Nông nghiệp – Nông thôn

GS-TS Võ Tòng Xuân: 'Đừng để nông dân phải hy sinh mãi cho an ninh lương thực'

16/08/2023 09:03

Từ hôm 20.7 đến nay, giá lúa gạo liên tục tăng. Cơ hội và thách thức đặt ra từ thực tế trên cũng rất nhiều. Một Thế Giới có cuộc trao đổi lý thú với GS-TS Võ Tòng Xuân, chuyên gia hàng đầu về nông nghiệp Việt Nam chung quanh vấn đề này.

GS-TS Võ Tòng Xuân - Ảnh: Internet

- Xin GS cho biết suy nghĩ của ông về việc lúa gạo Việt Nam tăng giá liên tục trong những ngày qua?

- GS-TS Võ Tòng Xuân: Trên thế giới đang khủng hoảng lương thực, nhất là những nước có nền nông nghiệp chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu (BĐKH) và El Nino. Từ đó, nó làm cho nông nghiệp các nước như Ấn Độ, Thái Lan, Trung Quốc… bị tác động rất nhiều. Trong khi đó, nước ta nhờ Nghị quyết 120/2017 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL nên có nhiều nét khác biệt.

Nội dung nghị quyết này là quy hoạch lại vùng sản xuất, tránh tai họa BĐKH, El Nino. Nước ta thuận theo thiên nhiên, dù BĐKH và El Nino nhưng tránh được hậu quả thiên tai, không bị ảnh hưởng nhiều đến sản xuất nông nghiệp. Vùng an ninh lương thực của nước ta chạy dọc theo các tỉnh biên giới Việt Nam từ An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp. Long An... Các tỉnh này rất xa biển, không bị nhiễm mặn, nước sông Cửu Long cung cấp đầy đủ nên lúa xanh tốt quanh năm.

ĐBSCL có thuận lợi là canh tác lúa 3 vụ, kỹ thuật trồng lúa ở đây các nơi khác và trên thế giới không làm được. Lúa các nơi khác canh tác phải mất 4 tháng mới có thu hoạch, cây lúa vùng ĐBSCL chỉ hơn 3 tháng là thu hoạch. Ngoài lúa bán cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo, nông dân còn tích trữ đủ dùng tới mùa vụ sắp tới. Ấn Độ, Thái Lan không làm được như vùng ĐBSCL, hiện họ đang thiếu gạo xuất khẩu.

ĐBSCL phần lớn đã canh tác 3 vụ lúa/năm - Ảnh: Văn Kim Khanh

Giá gạo xuất khẩu tăng hiện nay còn do chịu tác động bởi chiến tranh Nga - Ukraine. Thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc Nga - Ukraine không còn nên ảnh hưởng xấu đến nguồn lương thực, thực phẩm thế giới. Đây cũng là cơ hội để gạo Việt Nam vươn lên trong xuất khẩu. Điều này góp phần đẩy giá gạo Việt Nam tăng từ 450 USD/tấn lên 600 USD và cao hơn nữa nếu thế giới tiếp tục khan hiếm gạo.

Theo GS-TS, trước cơ hội này, doanh nghiệp cần làm gì để quảng bá, duy trì lợi thế của gạo Việt?

- GS-TS Võ Tòng Xuân: Từ lâu gạo Việt đã có uy tín trên thế giới, vì thế doanh nghiệp (DN) Việt Nam cần tận dụng cơ hội đưa hạt gạo vươn xa, giá tốt. Thật sự là gạo Việt từ lâu chất lượng tốt, được khách hàng trên thế giới ưa chuộng. Gạo Việt đạt an toàn vệ sinh thực phẩm. Đây cũng là cơ hội để DN và nông dân tăng cường liên kết. Mối liên kết này giúp nông dân sản xuất ra sản phẩm lúa gạo đạt chuẩn xuất khẩu, chất lượng cao, giá tốt. Đó cũng là điều kiện nông dân và doanh nghiệp gạo tăng thu nhập từ mặt hàng lúa gạo.

Doanh nghiệp nên minh bạch với nông dân bằng cách chơi theo "ván bài lật ngửa”. DN bán gạo ra thế giới giá nào, thu mua của nông dân giá nào, cần phải minh bạch, nông dân và DN hài hòa quyền lợi. Dịp này DN Việt Nam cũng nên tìm cách gắn kết với DN nước ngoài bằng các hợp đồng ngắn hạn và dài hạn. Việc DN Việt Nam thiết lập quan hệ lâu dài với đối tác cũng góp phần tạo ra hợp đồng bao tiêu sản phẩm lúa gạo của nông dân và sản xuất theo chuẩn của DN nước ngoài theo yêu cầu trong ký kết hợp đồng, tạo ra cơ sở sản xuất bền vững, giá tốt.

Đừng bắt nông dân phải hy sinh quá nhiều cho an ninh lương thực thế giới - Ảnh: Văn Kim Khanh

Hệ thống sản xuất lúa ở ĐBSCL được thiết kế phù hợp. Vì vậy nước ta hiện nay giảm thiểu thiệt hại bởi thiên tai và BĐKH. Việc DN Việt ký kết hợp đồng lâu dài với nước ngoài và liên kết sản xuất tiêu thụ lúa của nông dân hiện nay là cơ hội tốt. DN cùng với nông dân trồng lúa theo yêu cầu xuất khẩu, quy trình tốt, có thể truy nguyên nguồn gốc sản phẩm lúa gạo Việt. Điều này nằm trong tầm tay. Cách làm mới này cũng tránh các trường hợp như trước đây nông dân tự bơi trong nền kinh tế, DN đi gom mua theo kiểu hàng xáo. Hiện nay gạo Việt có cơ hội tạo uy tín cho mình trên thương trường thế giới.

