Tình hình tư tưởng, tâm trạng nông dân, các đề xuất tại hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ Đảng bộ tỉnh An Giang
Thực hiện chức năng, nhiệm vụ tổ chức Hội trong đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của hội viên, nông dân và nhiệm vụ Tỉnh ủy phân công.
Hội Nông dân đã đề xuất và được Tỉnh Ủy, UBND tỉnh đồng ý để Hội tiến hành khảo sát, ghi nhận tình hình tư tưởng, tâm trạng nông dân hàng tháng, hàng quý và năm về tình hình nông nghiệp, nông dân, nông thôn cùng một số vấn đề khác. Qua đó kịp thời báo cáo, đề xuất Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Tỉnh ủy, HĐND - UBND tỉnh có chủ trương, giải pháp phù hợp.
Để các nội dung ghi nhận được đầy đủ, đa dạng trên các lĩnh vực, phản ánh kịp thời với Hội cấp trên và Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Hội Nông dân tỉnh đã có nhiều hình thức để ghi nhận phản ảnh như: ký kết chương trình phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng như Báo An Giang với chuyên mục nông dân 2 tuần lần cùng các tin ngắn hàng ngày trên báo, với Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh qua chuyên mục Nông dân thời hội nhập phát hàng tuần vào tối thứ hai sau thời sự Đài Tiếng nói Việt Nam cùng các tin ngắn trong thời sự hàng ngày; trên cổng thông tin điện tử cơ quan Hội Nông dân tỉnh và các báo cáo hàng tháng của Hội Nông dân 152 phường, xã, thị trấn và Hội Nông dân huyện cùng báo cáo của trên 350 lực lượng nòng cốt, cốt cán ở 11 huyện - thị - thành.
Để nội dung ghi nhận được chính xác, nhanh chóng, báo cáo kịp thời với lãnh đạo và cơ quan chức năng; hàng tháng Hội đều có định hướng chương trình phối hợp ghi nhận và phản ánh thông tin, nội dung tuyên truyền với Báo, Đài, cổng thông tin điện tử của Hội và những nội dung cần ghi nhận, phản ánh của lực lượng nòng cốt.
Phân công 1 đồng chí trong thường trực cùng Ban Tuyên giáo cơ quan xây dựng nội dung tuyên truyển, định hướng và chọn lọc, tổng hợp các thông tin phản ánh từ cán bộ Hội các cấp, hội viên, nông dân; xây dựng lực lượng tuyên truyền của huyện và cơ sở, tổ chức tập huấn về nghiệp vụ và kỹ năng tuyên truyền, phát biểu trước đám đông, kỹ năng nắm dư luận và tổng hợp báo cáo cho cán bộ Hội các cấp hàng năm để nâng cao năng lực cho cán bộ. Đồng thời còn tổ chức các cuộc khảo sát hàng quý đối với đối tượng là cán bộ Hội cơ sở, chi hội trưởng, chủ nhiệm câu lạc bộ nông dân, nông dân giỏi, nông dân là thành viên lực lượng nòng cốt ở cơ sở những vấn đề có liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn và tâm trạng nông dân. Từ đó, làm cơ sở tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền những giải pháp nhằm tháo gỡ những khó khăn vướng mắc mà nông dân đang gặp phải. Đồng thời giúp Hội có giải pháp cụ thể hơn trong các hoạt động Hội và phong trào nông dân hàng năm.
Từ những cách làm trên trong nữa nhiệm kỳ qua, đã kịp thời ghi nhận như sau:
Về tình hình kinh tế - xã hội:
Hầu hết các ý kiến qua ghi nhận hàng năm đều phản ánh tâm trạng đồng tình với những chủ trương, Nghị quyết của Đảng, quan tâm theo dõi và đồng tình việc ban hành các Bộ luật, luật của Quốc Hội và các quyết định, chính sách của Nhà nước. Đồng tình với các chủ trương, Nghị quyết của Tỉnh ủy, các Nghị quyết của HĐND tỉnh, quyết định của UBND tỉnh nhất là các Nghị quyết, quyết định về đầu tư phát triển nông nghiệp, tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thực hiện cánh đồng lớn; nông dân rất phấn khởi với những nổ lực của lãnh đạo tỉnh, cấp ủy, chính quyền các cấp trong thực hiện cải cách hành chính, ban hành nhiều chính sách thu hút doanh nghiệp, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất, giải quyết lao động nông thôn - nhất là trong lĩnh vực sản xuất nông nnghiệp (năm 2016 có 46.000ha lúa được các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh liên kết tiêu thụ, năm 2017 có 47 doanh nghiệp liên kết 29 hợp tác xã, 31 tổ hợp tác với diện tích liên kết tiêu thụ lúa trên 33,500ha trong đó có 2 doanh nghiệp tham gia thành lập 5 hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới; năm 2018 vụ Đông Xuân có 20 doanh nghiệp liên kết tiêu thụ 23.300ha lúa, vụ Hè Thu có hơn 19.000ha được liên kết tiêu thụ - giá thu mua cả 2 vụ đều cao hơn thị trường từ 50-100đ/kg). Từ đó tích cực mở rộng sản xuất, phấn khởi trước thành tựu đổi mới của đất nước, của tỉnh - nhất là việc chỉnh trang đô thị, nâng cấp giao thông nông thôn, sữa chữa và cất nhà cho hộ nghèo, trang bị xe cứu thương phục vụ chuyển bệnh miễn phí cho người dân đã tạo điều kiện thuận lợi trong đi lại, vận chuyển hàng hóa phục vụ sản xuất, đời sống, chăm sóc sức khỏe tốt hơn cho nngười dân. Đặc biệt chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới đã làm thay đổi bộ mặt nông thôn, nâng cao nhận thức nông dân trong chuyển đổi sản xuất, xây dựng gia đình văn hóa, tham gia các hoạt động giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ môi trường sống.
