Hội Nông dân Việt Nam-Bộ NNPTNT: Phối hợp xây dựng hình ảnh người nông dân thông minh
Chiều nay, 16/8, tại buổi làm việc, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn và Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan cùng nhấn mạnh, hai bên nỗ lực phối hợp để xây dựng hình ảnh người nông dân thế hệ mới, sẵn sàng liên kết, hợp tác để sản xuất hiệu quả.
Chiều nay 16/8 tại Hà Nội, Bộ NNPTNT, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam có buổi làm việc, bàn thảo các chương trình hai bên có thể hợp tác trong thời gian tới.
Đào tạo nghề nông cho nông dân
Theo ông Lương Quốc Đoàn, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Bộ NNPTNT và Hội Nông dân Việt Nam có thể triển khai nhiều chương trình hợp tác để phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong giai đoạn mới, theo đúng tinh thần của Đại hội Đảng lần thứ XIII: xây dựng nông nghiệp hiện đại, nông thôn văn minh, nông dân có cuộc sống ấm no.
Theo Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, trong thời gian qua, Hội Nông dân Việt Nam đã đẩy mạnh phát triển các chi, tổ hội nghề nghiệp; tạo nền tảng cho phát triển kinh tế tập thể. Hội Nông dân Việt Nam cũng có thế mạnh về công tác tuyên truyền, đào tạo nghề cho nông dân...
Từ thực tế đó, ông Lương Quốc Đoàn đề xuất một số lĩnh vực mà Bộ NNPTNT, Hội Nông dân Việt Nam có thể tăng cường hợp tác trong thời gian tới.
Cụ thể, hai bên có thể đẩy mạnh hợp tác phát triển kinh tế tập thể, tuyên truyền, vận động nông dân đẩy mạnh liên kết với nhau, hình thành chi tổ hội nghề nghiệp, từ đó hình thành các mô hình kinh tế tập thể hiệu quả.
Đào tạo nghề cho nông dân cũng là lĩnh vực Bộ NNPTNT, Hội Nông dân Việt Nam có thể phối hợp đẩy mạnh trong thời gian tới.
"Hội Nông dân có các trung tâm dạy nghề ở các tỉnh, với đầy đủ cơ sở vật chất, hoàn toàn có thể phối hợp với các đơn vị của Bộ tăng cường đào tạo nghề cho nông dân, dạy nghề nông cho nông dân" – ông Đoàn nhấn mạnh.
Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cũng cho biết, thời gian qua, Hội đã tích cực tham gia với chính quyền các địa phương xây dựng, phát triển các sản phẩm OCOP, được các địa phương đánh giá cao, đây cũng là lĩnh vực hai bên có thể đẩy mạnh hợp tác.
Hội Nông dân Việt Nam cũng mong muốn phối hợp với Bộ NNPTNT trong việc xây dựng chỉ dẫn địa lý, phát triển thương hiệu; giám sát chất lượng vật tư đầu vào của sản xuất như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật,…
Đặc biệt, ông Lương Quốc Đoàn cho biết, hai bên có thể phối hợp hiệu quả hơn trong việc kết nối, tiêu thụ nông sản bởi hiện tại, Hội đã hình thành được 720 chuỗi cửa hàng, trong đó có 124 cửa hàng của Hội Nông dân.
"Thời gian qua, các cấp Hội đã vào cuộc rất tích cực trong việc kết nối, tiêu thụ nông sản. Chúng tôi cũng đang xây dựng 2 trung tâm quảng bá sản phẩm OCOP ở Thừa Thiên – Huế, Phú Yên, tại các trung tâm này có thể tổ chức các phiên chợ nông sản cho nông dân" – ông Đoàn nhấn mạnh.
Ngoài ra, Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cũng mong muốn hai bên đẩy mạnh hợp tác, tổ chức các diễn đàn liên quan đến phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
6 gợi ý xây dựng hình ảnh nông dân thế hệ mới
TS Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và PTNT (Bộ NNPTNT) cho biết, ngày 18/4/2018, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Bộ NNPTNT, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đã ký kết và ban hành chương trình phối hợp thực hiện mục tiêu 15.000 hợp tác xã và liên hiệp hợp tác xã.
Thông qua sự phối hợp này, đến nay, cả nước đã có 17.462 hợp tác xã nông nghiệp. Trên cả nước xuất hiện ngày càng nhiều mô hình HTX hoạt động hiệu quả.
Trong giai đoạn 2013 – 2020, Hội Nông dân 13 tỉnh ĐBSCL đã tổ chức được hơn 10.200 cuộc tuyên truyền cho 850.000 lượt cán bộ và hội viên nông dân. Ngoài ra, Hội Nông dân cũng tích cực tham gia các chi hội nông dân nghề nghiệp, tổ hội nông dân nghề nghiệp theo phương thức "5 tự", "5 cùng".
