Phú Thọ xuống giống 05 héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao.
Thực hiện Kế hoạch Đề án phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 của tỉnh An Giang.
Sáng ngày 17/8, Hội Nông dân xã Phú Thọ, Phú Tân phối hợp các ngành có liên quan và nông dân, xuống giống 05 héc-ta nếp.
Toàn bộ diện tích 05 héc-ta gieo sạ đảm bảo quy trình canh tác bền vững: lượng giống (IR4625) gieo sạ là 100 kg/héc-ta (theo quy trình là từ 80-100 kg/héc-ta); đảm bảo giảm 20% lượng phân bón hóa học; đồng thời cũng giảm 20% lượng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học; giảm 20% lượng nước tưới so với canh tác truyền thống. Cam kết 100% diện tích áp dụng ít nhất một quy trình canh tác bền vững như: 1 phải 5 giảm, tưới ngập khô xen kẽ, tiêu chuẩn sản xuất lúa bền vững (Sustainable Rice Platform - SRP), các tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt được chứng nhận và được cấp mã số vùng trồng.
Bên cạnh đó, do đã được triển khai, tập huấn từ trước, nên nông dân cũng nắm vững kiến thức từ sổ tay hướng dẫn quy trình, đảm bảo các bước: làm đất: áp dụng cơ giới hóa đồng bộ và san phẳng mặt ruộng phù hợp; quản lý nước: theo nguyên tắc tiết kiệm và giảm phát thải khí nhà kính (không để ruộng bị ngập quá 30 ngày trước khi xuống giống; gieo sạ: áp dụng cơ giới hóa gieo sạ (sạ bằng máy drone - với khả năng bay lượn linh hoạt, máy bay có thể sạ lúa đều đặn trên khắp cánh đồng, đảm bảo mật độ gieo hạt đồng nhất, giúp cây lúa phát triển đồng đều, hạn chế sâu bệnh và tăng năng suất. Nhờ sử dụng công nghệ định vị GPS, máy bay sạ lúa có thể hoạt động chính xác, tránh bỏ sót hay gieo sạ chồng chéo); bón phân: bón phân hợp lý và cân đối, cân đối giữa phân bón hữu cơ và vô cơ; quản lý dịch hại: sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc 4 đúng; thu hoạch và xử lý sau thu hoạch: thu hoạch đúng thời điểm, sử dụng máy gặt đập liên hợp; quản lý rơm rạ theo nguyên lý tuần hoàn.
Hướng tới, Hội Nông dân xã Phú Thọ sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Nhân dân xã và các ngành có liên quan, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, triển khai nhân rộng diện tích tham gia vào Đề án. Góp phần thực hiện thành công Kế hoạch một triệu héc-ta của Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang, chung tay thúc đẩy phát triển kinh tế, giảm chi phí, tăng lợi nhuận cho bà con nông dân nói riêng, cho ngành nông nghiệp của địa phương nói chung./.
Tin khác
- Tập huấn kỹ thuật, quy trình cấp, giám sát và quản lý mã số vùng trồng.
- Triển khai khảo sát hiện trạng an toàn vệ sinh lao động trong sản xuất lúa gạo tại An Giang
- Khảo sát Chỉ số đánh giá chất lượng dịch vụ, vật tư nông nghiệp
- Hội thi Sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu tỉnh An Giang lần thứ VII/2024
- Một tỷ phú An Giang trồng lúa theo kiểu "mặt ruộng không dấu chân" là Nông dân Việt Nam xuất sắc 2024
- Phú Tân triển khai Đề án 01 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao trong vụ Thu Đông 2024 với diện tích 100 hecta