Để làm rõ hơn những vấn đề mà nông dân quan tâm và tâm tư, nguyện vọng của nông dân với Đảng, Nhà nước. Năm 2018 là năm hội nghị giữa nhiệm kỳ của Đảng bộ tỉnh và là năm tổ chức đại hội đại biểu Hội Nông dân các cấp; Hội Nông dân tỉnh đã tiến hành 2 cuộc khảo sát qua việc lấy ý kiến trực tiếp vào tháng 5/2018 và khảo sát bằng phiếu vào tháng 10/2018 đối với trên 450 đối tượng là cán bộ Hội Nông dân cơ sở, chủ nhiệm câu lạc bộ nông dân, chi Hội trưởng và nông dân giỏi, lực lượng nòng cốt ở 11 huyện - thị - thành về tình hình kinh tế-xã hội của tỉnh năm 2018 cùng một số vấn đề về chuyển đổi sản xuất, thực hiện dân chủ cơ sở, mức độ tiếp cận chủ trương, Nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Kết quả có trên 80% bày tỏ phấn khởi về tình hình phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh trong thời gian qua, về thay đổi thuận lợi trong giao thông ở nông thôn. Trên 97% cho rằng, hiện nay ở địa phương vấn đề chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi từ lúa, vườn tạp chuyển sang vườn cây ăn trái, trồng màu, trồng rau trong nhà lưới,.v.v. Sản xuất nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao và an toàn thực phẩm, áp dụng cơ giới hóa vào đồng ruộng... đang có chiều hướng phát triển. Trên 70% cho rằng thu nhập người dân có tăng hàng năm, trong đó năm 2018 giá lúa và cá đều tăng giúp nông dân có thu nhập ổn định hơn; phong trào nông dân thi đua sản xuất-kinh doanh giỏi đã tác động và có sức hút rất lớn đến với nông dân trong quá trình sản xuất và xây dựng nông thôn mới; 86,5% thể hiện sự quan tâm và hưởng ứng trong thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Có trên 85% cho rằng công tác tuyên truyền của cấp ủy, các ngành, đoàn thể trong thời gian qua đã có nhiều đổi mới hơn, nhanh chóng hơn, góp phần tích cực đưa chủ trương, Nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến với nông dân; giúp nông dân nhận thức rõ hơn vai trò, trách nhiệm của mình, tích cực cùng địa phương chung sức, chung lòng trong các công trình xây dựng ở địa phương. Trong thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, có 97% cho biết bình quân tham dự từ 2-6 lần các cuộc họp do địa phương tổ chức trong năm. Ngoài ra, họ còn được tuyên truyền về các vấn đề liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn; tuyên truyền về phòng chống tệ nạn xã hội,...Phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” đã được phát huy cao ở các địa phương. Người dân luôn được tham gia vào bàn bạc việc xây dựng và phát triển ở địa phương, cũng như tham gia xét chọn gia đình văn hóa. Những vấn đề về quy hoạch sản xuất, xây dựng khu dân cư, xây dựng đường giao thông, xây dựng các công trình và lộ trình nông thôn mới địa phương đều đưa ra lấy ý kiến trong dân và thông tin cho người dân nắm.
Những vấn đề người dân còn buân khuân lo lắng:
Bên cạnh những ghi nhận tích cực, Hội cũng ghi nhận một số ý kiến phản ảnh tâm trạng buân khoăn, lo lắng của nông dân trong sản xuất như:
Trong thời gian qua các địa phương đã làm tốt công tác tuyên truyền và vận động người dân về chuyển đổi sản xuất. Tuy nhiên có hơn 33% còn thể hiện lo lắng về tình trạng tự phát trong sản xuất, thiếu thông tin trong sản xuất sẽ ảnh hưởng đến đầu ra cùng vấn đề thiếu vốn để chuyển đổi sản xuất, đang là những băn khoăn, lo lắng của nông dân.Đa số cho rằng việc chuyển đổi sản xuất trong nông nghiệp phải tính đến hiệu quả mang lại của từng địa phương; chọn giống cây trồng, vật nuôi có hiệu quả kinh tế cao và sản xuất phải theo quy hoạch của từng địa phương, không sản xuất theo phong trào để tránh tình trạng vừa thiếu, vừa thừa hàng hóa.