Bà Bùi Thị Thơm – Phó Chủ tịch T.Ư Hội Nông dân Việt Nam cho biết: Hội ND có trên 10,2 triệu hội viên nông dân. Điểm mới của Hội Nông dân đó là hội viên của Hội không chỉ đơn thuần là những nông dân ở địa bàn nông thôn mà còn có cả các nhà khoa học, doanh nghiệp, giảng viên, sinh viên đại học… Nhờ đó, Hội NDVN từng bước nâng cao chất lượng hội viên.
Hội NDVN có hệ thống hơn 40 Trung tâm Hỗ trợ nông dân ở các tỉnh, thành có cơ sở, vật chất, trung tâm giới thiệu sản phẩm hỗ trợ nông dân. Bên cạnh đó, BCH T.Ư Hội ND đã ban hành một hệ thống các Nghị quyết về phát triển kinh tế tập thể, về chi tổ hội nghề nghiệp, Đề án hỗ trợ nông dân khởi nghiệp, nông dân bảo vệ môi trường... đã được triển khai hiệu quả đến tận các cơ sở Hội.
Hiện nay, Hội NDVN đã thành lập được 3.500 chi Hội nông dân nghề nghiệp, 22.500 tổ Hội Nông dân nghề nghiệp theo phương thức "5 tự-5 cùng". Các chi Hội nghề nghiệp, tổ Hội nghề nghiệp trên tạo nền tảng để thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác.
Hiện nay Hội Nông dân Việt Nam có trên 3.500 hợp tác xã và 21.500 tổ hợp tác do các cấp Hội trực tiếp tuyên truyền, vận động và hướng dẫn thành lập.
Theo bà Thơm, với lực lượng tổ chức Hội ND vững mạnh, thế nhưng khi thực hiện một số chương trình phối hợp còn chưa thực sự phát huy hết hiệu quả do cơ chế chính sách và nguồn lực còn nhiều hạn chế.
Bà Thơm tin tưởng rằng với sự phối hợp chặt chẽ giữa Hội NDVN và Bộ NNPTNT, hai bên đề xuất với Đảng, Nhà nước có những có cơ chế, chính sách rõ nét, có nguồn lực về con người, kinh phí để phối hợp tổ chức tốt hơn.
"Hội NDVN có con người, có khâu tổ chức, có lực lượng hội viên nông dân đông đảo. Bên Bộ NNPTNT hỗ trợ về tài liệu, kinh phí, hỗ trợ thì chương trình phối hợp thực hiện sẽ được nâng lên nhiều về hiệu quả và chất lượng"- bà Thơm nhấn mạnh.
Trong khi đó, ông Nguyễn Minh Tiến - Cục trưởng, Chánh văn phòng điều phối nông thôn mới Trung ương nhấn mạnh, Hội Nông dân Việt Nam là một thành tố rất quan trọng trong chương trình xây dựng nông thôn mới, nhất là trong phát triển kinh tế nông nghiệp.
"Chúng ta sẽ định hình rõ những nội dung hợp tác, chuyển đổi tư duy của nông dân để chương trình nông thôn mới đi vào chiều sâu", ông Tiến nhấn mạnh.
Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam, để chương trình phối hợp giữa hai bên ngày càng hiệu quả, hai bên nên chọn những chương trình cụ thể với những mục tiêu cụ thể để triển khai.
"Hiện, Bộ NNPTNT đang thí điểm xây dựng 5 vùng nguyên liệu lớn, với diện tích 26.000ha, Hội Nông dân có thể tham gia vận động nông dân xây dựng các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị" - Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh.
Bà Hạ Thúy Hạnh - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cũng đồng tình với nhận định này. Bà Hạnh cho biết, để xây dựng 5 vùng nguyên liệu lớn, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia sẽ xây dựng các tổ tư vấn cấp xã. Trong tổ này cần có sự tham gia của cán bộ Hội Nông dân.
Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật Hoàng Trung cũng mong muốn hợp tác với Hội Nông dân Việt Nam trong việc vận động nông dân sử dụng phân bón đúng cách, giảm chi phí sản xuất, nâng cao lợi nhuận, bảo vệ môi trường.
Tin khác
- Khảo sát Chỉ số đánh giá chất lượng dịch vụ, vật tư nông nghiệp
- Hội thi Sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu tỉnh An Giang lần thứ VII/2024
- Một tỷ phú An Giang trồng lúa theo kiểu "mặt ruộng không dấu chân" là Nông dân Việt Nam xuất sắc 2024
- Phú Tân triển khai Đề án 01 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao trong vụ Thu Đông 2024 với diện tích 100 hecta
- Phú Thọ xuống giống 05 héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao.
- Xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu Nếp Phú Tân