Đại Hội nhiệm kỳ 2023-2028

Chủ tịch Hội Nông dân An Giang: Chi, tổ nghề nghiệp đóng vai trò quan trọng trong triển khai chuỗi liên kết sản xuất

18/12/2023 08:26

Trước thềm Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội NDVN lần thứ VIII (nhiệm kỳ 2023-2028)

Phòng viên Báo điện tử Dân Việt có bài phỏng vấn ông Nguyễn Văn Nhiên – Chủ tịch Hội ND tỉnh An Giang về kết quả thực hiện Nghị quyết Hội NDVN nhiệm kỳ VII, cũng như kế hoạch hành động của Hội ND tỉnh An Giang trong thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ.

Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội VII Hội Nông dân Việt Nam?

 Ông Nguyễn Văn Nhiên – Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh An Giang. Ảnh: HC

- Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Ban Chấp hành T.Ư Hội NDVN đã kịp thời lãnh đạo tổ chức quán triệt, xây dựng Chương trình hành động triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII, nhiệm kỳ 2018 - 2023; chỉ đạo các tỉnh, thành Hội tổ chức học tập, quán triệt, xây dựng chương trình hành động và triển khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết. Hầu hết các mục tiêu, nhiệm vụ và chỉ tiêu thi đua công tác Hội và phong trào nông dân mà Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII đề ra đều đạt và vượt.

Đạt được những kết quả trên có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là: Có sự quan tâm lãnh đạo toàn diện của Đảng, Nhà nước; sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ và chính quyền các cấp; sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, Ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể ở Trung ương, địa phương; những thuận lợi, cơ hội của bối cảnh quốc tế và điều kiện trong nước đã tạo luồng sinh khí mới, điều kiện thuận lợi cho hoạt động công tác Hội và phong trào nông dân trong phát triển nông nghiệp, nông thôn; sự đổi mới trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của BCH T.Ư Hội và Hội ND các cấp; sự nỗ lực, phấn đấu của toàn thể cán bộ, hội viên, nông dân cả nước.

Bên cạnh những thành tựu đạt được, 5 năm qua sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn, thách thức do thiên tai, bão lụt, xâm nhập mặn, nhất là đại dịch Covid-19 xảy ra đã ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất nông nghiệp và đời sống của nông dân. 

Nông nghiệp phát triển chưa bền vững, năng suất lao động thấp, sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún; kinh tế HTX, tổ hợp tác (THT) phần lớn có quy mô nhỏ, năng lực nội tại còn yếu; hợp tác, liên kết sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị chưa nhiều, tính bền vững và giá trị gia tăng chưa cao; khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo chưa trở thành động lực chính để phát triển nông nghiệp. 

Dự báo, thông tin về thị trường sản xuất, tiêu thụ nông sản còn hạn chế, tình trạng ùn ứ nông sản xuất khẩu chậm được khắc phục; công tác quản lý an toàn thực phẩm, chất lượng vật tư nông nghiệp hiệu quả chưa cao; thực hiện bảo hiểm nông nghiệp cho nông dân chưa tốt.

Lãnh đạo HND tỉnh An Giang thăm mô hình nông dân sản xuất kinh doanh giỏi trên địa bàn tỉnh. Ảnh: HC

Xin ông cho biết, thực hiện Chủ trương, Nghị quyết của BCH T.Ư Hội NDVN, trong nhiệm kỳ qua Hội Nông dân tỉnh An Giang đã thành lập được bao nhiêu chi, tổ hội nghề nghiệp, câu lạc bộ nông dân?

-Triển khai thực hiện Nghị quyết số 04, ngày 5/8/2019 của BCH T.Ư Hội NDVN khóa VII về đẩy mạnh xây dựng Chi Hội ND nghề nghiệp, Tổ Hội ND nghề nghiệp, trong những năm qua, BTV Hội ND tỉnh An Giang xác định: THT, chi tổ Hội ND nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh An Giang đóng vai trò quan trọng, là đại diện không thể thiếu của tổ chức nông dân An Giang trong việc triển khai thực hiện chuỗi liên kết sản xuất với các công ty, doanh nghiệp tại các vùng nguyên liệu tham gia thực hiện chuỗi liên kết.

