Hội Nông dân tỉnh An Giang tham quan, học tập các mô hình tiêu biểu…
Nhằm giúp cán bộ Hội, Tổ trưởng tổ hợp tác, hợp tác xã học tập kinh nghiệm mô hình hợp tác sản xuất tiêu biểu ở 2 tỉnh Đồng Tháp, Long An.
Ngày 30/11 và 01/12, Hội Nông dân tỉnh An Giang đã tổ chức đoàn cán bộ học tập kinh nghiệm mô hình hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Tân Bình, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp và mô hình Tổ hợp tác trồng Thanh Long xã Long Trì, huyện Châu Thành, tỉnh Long An.
HTX Nông nghiệp Tân Bình được thành lập và chuyển đổi theo Luật HTX 2012, trong đó 100% hộ nông dân, với 1.034 hộ trên địa bàn xã tham gia vào HTX, hoạt động HTX chủ yếu có 8 ngành nghề sản xuất kinh doanh dịch vụ gồm: tưới tiêu, làm đất, cung ứng vật tư - thuốc bảo vệ thực vật, tín dụng nội bộ, cắt gặt liên hợp, sản xuất và tiêu thụ giống cây trồng, nước sinh hoạt nông thôn, phơi sấy và tồn trữ. Điểm nổi bật HTX là huy động sự đồng thuận cả tất cả nông dân trên địa bàn tham gia vào mô hình HTX, ký kết hợp đồng một số công ty, doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm cho nông dân, đặc biệt là vận động nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, xây dựng thương hiệu ớt Thanh Bình; xây dựng đường giao thông thủy lợi nội đồng bằng bê tông với chiều dài 6.517 mét, tạo thuận lợi việc đi lại vận chuyển và tưới tiêu trong sản xuất. Trang bị máy Laser mở rộng bờ thửa cải tạo đồng ruộng, máy gặt đập liên hợp, máy cấy lúa… áp dụng KHKT nhằm tăng năng suất, giảm giá thành sản xuất mang lại nhiều lợi nhuận cho các thành viên tham gia.
Đoàn còn tham quan mô hình tổ hợp tác (THT) trồng Thanh Long xã Long Trì, huyện Châu Thành, tỉnh Long An, với định hướng quy hoạch vùng của huyện trên diện tích 2.000 ha trồng Thanh Long trên địa bàn xã, trong đó 300 ha ứng dụng mô hình công nghệ cao, nhờ áp dụng KHKT trong sản xuất, giúp nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn sạch, được chứng nhận thương hiệu VietGAP, THT ký hợp đồng công ty bao tiêu sản phẩm, với mức giá thu mua Thanh Long dao động từ 20.000đ/kg đến 50.000đ/kg, ước tính thu nhập nông dân từ 400-500 triệu đồng/ha, gấp 9-10 lần lợi nhuận so với việc trồng lúa.
Với những kinh nghiệm học tập mô hình hợp tác tiêu biểu 2 tỉnh Đồng Tháp, Long An, hy vọng thời gian tới nông dân An Giang sẽ tham gia nhiều mô hình HTX, THT để góp phần thực hiện thành công đề án “Đổi mới phát triển hợp tác xã, tổ hợp tác trong nông nghiệp tỉnh An Giang giai đoạn 2017-2020” mà UBND tỉnh đề ra và cũng góp phần nâng cao thu nhập nông dân trên địa bàn tỉnh thời gian tới./.
Tin khác
- Khảo sát Chỉ số đánh giá chất lượng dịch vụ, vật tư nông nghiệp
- Hội thi Sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu tỉnh An Giang lần thứ VII/2024
- Một tỷ phú An Giang trồng lúa theo kiểu "mặt ruộng không dấu chân" là Nông dân Việt Nam xuất sắc 2024
- Phú Tân triển khai Đề án 01 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao trong vụ Thu Đông 2024 với diện tích 100 hecta
- Phú Thọ xuống giống 05 héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao.
- Xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu Nếp Phú Tân