Bên cạnh, nông dân cũng bày tỏ sự quan tâm về tình hình giá cả vật tư nông nghiệp được liên tục tăng cao hơn so với năm 2017 và 2016. Nông dân cho rằng ngoài giá nhập khẩu tăng, các doanh nghiệp trong nước không sản xuất đủ vật tư nông nghiệp, riêng mặt hàng phân bón trong năm 2018, còn có tình trạng một số đại lý cố tình găm hàng, tạo tình trạng khan hiếm để đẩy giá lên gần gấp đôi so với trước!
Phần lớn đối tượng được khảo sát cho biết nông dân đã được tiếp cận với nguồn vốn vay theo Nghị định 55 của Chính phủ, nhưng việc tiếp cận vốn từ Nghị quyết 40 của Hội đồng Nhân dân tỉnh là còn chậm và ít. Đây là điều rất đáng quan tâm.
Các đề xuất:
Việc chuyển đổi từ sản xuất lúa kém hiệu quả sang trồng vườn cây ăn trái, trồng rau, màu với diện tích ngày càng tăng trong thời gian gần đây là kết quả của quá trình vận động người dân chuyển đổi sản xuất nông nghiệp. Nhưng để chuyển đổi sản xuất trong nông nghiệp mang tính bền vững nông dân đề xuất cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành và địa phương; chú trọng hơn về cơ sở hạ tầng cùng đầu ra sản phẩm - trong đó việc liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân, sản xuất theo đơn đặt hàng là hết sức cần thiết.
Trong xu thế hội nhập, điều kiện về xuất khẩu cùng nhu cầu, đòi hỏi của thị trường đối với các sản phẩm tiêu dùng ngày càng cao, việc ứng dụng khoa học công nghệ, nhãn mác, bao bì đối với các sản phẩm nông nghiệp là yếu tố hết sức quan trọng. Bên cạnh những nổ lực cải tiến máy móc, sáng tạo kỹ thuật từ nhu cầu bức thiết của nông dân, đề xuất tăng cường nhiều hơn nữa việc ứng dụng thành tựu của khoa học công nghệ vào sản xuất; trong đó tập trung hơn đối với các nhóm sản phẩm chủ lực của tỉnh như giải pháp nâng cao giá trị các sản phẩm từ nếp Phú Tân, từ xoài Chợ Mới, từ đường thốt nốt Tri Tôn - Tịnh Biên, từ khô An Phú và Thoại Sơn; các nhà khoa học của tỉnh cần đồng hành nhiều hơn nữa với nông dân để tư vấn, giúp nông dân tìm ra giải pháp khoa học tăng thu nhập mùa lũ, ứng phó tốt hơn trong điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng rõ; để không phải lo vỡ đê hoặc mưa bão trong mùa lũ - ví dụ mô hình trồng cây, nuôi con phù hợp mùa lũ, nuôi cá, nuôi tôm trong ruộng mùa lũ (Hội Nông dân đang thử nghiệm thành công ở Tri Tôn).
Đề nghị Tỉnh kiến nghị các Bộ, Ngành sớm có giải pháp cụ thể thực hiện nội dung Thông báo số 6158/VPCP, ngày 29/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ, Thông báo ý kiến Kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại buổi đối thoại với nông dân tại tỉnh Hải Dương ngày 9/4/2018 về xây dựng thương hiệu nông sản chủ lực, về quảng bá sản phẩm nông sản ở thị trường ngoài nước, về tín dụng trong nông nghiệp...Đề nghị Sở Nông nghiệp cùng Hội Nông dân nghiên cứu giải pháp thực hiện Công văn số 3371 ngày 9/7/2018 của UBND tỉnh về việc thực hiện Thông báo Kết luận của Thủ tướng Chính Phủ.
Về phía Hội Nông dân sẽ tiếp tục nổ lực phối hợp các Sở, Ngành, Liên Minh HTX tỉnh thực hiện hiệu quả hơn các chương trình đã ký kết, tăng cường việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng nông dân, kịp thời báo cáo, đề xuất Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các ngành có chủ trương, giải pháp phù hợp; góp phần hoàn thành các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ X đã đề ra.
Tin khác
- Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh thăm mô hình nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, doanh nhân nông thôn.
- Hội Nông dân thị trấn Ba Chúc ra mắt Tổ hội nghề nghiệp mộc
- Hội nghị đối thoại với nông dân năm 2024
- Họp mặt, giao lưu Nữ cán bộ Hội Nông dân các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long
- An Giang: Tổ chức Đại hội Tuyên dương nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi
- Thành phố Long Xuyên: Đạt giải nhất Hội thi "Nhà nông đua tài"