An Giang nâng chất phong trào nông dân
Năm 2022, Hội Nông dân tỉnh An Giang huy động mọi nguồn lực, tăng cường phối hợp sở, ban, ngành tỉnh nhằm đẩy mạnh 3 hoạt động đột phá, cùng các chỉ tiêu trong nhiệm vụ công tác hội và phong trào nông dân.
Tuy bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, nhưng bằng sự quyết tâm, phấn đấu của các cấp hội, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh, phong trào nông dân tại An Giang đạt được những kết quả tích cực. Trong đó, các cấp hội tập trung 3 hoạt động đột phá, đạt và vượt 12 chỉ tiêu. Tiêu biểu: Phát triển hội viên mới đạt 114%; tuyên truyền, vận động thành lập mới 21 hợp tác xã, 160 tổ hợp tác; xây dựng mô hình bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu; thành lập chi - tổ hội nông dân nghề nghiệp gắn với vùng nguyên liệu của Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời và Công ty Angimex - Kitoku; xét công nhận 86.000 hộ nông dân đạt danh hiệu “nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi” và hơn 1.300 doanh nhân nông thôn…
Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh An Giang Nguyễn Văn Nhiên cho biết: “Điển hình trong thực hiện Nghị quyết 04-NQ/HNDTW là Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh chủ động đề xuất Tỉnh ủy, UBND tỉnh kết nối doanh nghiệp thực hiện chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ trọn gói, như: Mô hình “lúa rải vụ” với Tập đoàn Lộc Trời, sản xuất lúa Nhật với Công ty Angimex - Kitoku. Đồng thời, thành lập mới tổ hợp tác có sự tham gia của doanh nghiệp cùng chi - tổ hội nông dân nghề nghiệp. Từ đó, hình thành vùng nguyên liệu sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị và bao tiêu sản phẩm, giúp nông dân an tâm trước biến động của thị trường và tình hình dịch bệnh Covid-19”.
Nâng cao chất lượng công tác hội và phong trào nông dân trong năm 2022
Trên cơ sở kế hoạch “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” của tỉnh, Hội Nông dân tỉnh tập trung tổ chức nhiều hoạt động chào mừng kỷ niệm 190 năm thành lập tỉnh An Giang, như: Hội thi “Nhà nông đua tài” kết hợp với Hội thi “Cán bộ hội giỏi”; giải bóng đá mi-ni nông dân toàn tỉnh; phiên chợ hàng nông sản gắn với hội thi sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu; đại hội tuyên dương nông dân giỏi 3 cấp; hội thảo về vai trò của nông dân trong sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu ở ĐBSCL. Đặc biệt, khởi công nâng cấp Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh. Đây là công trình Hội Nông dân tỉnh chào mừng Đại hội đại biểu Hội Nông dân các cấp nhiệm kỳ 2023-2028.
“Để thực hiện thắng lợi mục tiêu, chỉ tiêu trong năm 2022, Hội Nông dân tỉnh An Giang sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, nông dân ứng dụng công nghệ vào sản xuất, thông qua các mô hình, điểm trình diễn tại địa phương. Từ đó, giúp nông dân thay đổi tư duy sản xuất, tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo định hướng quy hoạch vùng. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất theo chuỗi giá trị ngành hàng chủ lực của tỉnh, xây dựng vùng nguyên liệu và tạo mối liên kết bền vững giữa nông dân với doanh nghiệp. Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức tập hợp nông dân tham gia vào tổ chức hội, xây dựng hội vững mạnh” - ông Nguyễn Văn Nhiên cho hay.
Năm 2022, Hội Nông dân tỉnh An Giang hướng dẫn nông dân tham gia phát triển kinh tế hợp tác, đẩy mạnh thành lập chi - tổ hội nông dân nghề nghiệp gắn với vùng nguyên liệu lúa - nếp của Tập đoàn Lộc Trời, sản xuất lúa Nhật của Công ty Agimex - Kitoku, vùng nguyên liệu chăn nuôi bò sữa của Tập đoàn TH Truemilk, vùng chăn nuôi lợn của Công ty Việt Thắng, vùng nuôi cá da trơn của Tập đoàn Nam Việt…
Ngoài ra, Hội Nông dân tỉnh An Giang phối hợp các sở, ngành đào tạo, tập huấn kỹ năng hoạt động trên sàn thương mại điện tử; hướng dẫn quy trình đóng gói - kết nối - giao nhận sản phẩm trên sàn giao dịch này cho lực lượng nông dân giỏi của tỉnh. Qua đó, giúp nông dân đủ điều kiện tự đưa sản phẩm của mình để giới thiệu và mua, bán trên sàn thương mại điện tử.
Ông Nguyễn Văn Nhiên nhấn mạnh: “Chúng tôi đang tranh thủ với Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và các ngành chức năng xây dựng dự án “Chuyển đổi số nông nghiệp trên cây xoài tại địa bàn huyện Chợ Mới, giai đoạn 2022-2025”. Dự án sẽ góp phần nâng cao giá trị gia tăng từ cây xoài, xây dựng mã vùng trồng, truy xuất nguồn gốc, nâng cao tính cạnh tranh trên cơ sở hỗ trợ tập huấn, hướng dẫn kiến thức cho cán bộ hội và người trồng xoài. Qua đó, xây dựng mô hình điểm về sản xuất theo chuỗi giá trị an toàn và tạo cơ sở dữ liệu phục vụ quản lý sản xuất xoài trên thiết bị di động, tham gia xây dựng nhãn hiệu xoài Chợ Mới”.
Đồng thời, các cấp hội tích cực vận động nông dân ứng dụng công nghệ vào sản xuất, khuyến khích sản xuất sạch nhằm tạo ra sản phẩm an toàn, thân thiện môi trường. Tăng cường phối hợp để kết nối cung - cầu, tiêu thụ nông sản cho nông dân. Tiếp tục đầu tư Quỹ Hỗ trợ nông dân cho các mô hình điểm, mô hình ứng dụng công nghệ cao và mô hình sản xuất an toàn, hướng đến nâng cao giá trị nông sản.
Các cấp hội trong tỉnh An Giang sẽ tiếp tục nỗ lực huy động mọi nguồn lực thực hiện thắng lợi chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra trong năm mới. Đặc biệt, luôn đồng hành với nông dân trong phục hồi, phát triển sản xuất sau thời gian bị ảnh hưởng do dịch bệnh COVID-19. Mong rằng, với sự quyết tâm của toàn thể cán bộ, hội viên, phong trào nông dân tỉnh nhà đạt được những bước tiến mới trong năm 2022.
Tin khác
- Khảo sát Chỉ số đánh giá chất lượng dịch vụ, vật tư nông nghiệp
- Hội thi Sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu tỉnh An Giang lần thứ VII/2024
- Một tỷ phú An Giang trồng lúa theo kiểu "mặt ruộng không dấu chân" là Nông dân Việt Nam xuất sắc 2024
- Phú Tân triển khai Đề án 01 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao trong vụ Thu Đông 2024 với diện tích 100 hecta
- Phú Thọ xuống giống 05 héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao.
- Xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu Nếp Phú Tân