Nhận thức tầm quan trọng và ý nghĩa của việc liên kết, từ đó, Hội ND tỉnh đã chỉ đạo Hội ND các cấp chủ động hướng dẫn, thành lập các chi, tổ Hội ND nghề nghiệp. Đến nay, toàn tỉnh đã thành lập được 173 chi Hội ND nghề nghiệp và 1.226 tổ Hội ND nghề nghiệp với 8.725 thành viên, cơ bản đạt được kỳ vọng Tỉnh hội đã đề ra.

Đặc biệt, trong năm 2023, BTV Hội ND dân tỉnh chủ động ký kết thỏa thuận hợp tác với Tập đoàn Lộc Trời, phấn đấu đến năm 2030 thành lập mới 200 chi Hội ND nghề nghiệp tại các vùng nguyên liệu và bao tiêu sản phẩm cho nông dân, hình thành chuỗi giá trị nông sản bền vững.

Bên cạnh kết quả đạt được, Hội ND tỉnh đã xác định vai trò then chốt của THT, chi tổ Hội ND nghề nghiệp là tổ chức đại diện nông dân không thể thiếu trong thực hiện chuỗi liên kết sản xuất. Do đó, tại các tiểu vùng tham gia thực hiện chuỗi liên kết với các công ty, doanh nghiệp, HND cơ sở đã chủ động thành lập các THT, đến nay, toàn tỉnh có 1.087 THT (lúa 225 tổ, rau màu 142 tổ, cây ăn trái 176 tổ, còn lại là lĩnh vực khác), với 15.925 thành viên; 173 chi Hội ND nghề nghiệp và 1.226 tổ Hội ND nghề nghiệp với 8.725 thành viên; tham gia củng cố, vận động thành lập mới được 99 HTX nông nghiệp, nâng tổng số toàn tỉnh có 211 HTX nông nghiệp với 18.999 thành viên. Đồng thời, tham gia vận động thành lập 2 Liên hiệp HTX tại huyện Thoại Sơn và Tri Tôn.

Hiện nay toàn tỉnh An Giang đã thành lập được 173 chi HND nghề nghiệp và 1.226 tổ HND nghề nghiệp. Ảnh: HC

Thưa ông, ông có thể giới thiệu một vài Chi hội, tổ hội nghề nghiệp phát huy được hiệu quả hoạt động trong thời gian qua?

-Có thể khẳng định hiệu quả hoạt đông của chi hội, tổ hội nghề nghiệp rất lớn đối với hội viên, nông dân tỉnh An Giang. Điển hình là 3 chi hội, tổ hội nghề nghiệp phát huy được hiệu quả hoạt động, gồm Chi hội "Rau an toàn" Ấp Long Thuận, xã Long Giang, Huyện Chợ Mới, được thành lập vào ngày 3/10/2018, với quy mô 4,4 ha/16 thành viên, doanh thu mỗi năm xấp xỉ 2,1 tỷ đồng, giải quyết gần 20 lao động nông thôn cho mỗi đợt thu hoạch. Sản phẩm được tiêu thụ tại các siêu thị, bách hóa, nhà hàng trong và ngoài tỉnh. Sau 5 năm hoạt động, Chi hội đã phát triển thành lập HTX "Rau an toàn" vào tháng 10/2023.

Hay chi hội nghề nghiệp "Bó chổi "xã Phú Bình, huyện Phú Tân. Làng nghề Bó chổi được công nhận làng nghề tiểu thủ công nghiệp vào năm 2006 và phát triển lớn mạnh như ngày nay, với trên 345 hộ sản xuất kinh doanh, với 5 cơ sở sản xuất lớn và hơn 100 cơ sở nhỏ lẻ, thu hút hơn 1.000 lao động. Năm 2020, Hội ND tỉnh đã vận động huyện triển khai thực hiện việc thành lập Chi Hội ND nghề nghiệp bó chổi xã Phú Bình với 15 thành viên, đến nay, đã phát triển thêm 20 thành viên. Chi hội đã giải quyết việc làm ổn định cho trên 100 lao động tại địa phương, thu nhập bình quân từ 5,5-6 triệu đồng/người/tháng.

