Hoạt động Hội

Nông dân hướng đến canh tác lúa thân thiện môi trường

21/03/2024 11:11

Dự án "Thúc đẩy tiếp cận an sinh xã hội và điều kiện lao động tốt hơn cho nữ nông dân và lao động thời vụ nông nghiệp trong chuỗi giá trị tôm và lúa gạo Việt Nam" (dự án ASXH) thuộc Trung ương Hội Nông dân Việt Nam.

Dự án ASXH này do chính phủ Bỉ tài trợ, và tại Việt Nam được tổ chức Oxfam tài trợ và quản lý. Hội Nông dân Việt Nam là đoàn thể chính trị - xã hội của giai cấp nông dân, chính vì thế tổ chức Oxfam chọn Hội Nông dân Việt Nam hợp tác triển khai thực hiện Dự án tại 5 tỉnh khu vực ĐBSCL gồm: An Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang và Sóc Trăng có số lượng diện tích nuôi trồng tôm, lúa gạo lớn nhất nước. Tại An Giang, Ban Quản lý dự án đã chọn 02 huyện Tri Tôn và Thoại Sơn để triển khai thực hiện, trong đó bao gồm các xã, thị trấn: Tân Tuyến, Tà Đảnh, Cô Tô, Lương An Trà, Phú Thuận, Phú Hòa, Vĩnh Chánh và Vĩnh Khánh.

 

Thực hiện công văn số 03-CV/ASXH ngày 11/3/2024 của Ban Quản lý dự án ASXH Trung ương Hội Nông dân Việt Nam. Từ ngày 18 đến ngày 20/3/2024, Ban Quản lý dự án ASXH phối hợp Hội Nông dân tỉnh tổ chức lớp tập huấn kỹ thuật canh tác lúa thân thiện môi trường tại TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang.

Thành phần tham gia lớp tập huấn gồm các cán bộ Ban Quản lý dự án ASXH Hội Nông dân tỉnh, cán bộ Hội Nông dân huyện, cán bộ Hội Nông dân xã, thị trấn thuộc 02 huyện Tri Tôn và Thoại Sơn, thành viên nòng cốt thuộc các tổ nhóm trồng lúa tham gia Dự án. Với số lượng 32 học viên tham dự, trong đó tỷ lệ nữ tham gia lớp tập huấn chiếm 40% trên tổng số.

Mục tiêu lớp tập huấn nhằm giúp cán bộ Hội Nông dân các cấp học được phương pháp, kỹ năng, điều hành, tổ chức thực hiện các lớp học đầu bờ, thực hành hướng dẫn người nông dân nắm vững các kiến thức về kỹ thuật canh tác lúa thân thiện với môi trường, thuyết phục nông dân tham gia áp dụng tại địa phương.

Lớp tập huấn, các học việc vinh dự được các Phó giáo sư, tiến sỉ đến từ Viện nghiên cứu phát triển Đồng bằng Sông Cửu Long thuộc trường Đại học Cần Thơ trình bày giảng dạy qua các chuyên đề: khái niệm và lợi ích từ kỹ thuật canh tác lúa thân thiện môi trường, kỹ thuật sử dụng xử lý rơm rạ đảm bảo môi trường, kỹ thuật sử dụng phân bón hợp lý hiệu quả an toàn, kỹ thuật sử dụng nguồn nước và tưới nước tiết kiệm chống thất thoát, phương pháp thiết kế chương trình tập huấn đầu bờ hiệu quả,…

Sau 03 ngày tập huấn, các học viên đã tham gia các buổi thực hành chia nhóm thảo luận, tự thuyết trình báo cáo bài giảng và được đánh giá đều đạt kết quả tốt. Tất cả đều được cấp chứng nhận hoàn thành khóa học.

 

Được biết sau lớp tập huấn này, từ việc tiếp thu các kiến thức, kỹ năng, phương pháp đã học được, các cán bộ Hội sẽ về cơ sở địa phương mình tổ chức các lớp tập huấn đầu bờ cho các tổ nhóm nông dân trồng lúa hướng dẫn áp dụng kỹ thuật canh tác lúa thân thiện với môi trường, góp phần hoàn thành mục tiêu chính của Dự án đã đề ra.

 

 

Nhựt Quang