Nông nghiệp – Nông thôn

Mô hình trồng xoài gắn với xây dựng Chi hội làm vườn hướng tới phát triển doanh nghiệp nông thôn

24/12/2020 10:40

Nhận thấy triển vọng kinh tế từ cây xoài Cát Chu, những hội viên nông dân thuộc Chi hội làm vườn ấp An Thạnh, xã Hoà Bình, ở huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang đã xây dựng phương án chuyển đưa giống này vào thay thế cho những giống xoài chưa mang lại kinh tế với mong muốn mô hình sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Phát huy tiềm năng sẵn có

Ở huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang lĩnh vực phát triển nông nghiệp khá toàn diện, huy động được nhiều nguồn lực đầu tư phát triển. Toàn huyện hiện có diện tích tự nhiên là 36.906ha, ngoài lúa, rau màu cây ăn trái thì xoài là một trong những cây chủ lực của huyện, diện tích trồng xoài 6.328ha, chiếm hơn 85% diện tích cây ăn trái. Có 704 ha xoài đạt chứng nhận VietGAP.

Tuy nhiên, cùng thừa hưởng những thuận lợi về của có thổ nhưỡng, thời tiết… nhưng những hộ trồng xoài trên địa bàn ấp An Thạnh, xã Hòa Bình trong những năm qua còn khá manh mún, nhỏ lẻ, nên chưa tạo được thương hiệu nông sản của địa phương.

‘‘Từ trước tới nay trên địa bàn ấp An Thạnh chủ yếu tập trung vào cây xoài, kinh tế ổn định nhưng chưa cao, bởi đa số các hộ dân trồng đủ các giống xoài khác nhau theo hướng tự phát nên số lượng thiếu tập trung, khó làm thương hiệu, không thu hút nhà thu mua…’’ Ông Nguyễn Long Định – Chi hội trưởng Chi hội nghề nghiệp làm vườn ấp An Thạnh, xã Hoà Bình cho biết.

Lớp tập huấn cho các thành viên Chi hội do T.Ư Hội NDVN tổ chức .

Ông Lê Văn Phụng – Phó Chủ tịch Hội ND huyện Chợ Mới cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Hội ND tỉnh An Giang, Hội ND huyện đã chọn chi hội nghề nghiệp làm vườn ấp An Thạnh, xã Hoà Bình để triển khai thực hiện Dự án “Xây dựng mô hình hợp tác xã cây ăn trái gắn với xây dựng Chi hội làm vườn, hướng tới phát triển doanh nghiệp nông thôn”

Bước đầu đã thành lập Ban điều phối dự án cấp huyện, xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện, cùng với Hội ND tỉnh tổ chức triển khai các hoạt động dự án, Hội ND xã Hòa Bình tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp nhận dự án, tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên, nông dân về mục đích, ý nghĩa của việc thành lập các Chi Hội nghề nghiệp và nâng chất lên Hợp tác xã nông nghiệp, xây dựng các mô hình trên địa bàn.

Việc thực hiện Dự án “Xây dựng mô hình hợp tác xã cây ăn trái gắn với xây dựng Chi hội làm vườn, hướng tới phát triển doanh nghiệp nông thôn” tại xã Hoà Bình, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang là sự khởi sắc, tạo động lực cho hội viên nông dân thực hiện sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm xoài an toàn để đáp ứng được với nhu cầu thị hiếu thị trường.

Thông qua việc triển khai dự án các hộ tham gia hiểu được các giống cây có nguồn gốc, chất lượng tốt phù hợp với địa phương và được áp dụng các khoa học, kỹ thuật vào sản xuất giúp giảm chi phí trồng trọt, tạo ra sản phẩm chất lượng cao, bảo đảm an toàn, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu người tiêu dùng. Đồng thời, từng bước tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập cho các thành viên chi hội.

Được hỗ trợ xây dựng “mô hình”, chúng tôi mừng lắm

“Gia đình tôi chỉ có 3.500m2 đất canh tác, trải qua hơn 6 năm gắn bó với cây xoài, những năm đầu tôi trồng xoài Cát Hòa Lộc, sau thấy xoài lai có giá hơn, thế là tôi đưa giống xoài Đài Loan về ghép nhưng cũng chẳng hiệu quả là mấy. Đất ít, sản lượng thấp nên thương lái ít ngó ngàng tới. Hiểu được việc liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị sẽ mang lại hiệu quả kinh tế, nên ngay sau khi có Đề án xây dựng mô hình kinh tế tập thể, tổ hợp tác được triển khai tôi đã tự nguyện đăng kí tham gia. Có “mô hình” về chúng tôi mừng lắm…”, ông Võ Chí Cường bộc bạch.

Ông Cường cho biết thêm, như giống xoài Đài Loan hiện nay, mỗi vụ gia đình thu hoạch khoảng hơn 2 tấn. Trong quá trình sản xuất, ông được biết nhiều về giống xoài Cát Chu, cùng với những lần được đi tham quan mô hình giống xoài này ở địa phương khác do Hội ND tổ chức, ông nhận thấy giống xoài Cát Chu phù hợp với thổ những của địa phương, nếu đưa giống này về sẽ có giá trị kinh kế cao hơn.

“Từ lúc Chi hội phổ biến, bàn bạc về chuyển đổi giống xoài Cát Chu để sản xuất và tiêu thụ theo chuỗi tôi hưởng ứng ngay, có vậy mới đủ sản lượng để làm thương hiệu trái cây gắn với địa phương thu hút. Việc chuyển đổi này không khó bởi chỉ áp dụng kỹ thuật ghép giống mới lên gốc cây hiện tại, gia đình tôi sẽ chọn phương án thay thế dần những cây trong vườn, chứ không thay hàng loạt trong một lần nên sẽ không ảnh hưởng đến thu nhập… ” Ông Cường nói.

Cán bộ Ban Kinh tế – Xã hội T.Ư Hội NDVN và Hội ND tỉnh An Giang tham quan mô hình.

Ông Nguyễn Long Định – Chi hội trưởng, Chi hội nghề nghiệp làm vườn ấp An Thạnh, xã Hoà Bình cho biết: Gia đình ông có 1ha trồng xoài, ngoài ra ông còn liên kết đầu tư giống, vật tư 15ha và thu mua lại từ những hộ này. Trước đây các hộ mỗi người làm một kiểu, nhiều giống xoài khác nhau nên khó làm thương hiệu.

Được sự quan tâm từ các cấp chính quyền, Hội ND các cấp, các thành viên đã tự nguyện đăng kí tham gia vào Chi hội. Qua mô hình này các hộ hội viên trực tiếp tham gia mô hình được nâng cao kiến thức, kỹ thuật trong việc sản xuất theo chuỗi, hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, ổn định.

“Hiện Chi hội nghề nghiệp làm vườn ấp An Thạnh, xã Hoà Bình có 30 thành viên với 32ha đất sản xuất, việc chuyển đổi giống mới vào thay thế dần trên diện tích xoài hiện hữu được tất cả các thành viên nhất  trí, cùng với sự hỗ trợ một phần kinh phí của T.Ư Hội NDVN để giải quyết giống, vật tư… cho mô hình,  hy vọng vài năm nữa, mô hình sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao, thương hiệu trái xoài Cát Chu sẽ là nông sản tiêu biểu của địa phương”, ông Nguyễn Long Định kì vọng.

 

Theo Langmoi.vn (Hoàng Tuấn)