Thêm một chi hội nổi bật nữa là chi hội "Sản xuất nếp" xã Hiệp Xương – huyện Phú Tân". Được thành lập tháng 6/2022, hiện có 15 thành viên, doanh thu 1 năm khoảng 3,5 tỷ đồng/70 ha, giải quyết việc làm cho hơn 140 lao động nhàn rỗi ở nông thôn vào mỗi đợt thu hoạch.  Thực hiện Thỏa thuận hợp tác giữa Sở Nông nghiệp và PTNT, Hội ND tỉnh, Liên minh HTX và Công ty cổ phần tập đoàn Lộc trời về việc hợp tác xây dựng vùng nguyên liệu theo chuỗi giá trị liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa, nếp, dịch vụ nông nghiệp, chuyển đổi số trên địa bàn, chi hội "Sản xuất nếp" đã ký hợp đồng liên kết với Tập đoàn Lộc Trời để tiêu thụ 70 ha nếp trong năm 2022 và tiếp tục thực hiện trong 2023. Hướng tới, Chi hội đang mở rộng các hoạt động dịch vụ với định hướng phát triển thành HTX.

Chi hội nghề nghiệp "Bó chổi" xã Phú Bình, huyện Phú Tân hoạt động hiệu quả, với 35 thành viên, giải quyết việc làm, thu nhập ổn định cho gần 1.000 lao động tại địa phương. Ảnh: HC

Để tiếp tục phát huy hiệu quả, thành lập mới nhiều hơn nữa tổ chức hội ở cơ sở, Hội Nông dân tỉnh An Giang có những đề xuất, kiến nghị gì, thưa ông?

-Nghị quyết đại hội đại biểu Hội ND tỉnh An Giang lần thứ X đã xác định mục tiêu: Xây dựng tổ chức Hội ND tỉnh An Giang trong sạch, vững mạnh toàn diện; nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ Hội các cấp có phẩm chất chính trị, đạo đức, trình độ, năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới; phát huy tinh thần khởi nghiệp của nông dân, nhất là lực lượng doanh nhân nông thôn hợp tác sản xuất, nâng cao chất lượng, giá trị, sức cạnh tranh sản phẩm, xây dựng nông thôn mới.

Đến 2028 phấn đấu thu nhập nông dân của tỉnh bằng bình quân các tỉnh trong khu vực phía Nam; góp phần phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng nông thôn mới, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI và các nhiệm vụ trọng tâm do Ban Chấp hành T.Ư Hội NDVN đề ra đến 2028.

Do đó, để cụ thể hóa các mục tiêu và chỉ tiêu nghị quyết đại hội đã đề ra cũng như tiếp tục triển khai có hiệu quả việc thành lập THT, HTX và chi tổ Hội ND nghề nghiệp, trong thời gian tới, BTV Hội ND tỉnh sẽ triển khai thực hiện các giải pháp đồng bộ, cụ thể như sau:

Một là, chủ trì, phối hợp các đơn vị có liên quan tổ chức Hội nghị sơ kết, tổng kết đánh giá việc thành lập THT, HTX và chi tổ Hội ND nghề nghiệp, đánh giá kết quả đạt được, những mặt còn hạn chế, tìm ra nguyên nhân, đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để tiếp tục triển khai và nhân rộng mô hình, góp phần tạo động lực phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn tỉnh An Giang trong thời gian tới.

Hai là, tổ chức các hoạt động đào tạo, tập huấn cho các THT, HTX và chi tổ Hội ND nghề nghiệp nắm các quy định về pháp lý về thành lập tổ chức, cơ chế quản lý và hoạt động….; nâng cao nhận thức cho các hộ nông dân về kiến thức sản xuất, tìm kiếm thị trường và liên kết trong sản xuất kinh doanh…..

Ba là, phối hợp chính quyền vận động, hình thành các cánh đồng liên kết liền kề phù hợp với quy hoạch, có đường giao thông thủy thuận lợi hoặc đầu tư đường giao thông thủy thuận lợi phục vụ công tác vận chuyển, phơi sấy, tồn trữ.

Bốn là, tăng cường năng lực triển khai việc liên kết, hợp tác của các THT, HTX, chi, tổ Hội ND nghề nghiệp nhằm phát huy hơn nữa vai trò chủ động trong việc liên kết, hợp tác, hỗ trợ thành viên và cộng đồng địa phương.

Năm là, thường xuyên tổ chức các trao đổi, lắng nghe các vướng mắc khó khăn của các hộ nông dân để tìm kiếm các giải pháp hỗ trợ kịp thời, phù hợp trong việc thành lập THT, HTX và chi tổ Hội ND nghề nghiệp.

 

 HND tỉnh An Giang tiếp tục triển khai và nhân rộng mô hình chi, tổ HND nghề nghiệp, góp phần tạo động lực phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn tỉnh An Giang trong thời gian tới. Ảnh: HC

Sáu là, chủ động phối hợp các địa phương, ngân hàng chính sách xã hội, các tổ chức tín dụng để hỗ trợ nguồn vốn, thúc đẩy hoạt động và phát triển sản xuất kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ nông nghiệp trên địa bàn tỉnh An Giang.

Bảy là,tham mưu các cấp ủy, chính quyền địa phương đề xuất, ban hành các quy định có liên quan đến việc thành lập THT, HTX và chi tổ Hội ND nghề nghiệp. Đồng thời, căn cứ quy định của T.Ư tham mưu Tỉnh ban hành các chính sách có liên quan nhằm hỗ trợ kinh phí hoạt động cho các THT, HTX và chi tổ Hội ND nghề nghiệp.

-Xin ông cho biết, kế hoạch hành động của Hội Nông dân tỉnh An Giang trong thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ đã được đề ra trong Nghị quyết?

- Tiếp tục tập trung quán triệt và triển khai thực hiện tốt Nghị quyết số 19-ND/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045; Nghị quyết số 20-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới, đồng thời, cụ thể hóa các mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết đại hội lần thứ X nhiệm kỳ 2023-2023, trong những năm tới, Ban Thường vụ Hội ND tỉnh sẽ chủ động, tích cực triển các thực hiện các nhiệm vụ, cụ thể: 

Một là, xây dựng đội ngũ cán bộ Hội các cấp đảm bảo số lượng, chất lượng,nhất là quan tâm đến đội ngũ cán bộ Hội cấp cơ sở, chi Hội; chăm lo xây dựng đội ngũ Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Hội ND các cấp có đủ năng lực, bản lĩnh chính trị đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới...

Đẩy mạnh đào tạo, đào tạo lại và bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, lý luận chính trị, tin học, ngoại ngữ, kỹ năng nghiệp vụ cho cán bộ Hội các cấp; chú trọng bồi dưỡng, phổ biến, tập huấn cho cán bộ Hội chuyên trách và Chi hội trưởng chi Hội ND...

Hai là, phát huy vai trò chủ động, sáng tạo của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, người đứng đầu các cấp Hội trong chỉ đạo, tổ chức hoạt động Hội phù hợp với thực tiễn phong trào nông dân ở từng địa phương; thực hiện tốt vai trò Hội ND là cầu nối giữa nông dân với doanh nghiệp, nhà khoa học và nhà nước trong thực hiện các đề án, dự án phát triển kinh tế, xã hội ở nông thôn gắn với công tác tuyên truyền, vận động, mang lại lợi ích thiết thực cho nông dân; đẩy nhanh chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả hoạt động công tác Hội.

Ba là, hỗ trợ, hướng dẫn hội viên, nông dân phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp mới, các mô hình liên kết, hợp tác theo chuỗi giá trị; các mô hình kinh tế hiệu quả trong nông nghiệp, nông thôn.

Bốn là, hướng dẫn, hỗ trợ hội viên, nông dân tham gia phát triển các hình thức kinh tế tập thể trong nông nghiệp, nông thôn; THT, HTX xã sản xuất ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Theo (danviet.vn)