An Giang: Thúc đẩy mạnh mẽ phát triển kinh tế hợp tác
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang cho biết, hiện trên địa bàn tỉnh đã có 188 hợp tác xã nông nghiệp và 2 liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp.
Năm qua, diện tích lúa của nông dân An Giang được sự liên kết và tiêu thụ của các doanh nghiệp đạt khoảng 65.307ha/632.800ha, hoa màu khoảng 7.000ha/49.200ha và cây ăn trái là trên 500ha.
Nhiều doanh nghiệp liên kết với hợp tác xã sản xuất cây ăn trái ở An Giang tiêu thụ sản phẩm hiệu quả. |
Ðể nâng cao hiệu quả sản xuất và ổn định đầu ra cho các loại nông sản, tỉnh An Giang đang tích cực thực hiện đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất kinh doanh trong nông nghiệp, trong đó chú trọng thúc đẩy phát triển các hình thức hợp tác và liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị.
Cũng theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang, thời gian qua tỉnh đã quan tâm thúc đẩy và hỗ trợ nông dân liên kết, hình thành các hợp tác xã để thuận lợi trong kết nối với các doanh nghiệp và đơn vị chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Ðồng thời, triển khai nhiều hoạt động kết nối cung - cầu, hội thảo, tọa đàm và tập huấn cho người dân và doanh nghiệp để thúc đẩy phát triển các mô hình liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản.
Các hợp tác xã ở An Giang phát triển đa dạng ở nhiều lĩnh vực khác nhau, luôn khẳng định được vai trò, vị trí của mình, đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương. Các hợp tác xã cũng đã tổ chức được các dịch vụ kinh tế hộ xã viên, tổ chức tập trung sản xuất tạo ra các sản phẩm phục vụ nhu cầu đời sống xã hội, liên kết hợp tác giữa những người lao động và các đơn vị kinh tế. Qua đó, góp phần tăng năng suất, nâng cao giá trị sản phẩm, từng bước nâng cao thu nhập cho nông dân và hình thành vùng nguyên liệu lớn cho doanh nghiệp xuất khẩu.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp và nhà tiêu thụ đã liên kết sản xuất và tiêu thụ các loại thủy sản như cá tra, lươn, ếch, cá lóc… cho nông dân với tổng diện tích hơn 1.594ha. Ðồng thời, liên kết sản xuất và tiêu thụ hơn 1,8 triệu con gia súc và gia cầm, trong đó có 32.800 con lợn, khoảng 480.000 con vịt và hơn 1,3 triệu con gà.
Bên cạnh nhiệm vụ tổ chức sản xuất cho nông dân, ký hợp đồng liên kết với các doanh nghiệp, các hợp tác xã ở An Giang còn thực hiện thêm nhiều dịch vụ, nhằm khép kín hoạt động sản xuất - kinh doanh, mang về lợi nhuận cao nhất cho hợp tác xã. Số xã viên của các hợp tác xã không ngừng tăng lên, cổ phần góp vốn cũng tăng. Các cán bộ quản lý, kiểm soát, kế toán được gửi đi đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.
Được biết, An Giang đã thường xuyên triển khai kế hoạch phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã theo hướng đổi mới toàn diện, phát triển đa dạng và nâng cao hiệu quả hoạt động của hợp tác xã gắn với xây dựng nông thôn mới, liên kết sản xuất theo hướng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và tiêu thụ theo mô hình “Cánh đồng lớn”.
Tỉnh An Giang sẽ tập trung xây dựng “Hệ sinh thái hợp tác xã” phát triển bền vững trên địa bàn tỉnh, gồm: hệ sinh thái lúa gạo, hệ sinh thái cá tra, hệ sinh thái xoài, hệ sinh thái bò sữa, hệ sinh thái heo, hệ sinh thái cửa hàng tiện lợi (bách hóa xanh, nông sản an toàn, OCOP…). Đồng thời, xây dựng chương trình phát triển hợp tác xã theo hướng liên kết các hợp tác xã có cùng nhóm mục tiêu về mua chung và cùng mục tiêu về bán chung (giúp giảm chi phí đầu vào và giảm giá bán đầu ra do mua và bán chung với số lượng lớn sản phẩm). Các cơ quan chức năng của tỉnh hướng dẫn doanh nghiệp và hợp tác xã hợp tác thực hiện hợp đồng “mềm” (không chốt giá trước) và hợp đồng “cứng” (chốt giá trước, có công chứng, có ký quỹ…) để chia sẻ lợi nhuận và rủi ro cho nhau, nhằm đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ giữa các bên trong quá trình thực hiện hợp đồng./.
Tin khác
- Triển khai khảo sát hiện trạng an toàn vệ sinh lao động trong sản xuất lúa gạo tại An Giang
- Khảo sát Chỉ số đánh giá chất lượng dịch vụ, vật tư nông nghiệp
- Hội thi Sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu tỉnh An Giang lần thứ VII/2024
- Một tỷ phú An Giang trồng lúa theo kiểu "mặt ruộng không dấu chân" là Nông dân Việt Nam xuất sắc 2024
- Phú Tân triển khai Đề án 01 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao trong vụ Thu Đông 2024 với diện tích 100 hecta
- Phú Thọ xuống giống 05 héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao.