Đề án một triệu ha lúa chất lượng cao, nếu làm tốt sẽ mang lại đa giá trị.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, Đề án “Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030”, khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, triển khai nếu làm tốt sẽ mang lại đa giá trị.
Đây chính là cách làm, cách nhìn mới hơn về lúa gạo.
Đề án mang tính đột phá
Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao triển khai tại ĐBSCL, giai đoạn 1 (2024-2025): củng cố 180.000ha, giai đoạn 2 (2026-2030) mở rộng thêm 820.000ha. Dự kiến, tổng nguồn vốn triển khai 1 triệu ha lúa chất lượng cao khoảng 650 triệu USD, trong đó nguồn vốn vay từ WB khoảng 400 triệu USD, tương đương hơn 61%. Đề án sẽ có 5 chương trình, nhiệm vụ cụ thể, bắt đầu triển khai từ năm 2024 đến năm 2030.
Dự thảo Đề án đã hoàn thành đang trình Thủ tướng Chính phủ.
Tại buổi tọa đàm về Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030” diễn ra mới đây, ông Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn chia sẻ, thế giới ngày càng có những đòi hỏi, yêu cầu đặt ra về việc bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất nông nghiệp. Đây cũng là lý do Bộ Nông nghiệp và PTNT được Thủ tướng Chính phủ giao chủ trì, phối hợp cùng với các bộ, ngành trung ương, địa phương xây dựng dự thảo Đề án “Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030” để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt (Dự thảo Đề án đã hoàn thành đang trình Thủ tướng Chính phủ).
Ông Thắng nhấn mạnh, đề án xây dựng vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp ở đồng bằng sông Cửu Long mang tính đột phá trong tổ chức lại sản xuất ngành hàng lúa gạo, nâng cao giá trị gia tăng trong toàn chuỗi, bảo đảm phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng, đóng góp vào tăng trưởng xanh và góp phần thực hiện các cam kết của Chính phủ tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc lần thứ 26 (COP26), hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.
Mục tiêu cụ thể của Đề án là đưa tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch dưới 10%; 70% rơm tại các vùng chuyên canh được thu gom khỏi đồng ruộng và được chế biến tái sử dụng; giảm trên 10% lượng phát thải khí nhà kính so với canh tác lúa truyền thống. Giá trị gia tăng trong chuỗi lúa gạo tăng 30%, trong đó tỷ suất lợi nhuận của người trồng lúa đạt trên 40%.
Ông Phan Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Cà Mau cho biết, nông dân trồng lúa ở Cà Mau đã có kinh nghiệm áp dụng được các tiến bộ kỹ thuật áp dụng một số tiêu chuẩn như: sản xuất lúa hữu cơ, Vietgap và áp dụng các quy trình “3 giảm 3 tăng”. Tỉnh Cà Mau mong muốn Thủ tướng Chính phủ sớm phê duyệt Đề án để địa phương đẩy mạnh tuyên truyền về cơ chế, chính sách hỗ trợ cho nông dân và doanh nghiệp, tính được tín chỉ các-bon để tập huấn cho bà con nông dân.
Đề án mang tính đột phá trong tổ chức lại sản xuất ngành hàng lúa gạo, nâng cao giá trị gia tăng trong toàn chuỗi.
Trong khi đó, ông Lê Hữu Toàn, Phó giám đốc Nông nghiệp và PTNT tỉnh Kiên Giang cho biết, Kiên Giang đã sẵn sàng tham gia Đề án. Qua công tác tuyên truyền, người dân nhận thức được việc sản xuất gắn với môi trường, gắn với tăng trưởng xanh, giảm phát thải đây là xu thế tất yếu.
Mang lại đa giá trị
Ông Nguyễn Duy Thuận, Tổng giám đốc Tập đoàn Lộc Trời chia sẻ, đề án thể hiện mong muốn của doanh nghiệp là liên kết với nông dân tham gia sản xuất lúa một cách bền vững. Tập đoàn cam kết cùng với bà con nông dân liên kết sản xuất, tuân thủ tất cả các tiêu chí mà Đề án đưa ra. Doanh nghiệp mong muốn Đề án hội đủ 3 yếu tố: quy chế rõ ràng, có sự hướng dẫn cụ thể và có sự hỗ trợ về mặt kỹ thuật để định hướng cho bà con nông dân và doanh nghiệp tổ chức sản xuất lúa một cách bền vững. Tập đoàn cam kết cùng với bà con nông dân liên kết sản xuất tập thể, tuân thủ tất cả các tiêu chí mà Đề án đưa ra.
Ông Cao Thăng Bìnhm, đại diện Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cho biết: "Tiếp nối thành công của dự án chuyển đổi lúa bền vững tại Việt Nan - VNSAT, WB sẽ tiếp tục đồng hành với Việt Nam trong chương trình xây dựng 1 triệu ha lúa chất lượng cao. Hiện nông dân Việt Nam đang được hưởng thụ thành quả từ giá gạo lên cao nhưng cũng phải bước vào một cuộc đua mới, cuộc đua về năng suất, chất lượng, cuộc đua về uy tín, trách nhiệm xã hội của hạt gạo với thế giới".
Chia sẻ với đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan cho biết, mục tiêu Đề án 1 triệu ha vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng quy trình canh tác bền vững nhằm gia tăng giá trị, phát triển bền vững của ngành lúa gạo, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thu nhập và đời sống của người trồng lúa, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long theo hướng bền vững, thuận thiên, nâng cao thu nhập cho người dân.
Đề án góp phần hiện thực hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, Quốc hội và Chính phủ về phát triển nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long theo hướng bền vững, “thuận thiên”, nâng cao thu nhập cho người trồng lúa và bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, thúc đẩy xuất khẩu; huy động tổng hợp các nguồn lực và các thành phần kinh tế tham gia. Bộ trưởng mong muốn đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long lan tỏa ý nghĩa của Đề án khi tiếp xúc với cử tri ở địa phương.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT nhấn mạnh, đề án này khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, triển khai nếu làm tốt lúa gạo sẽ mang lại đa giá trị: Kinh tế, môi trường, xã hội, văn hóa, nền nông nghiệp tuần hoàn bán được tín chỉ cacbon, bán cả gói sản phẩm từ gạo, đó là đích đến... Đây chính là cách làm, cách nhìn mới hơn về lúa gạo. Đề án muốn thành công thì người nông dân phải thay đổi từ tư duy, cách nghĩ đến cách làm. Tiêu dùng xanh đang là một xu thế trên toàn cầu. Vì thế, đòi hỏi ngành nông nghiệp, nông dân trồng lúa phải thay đổi để đáp ứng yêu cầu của thị trường, xây dựng phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng xanh, tuần hoàn, phát triển bền vững.
Tập huấn ứng dụng khảo sát, điều tra phương thức canh tác lúa
Nhằm xây dựng bộ dữ liệu cho sản xuất lúa vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, phục vụ công tác tính toán, so sánh hiệu quả sản xuất và giá trị lúa gạo cho những diện tích tham gia trong Đề án “Phát triển bền vững một triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”. Mới đây, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Trà Vinh phối hợp với Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI) tổ chức tập huấn “Ứng dụng khảo sát, điều tra phương thức canh tác lúa trên địa bàn tỉnh Trà Vinh” cho cán bộ tham gia thực hiện khảo sát các hộ nông dân để xây dựng bộ dữ liệu cho sản xuất lúa tại Phòng Nông nghiệp và PTNT, Trung tâm kỹ thuật và Dịch vụ nông nghiệp các huyện.
Buổi tập huấn ứng dụng khảo sát, điều tra phương thức canh tác lúa trên địa bàn tỉnh Trà Vinh.
Lớp tập huấn giúp các cán bộ kỹ thuật tiếp cận với phần mềm khảo sát lúa ODK cho Đồng bằng Sông Cửu Long; Phương pháp khảo sát các hộ nông dân xây dựng bộ dữ liệu cho sản xuất lúa, cụ thể tại các vụ đông xuân 2022-2023, hè thu 2023 và thu đông 2023. Đồng thời, các học viên và chuyên gia cùng trao đổi, góp ý về bảng điều tra, các thông tin cần thu thập về hệ thống sản xuất lúa phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, những kiến thức, kinh nghiệm, khó khăn trong thực tế để thực hiện đợt khảo sát được thuận lợi hơn trong thời gian tới.
Theo kế hoạch, Cục Trồng trọt phối hợp với Viện IRRI thiết kế và triển khai cuộc khảo sát 10.000 nông dân trồng lúa tại 12 tỉnh, thành vùng ĐBSCL (trừ tỉnh Bến Tre) đánh giá mức độ hiểu biết và nhận thức của nông dân về biến đổi khí hậu, sâu bệnh hại; mức độ tham gia vào sản xuất lúa của nữ giới và khác biệt về thói quen canh tác, nhất là hiểu biết, nhận thức của nông dân thuộc dân tộc thiểu số ở 12 tỉnh vùng ĐBSCL tham gia vào Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao.
Riêng tỉnh Trà Vinh, cuộc khảo sát triển khai từ tháng 8/2023 đến quý I/2024 và chia làm nhiều đợt, tại các huyện Càng Long, Cầu Kè, Tiểu Cần, Châu Thành, Trà Cú và Cầu Ngang với 1.000 hộ tham gia. Sau đợt này, Cục Trồng trọt và Viện IRRI sẽ sơ kết để đánh giá, điều chỉnh để đợt khảo sát tiếp theo được thực hiện hiệu quả.
Việc xây dựng bộ dữ liệu sản xuất lúa phải đảm bảo mục tiêu, thống nhất số liệu về phương thức canh tác đang thực hiện, chi phí sản xuất và lợi nhuận. Đây cũng là cơ hội để tăng cường năng lực của cán bộ nông nghiệp trong sử dụng công cụ số thu thập số liệu từ nông dân, góp phần chuyển đổi số trong nông nghiệp. Thông qua hoạt động khảo sát, sẽ cung cấp thêm cơ sở khoa học và thực tế cho quá trình xây dựng bộ dữ liệu sản xuất lúa cho tỉnh nói riêng và ở ĐBSCL nói chung.
Tin khác
- Khảo sát Chỉ số đánh giá chất lượng dịch vụ, vật tư nông nghiệp
- Hội thi Sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu tỉnh An Giang lần thứ VII/2024
- Một tỷ phú An Giang trồng lúa theo kiểu "mặt ruộng không dấu chân" là Nông dân Việt Nam xuất sắc 2024
- Phú Tân triển khai Đề án 01 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao trong vụ Thu Đông 2024 với diện tích 100 hecta
- Phú Thọ xuống giống 05 héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao.
- Xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu Nếp Phú Tân