Nông nghiệp An Giang theo hướng hiện đại
Cùng với sự quan tâm và chỉ đạo kịp thời của cả hệ thống chính trị và sự đồng tình ủng hộ của nhân dân, nông nghiệp An Giang đã đạt nhiều kết quả tích cực, lấy lại đà tăng trưởng, hướng đến các mục tiêu tái cơ cấu ngành...
Năm 2018, sản xuất nông nghiệp cơ bản gặp thuận lợi về thị trường, giá lúa, cá duy trì ở mức cao. Đó là thông tin được ông Nguyễn Sĩ Lâm, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh An Giang đưa ra tại hội nghị Triển khai hoạt động ngành năm 2019 vừa diễn ra.
Nhìn chung năm qua An Giang đạt tốc độ tăng trưởng chung khu vực I dự báo tăng 2,04%, trong đó ngành nông nghiệp tăng 0,55%; ngành lâm nghiệp -2,7%, ngành thuỷ sản tăng 15,56%, giá trị sản xuất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản trên 1ha đạt 170 triệu đồng. Tỷ lệ dân số nông thôn được cung cấp nước sạch, nước hợp vệ sinh đạt 89%, số xã đạt chuẩn xã nông thôn mới 50/119 xã.
Ông Nguyễn Sĩ Lâm cho biết, tiếp tục sự thắng lợi đó, năm 2019 nông nghiệp An Giang tiếp tục đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững, tăng trưởng hợp lý, sản xuất hàng hóa lớn trên cơ sở tái cơ cấu ngành, sản phẩm gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo chiều sâu. Nâng cao hàm lượng chất xám và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp cùng với việc nâng cao giá trị canh tác và thu nhập của nông dân. Thực hiện tái cơ cấu ngành gắn với xây dựng nông thôn mới, nâng cao thu nhập và đời sống của dân cư nông thôn, chủ động phòng chống thiên tai, bảo vệ môi trường.
Trước mắt chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trong đó tập trung chuyển dịch đất lúa kém hiệu quả sang trồng những loại cây hoa màu có giá trị kinh tế cao hơn. Dự kiến sẽ tăng hơn 2.000 ha các loại cây như khoai cao, sen, đậu tương, ngô non, ớt, rau ăn lá... từ diện tích lúa kém hiệu quả.
Trong sản xuất lúa, An Giang sẽ áp dụng chương trình “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm’; mở rộng áp dụng GlobalGAP, VietGAP để giảm giá thành, nâng cao năng suất và lợi nhuận cho nông dân; tập trung triển khai tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo và thay đổi cơ cấu giống lúa gieo trồng theo hướng tăng những giống lúa chất lượng cao có thương hiệu được doanh nghiệp bao tiêu với giá mua được đặt trước.
Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao ở An Giang.
Trong năm 2019, ngành nông nghiệp An Giang dành trên 70% diện tích sử dụng giống lúa chất lượng cao phục vụ cho xuất khẩu, giảm mật độ sạ, giảm bón lượng phân đạm dư thừa, giảm sử dụng thuốc trừ sâu.
Trong đó đẩy mạnh áp dụng đồng bộ các mô hình, các giải pháp tổng hợp trong sản xuất lúa. Tập trung nâng chất chương trình “1 phải, 5 giảm”, triển khai các mô hình “1 phải, 5 giảm” kết hợp trồng hoa trên bờ ruộng nhằm xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa lớn bền vững đảm bảo an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường.
Tiếp tục thực hiện và nhân rộng các mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị, nhân rộng mô hình cánh đồng lớn, gắn với thực hiện các mô hình kinh tế hợp tác của HTX kiểu mới, liên kết từ cung ứng đầu vào và tiêu thụ sản phẩm đầu ra trong sản xuất và cung cấp các dịch vụ khác. Đánh giá, tổng kết vai trò kinh tế hợp tác của các HTX kiểu mới. Tổ chức thực hiện hiệu quả đề án “Phát triển 15.000 HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả” của Trung ương.
Song song đó, triển khai nhanh đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp; ưu tiên phát triển các sản phẩm chủ lực công nhận mới 4 vùng nông nghiệp công nghệ cao gồm: Vùng lúa nếp Phú Tân, vùng lúa giống Lộc Trời, vùng rau màu Kiến An, vùng cây ăn quả Chợ Mới.
Hướng dẫn các doanh nghiệp Tập đoàn Lộc Trời, Việt Úc và một số doanh nghiệp tiêu biểu khác tại tỉnh thực hiện hồ sơ đề nghị công nhận doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao. Dự kiến phê duyệt thêm 10 dự án nông nghiệp công nghệ cao.
Phối hợp phổ biến thông tin, triển khai áp dụng chính sách cho vay ưu đãi, hỗ trợ lãi suất, bảo lãnh tín dụng cho cá nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác, hộ kinh doanh, HTX, liên hiệp HTX thực hiện sản xuất kinh doanh thuộc 8 nhóm sản phẩm nông nghiệp được quy hoạch sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao.
An Giang đẩy mạnh phát triển nông nghiệp hàng hóa theo chiều sâu
Trong đó tập trung triển khai thực hiện những quy hoạch vùng sản xuất chuyên canh ứng dụng công nghệ cao đã được UBND tỉnh phê duyệt và lựa chọn sản xuất một số sản phẩm công nghệ cao mà thị trường cần, mang lại hiệu quả kinh tế cao, tăng thu nhập cho người nông dân, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm phục vụ xuất khẩu.
Tận dụng tối đa thành tựu của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 để tạo ra những giống cây trồng, vật nuôi mới nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và bảo vệ môi trường sinh thái.
Theo Hoàng Vũ, Nongnghiep.vn.
Tin khác
- Khảo sát Chỉ số đánh giá chất lượng dịch vụ, vật tư nông nghiệp
- Hội thi Sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu tỉnh An Giang lần thứ VII/2024
- Một tỷ phú An Giang trồng lúa theo kiểu "mặt ruộng không dấu chân" là Nông dân Việt Nam xuất sắc 2024
- Phú Tân triển khai Đề án 01 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao trong vụ Thu Đông 2024 với diện tích 100 hecta
- Phú Thọ xuống giống 05 héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao.
- Xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu Nếp Phú Tân