Hội Nông dân các cấp cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền khống chế bệnh Dịch tả lợn Châu Phi
Bệnh Dịch tả lợn Châu Phi là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, khả năng gây chết lợn bệnh lên đến 100%.
Bệnh lây lan nhanh, trực tiếp từ lợn bệnh sang lợn chưa mắc bệnh, sản phẩm lợn mang mầm bệnh, hoặc gián tiếp qua các loài vật chủ trung gian mang mầm bệnh (ve mòng, côn trùng, gặm nhấm, chim di cư,...), các phương tiện vận chuyển, thức ăn chăn nuôi, dụng cụ chăn nuôi và cả yếu tố con người. Hiện nay, trên thế giới chưa có vac-xin phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị bệnh.
Theo Tổ chức Thú y thế giới (OIE), dịch tả lợn châu Phi là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus gây ra, lây lan nhanh trên loài lợn, tỷ lệ chết lên đến 100%. Bệnh không lây nhiễm và gây bệnh ở người; không gây bệnh cho các loài động vật khác. Từ năm 2017 đến tháng 2/2019, 20 quốc gia báo cáo ghi nhận bệnh dịch. Tổng cộng hơn một triệu con lợn phải tiêu hủy.
Tại Việt Nam, theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ ngày 01/02/2019 - 03/03/2019, bệnh Dịch tả lợn Châu Phi đã xảy ra tại 202 hộ, 64 thôn, 33 xã, 14 huyện của 7 tỉnh, thành phố (Thái Bình, Hưng Yên, Hải Phòng, Hải Dương, Hà Nam, Hà Nội, Thanh Hóa). Trước diễn biến phức tạp của bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, Thủ tướng Chính phủ đã ra Chỉ thị số 04/CT-TTg, ngày 20/2/2019 về việc triển khai đồng bộ các giải pháp cấp bách khống chế bệnh dịch này.
Nhằm góp phần khống chế bệnh Dịch tả lợn Châu Phi lây lan, Hội Nông dân các cấp cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền và triển khai thực hiện các nhiệm vụ sau:
Thông tin và truyền thông sâu rộng đến cán bộ, hội viên, nông dân về bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, các biện pháp phòng chống dịch, mức độ nguy hiểm theo nguyên tắc vừa bảo đảm yêu cầu phòng chống dịch bệnh, vừa bảo vệ sản xuất, tiêu thụ sản phẩm thịt lợn, hiểu đúng mức, tránh gây hoang mang trong xã hội, quay lưng với các sản phẩm thịt lợn an toàn và đảm bảo chất lượng.
Tuyên truyền, vận động để mọi cán bộ, hội viên, nông dân và những người chăn nuôi, tham gia buôn bán, giết mổ, vận chuyển lợn, sản phẩm lợn, cùng vào cuộc để kiểm soát tốt và không để dịch lây lan; thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật Thú y; phát hiện và kiến nghị cơ quan chức năng xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm và không thực hiện biện pháp chống dịch dẫn đến dịch bệnh lây lan.
Tuyên truyền để cán bộ, hội viên, nông dân không tham gia vào hoạt động buôn bán, vận chuyển lợn lậu, và tiếp tay cho buôn lậu; Hướng dẫn người chăn nuôi, phối hợp với thú y cơ sở thường xuyên theo dõi đàn lợn, áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi; vệ sinh, tiêu độc khử trùng bằng vôi bột, hóa chất; đẩy mạnh việc xây dựng cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh.
Tuyên truyền về các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với động vật nghi mắc bệnh, đã mắc bệnh, chết và buộc phải tiêu hủy để ngăn chặn dịch bệnh lây lan; giám sát việc thực hiện tại địa phương để hỗ trợ chính xác cho hộ chăn nuôi.
Thường xuyên kiểm tra, nắm bắt thông tin và kịp thời báo cáo và đề xuất với các ngành chức năng có chỉ đạo kịp thời ngăn chặn nguy cơ bệnh dịch lây lan trên diện rộng.
Hội Nông dân các cấp cần tăng cường phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành đoàn thể, nhất là với ngành nông nghiệp thực hiện tốt các nội dung trên./.
Tin khác
- Hội thi tuyên truyền viên về chính sách BHXH, BHYT.
- Hội thi “Tuyên truyền nông thôn mới và đề án một triệu hecta lúa chất lượng cao”
- Truyền thông chính sách BHXH, BHYT
- Tấm gương nông dân giỏi luôn tâm huyết với công tác xã hội từ thiện.
- Chào mừng kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam.
- Phú Tân triển khai thực hiện có hiệu quả chỉ tiêu “Cài đặt kích hoạt và sử dụng nền tảng số Việt Nam”.