội viên hàng năm. Để tiếp cận các mô hình mới, tiến bộ, hiệu quả kinh tế cao, Hội còn tổ chức cho nông dân tham quan học tập các mô hình làm ăn trong và ngoài tỉnh; tổ chức giới thiệu trên 35 lao động nông thôn là con em hội viên nông dân đi học tập và lao động tại thị trường Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc. Ngoài ra, còn tổ chức lãnh đạo huyện gặp gỡ, đối thoại trực tiếp với nông dân 2 lần/năm với hơn 200 nông dân dự. Qua đó, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nông dân, kịp thời chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội địa phương.
Các hoạt động dịch vụ hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo bền vững được Hội Nông dân đẩy mạnh trong những năm qua. Điển hình qua nhận ủy thác Ngân hàng chính sách xã hội, tiếp cận vốn từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vận động phát triển Quỹ Hỗ trợ nông dân. Đến nay Hội nhận ủy thác từ Ngân hàng chính sách với tổng dư nợ hơn 90 tỷ đồng cho 4.041hộ; tiếp cận vốn theo NĐ 55/CP từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng dư nợ hơn 26,6 tỷ đồng cho 358 hộ vay và vận động Quỹ hỗ trợ nông dân được trên 2,6 tỷ đồng để hỗ trợ cho 134 hộ.
Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phú Tân Lê Văn Ẩn đánh giá, các hộ vay thực hiện các mô hình sản xuất đảm bảo đúng mục đích và mang lại hiệu quả. Ngoài ra Hội được hỗ trợ từ Quỹ Hỗ trợ nông dân Trung ương và Tỉnh với số tiền trên 2,4 tỷ đồng, giúp cho 59 hộ được tiếp cận nguồn vốn. Các hộ đầu tư mô hình trồng cây ăn trái theo hướng an toàn, góp phần hiệu quả công tác xoá đói giảm nghèo.
Phát huy vai trò chủ thể của nông dân
Thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW, những năm qua, Hội Nông dân các cấp trong huyện Phú Tân tập trung công tác tuyên truyền vận động nông dân và tạo điều kiện cho nông dân phát huy có hiệu quả vai trò của mình trên các lĩnh vực. Theo đó, đồng lòng với chủ trương sản xuất “2 năm,5 vụ” của huyện, bà con đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, áp dụng khoa học kỹ thuật, liên kết, hợp tác, chấp hành sản xuất lúa nếp đúng lịch thời vụ. Cùng với đó, diện tích đất vườn tạp, đất trồng lúa nếp kém hiệu quả đã chuyển sang 530,91ha trồng cây ăn trái có thu nhập cao theo tinh thần Nghị quyết 11 của Ban Thường vụ huyện ủy. Việc sản xuất theo hướng công nghệ cao được mở rộng, chăn nuôi gia súc, gia cầm ổn định; ứng dụng khoa học, kỹ thuật trong trước và sau thu hoạch được áp dụng, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản được quan tâm thực hiện nên sản xuất kinh doanh ngày càng hiệu quả.
Mô hình trồng dưa lưới ứng dụng công nghệ cao xã Hiệp Xương
Phong trào thi đua sản xuất kinh giỏi được nông dân tham gia hửng ứng tích cực và đã thực sự đi vào chiều sâu và trở thành phong trào thi đua sôi nổi ở nông thôn. Hiện toàn huyện có 11.905 đạt nông dân đạt danh hiệu sản xuất – kinh doanh giỏi các cấp, (tăng 5,38% so năm 2008). Qua phong trào, đã xuất hiện nhiều mô hình mới như tiểu thủ công nghiệp, chế biến nông sản, tiêu thụ sản phẩm, một số ngành nghề truyền thống địa phương… vừa khẳng định được hiệu quả kinh tế vừa thu hút lao động nông thôn, tạo việc làm, tăng thu nhập, tạo điều kiện trao đổi kinh nghiệm sản xuất kinh doanh giữa hội viên nông dân với nhau, thể hiện tinh thần đoàn kết, tương trợ giúp đỡ lẫn nhau trong sản xuất và đời sống.
Ngoài ra, nông dân còn tích cực thể hiện vai trò, đóng góp của mình trong các phong trào xây dựng nông thôn mới – văn minh đô thị, tham gia bảo vệ môi trường. Kéo theo đó, đời sống vật chất, tinh thần của bà con cũng được nâng lên, công tác an sinh xã hội, chăm lo cho hộ nghèo, cận nghèo được đảm bảo. Có thể thấy, các chính sách từ trung ương, tỉnh đến địa phương đã góp phần “thay da đổi thịt” vùng đất thuần nông Phú Tân trong những năm qua. Người nông dân từng bước tiếp cận phương thức sản xuất tiên tiến, tích cực và chăm chỉ học hỏi để nâng cao giá trị sản xuất trên mảnh đất của mình, phát huy vai trò chủ thế, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần./.
Tin khác
- Khảo sát Chỉ số đánh giá chất lượng dịch vụ, vật tư nông nghiệp
- Hội thi Sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu tỉnh An Giang lần thứ VII/2024
- Một tỷ phú An Giang trồng lúa theo kiểu "mặt ruộng không dấu chân" là Nông dân Việt Nam xuất sắc 2024
- Phú Tân triển khai Đề án 01 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao trong vụ Thu Đông 2024 với diện tích 100 hecta
- Phú Thọ xuống giống 05 héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao.
- Xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu Nếp Phú Tân