Kinh tế - xã hội

Giải pháp đột phá phát triển du lịch An Giang

09/01/2018
UBND tỉnh An Giang đã ban hành chương trình hành động về phát triển hạ tầng du lịch giai đoạn từ nay đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 nhằm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.

Vừa thu hút, vừa giữ chân du khách

Thời gian qua, du lịch An Giang đạt được một số thành tựu nhất định. Số lượng du khách đến tỉnh năm sau luôn cao hơn năm trước. Nếu năm 2010, An Giang đón 4,7 triệu lượt khách, năm 2015 đón 6,3 triệu lượt thì đến năm 2016 đã tăng lên khoảng 6,7 triệu lượt khách. Các sản phẩm dịch vụ du lịch từng bước được quan tâm đầu tư phát triển như: cáp treo Núi Cấm, công viên văn hóa Núi Sam, bến tàu du lịch Tân Châu... góp phần thu hút ngày càng nhiều du khách đến với An Giang.

Mới đây, UBND tỉnh An Giang đã ban hành chương trình hành động về phát triển hạ tầng du lịch giai đoạn từ nay đến năm 2020, định hướng đến năm 2025. Theo đó, mục tiêu đến năm 2020 tỉnh đề ra là "vừa thu hút, vừa giữ chân du khách" với các chỉ tiêu cụ thể như đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, tỷ trọng đóng góp trực tiếp trong GDP là 8,8%; dự kiến ngành du lịch đón trên 10 triệu lượt khách (tỷ trọng khách lưu trú chiếm 20%); có ít nhất một khu du lịch văn hóa tâm linh hỗn hợp quy mô lớn; có nhà hàng, khách sạn đạt chuẩn 3 - 4 sao; có các khu vui chơi, giải trí quy mô vừa; khai thác tốt tuyến du lịch kết nối nội vùng, ngoại vùng và tuyến du lịch xuyên biên giới Việt Nam - Campuchia - Thái Lan - Lào.

Trong giai đoạn 2021 - 2025, mục tiêu đề ra là "giữ chân du khách", với các chỉ tiêu như tăng tỷ lệ đóng góp trực tiếp của ngành du lịch trong lên 15,3%; tốc độ tăng trưởng số lượt khách bình quân 5%/năm, dự kiến đón 12,9 triệu lượt khách vào năm 2025. Theo kế hoạch, An Giang sẽ có thêm ít nhất một khu du lịch văn hóa tâm linh hỗn hợp quy mô lớn; có nhà hàng, khách sạn đạt chuẩn 5 sao; có khu vui chơi, giải trí quy mô lớn tại các khu du lịch trọng điểm và các thành phố lớn như Long Xuyên, Châu Đốc.

Các giải pháp đột phá

Để thu hút du khách, UBND tỉnh xác định cần tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ và đường thủy; thu hút đầu tư nhanh vào lĩnh vực xây dựng nhà hàng, khách sạn đạt chuẩn từ 4 sao trở lên; xây dựng trung tâm thương mại, trung tâm hội nghị, khu vui chơi, giải trí tại các trung tâm, thành phố lớn của tỉnh; nâng cấp chỉnh trang đô thị, tôn tạo cảnh quan, xây dựng hình ảnh môi trường xanh - sạch - đẹp tại TP.Long Xuyên và TP.Châu Đốc. Bên cạnh đó cần đẩy mạnh thu hút đầu tư tại các khu, điểm du lịch được quy hoạch, chủ yếu tập trung vào 4 khu trọng điểm, có lợi thế cạnh tranh cao trong vùng như: Khu du lịch Núi Sam - miếu Bà Chúa Xứ (TP.Châu Đốc), Khu du lịch Núi Cấm - rừng tràm Trà Sư (H.Tịnh Biên), Khu du lịch Mỹ Hòa Hưng - cồn Phó Ba (TP.Long Xuyên) và Khu di tích văn hóa Óc Eo - Ba Thê (H.Thoại Sơn); đồng thời xây dựng khu du lịch nhà vườn kết hợp du lịch sinh thái vùng sông nước tại cù lao Ông Hổ - cồn Phó Ba.

Trong chương trình trên, UBND tỉnh An Giang còn đưa kèm các giải pháp như thuê tư vấn nước ngoài xây dựng quy hoạch, chiến lược phát triển đối với các địa bàn du lịch trọng điểm của tỉnh; ban hành cơ chế, chính sách ưu đãi đặc thù đối với doanh nghiệp, tổ chức đầu tư trong lĩnh vực hạ tầng du lịch; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh; thành lập quỹ hỗ trợ phát triển du lịch của tỉnh; xúc tiến, quảng bá, xây dựng thương hiệu và slogan cho du lịch An Giang. Ngoài ra còn đề ra các giải pháp về môi trường và đảm bảo an ninh trật tự tại các khu - điểm du lịch như: xây dựng môi trường du lịch an toàn, văn minh, thân thiện cho du khách; thành lập đường dây nóng, trung tâm hỗ trợ du khách, hỗ trợ cộng đồng và kiện toàn bộ máy ban quản lý các khu, điểm du lịch trọng tâm của tỉnh...

Nguồn: Thanhnien.online