Giá gạo ở ĐBSCL tăng lên liên tục - Ảnh: Văn Kim Khanh

Thưa GS, mọi điều luôn có hai mặt, vậy mặt trái của việc tăng giá lúa gạo hiện nay là gì? Đâu là cách để hạn chế mặt trái?

GS-TS Võ Tòng Xuân: Từ trước đến nay giá gạo thế giới ở mức trung bình. Người nông dân Việt Nam đảm bảo an ninh lương thực nhưng bản thân họ khó khăn. Họ đã hy sinh quá nhiều cho an ninh lương thực. Chúng ta đừng để nông dân phải hy sinh mãi cho an ninh lương thực Việt Nam và thế giới. Không những nông dân Việt Nam mà nông dân Thái, nông dân Trung Quốc cũng chung cảnh ngộ. Suốt đời trồng lúa nhưng họ chẳng mấy khi được trúng mùa, trúng giá. Trung Quốc hiện nay cho nông dân quyền trồng cây gì có thu nhập và lợi tức cao thì cứ trồng. Philippines, Malaysia, các nước châu Phi không cần phải trồng lúa, họ mua gạo ăn. Các nước này hằng năm mua gạo của Ấn Độ, Việt Nam…

Tập đoàn Lộc Trời xuất khẩu gạo - Ảnh: Internet

Đây là dịp nông dân có thu nhập cao hơn, tuy nhiên, năm tới nếu “mưa thuận gió hòa”, các nước trồng lúa được, thì giá lại giảm xuống. Giá gạo thế giới lên 600 USD/tấn cũng tốt cho người trồng lúa rồi. Tại Nhật, năm 1960, Chính phủ Nhật cho tăng giá gạo lên để giữ chân nông dân. Từ đó mặt bằng giá cả tăng lên và Chính phủ Nhật phải điều chỉnh phúc lợi xã hội khi kinh tế Nhật tăng trưởng tốt.

Ở ta, giá gạo tăng từ 600 USD/tấn trở lên, nhóm người ăn lương tháng sẽ bị ảnh hưởng. Nhà nước phải có chính sách tốt hơn để nâng mặt bằng cuộc sống người dân. Nông dân giàu, đời sống khá, công nghiệp phát triển sẽ kéo theo tăng trưởng kinh tế. Các tầng lớp xã hội như công nhân viên chức, người lao động, giáo viên, bác sĩ, quân đội, công an… phải được tăng lương để cải thiện đời sống. Nếu chúng ta đảm bảo an ninh lương thực, giữ giá lúa gạo thấp, vì nhóm người ăn lương khoảng 15 - 20% trong đội ngũ lao động, bắt nông dân phải hy sinh mãi cũng khó. Lương giáo sư ở ta hiện nay chưa tới 1.000USD, trong khi đó ở nước ngoài lương giáo sư khoảng 5.000USD. Có mặt trái mặt phải, nghĩ sâu xa ra trước việc lúa gạo tăng giá. Vì vậy, việc tăng giá gạo lần này ngoài mặt thuận lợi phải nghĩ đến việc tầng lớp lao động ăn lương cũng dễ bị ảnh hưởng.

Nhiều DN than ký hợp đồng với nước ngoài trước đây giá thấp, nay mua lúa gạo với giá cao, khó mua số lượng lớn, cái này cũng là mặt trái của việc giá gạo tăng quá nhanh. Đâu phải dễ kinh doanh trong lúc này. DN cho rằng hiện nay có hiện tượng đầu cơ, găm hàng chờ giá cao để bán. Việc găm hàng lúa gạo, đầu cơ lúa gạo là những việc làm không đúng. Nếu đầu cơ lớn vi phạm pháp luật.

Lúa gạo trữ trong kho - Ảnh: Hữu Phước

- GS nghĩ sao việc Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo vì an ninh lương thực?

- GS-TS Võ Tòng Xuân: Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo vì họ không đủ gạo cho xuất khẩu, tập trung cho thị trường trong nước 1,4 tỉ dân của họ, chứ không có lý do nào khác. Ở Ấn Độ, 1 năm họ sản xuất 1 vụ, hạn hán làm cho nông nghiệp Ấn Độ bị ảnh hưởng nên họ cấm xuất khẩu gạo. Trong khi đó Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu gạo cũng có lý do. Lợi thế của nông nghiệp ở miền Tây Nam Bộ là có sông Cửu Long. Quanh năm chúng ta có nước ngọt để sản xuất lúa gạo. Mùa khô, nước sông Cửu Long vẫn tốt. Nghị quyết 120/CP hợp lý, giúp cho ĐBSCL tăng cường sản xuất lúa trong điều kiện El Nino và BĐKH. Vì vậy việc Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo còn tạo cơ hội cho ngành sản xuất lúa gạo của ta nhiều hơn.

-Thưa GS, có những dư luận rằng xuất khẩu gạo đẩy giá gạo lên cao, bán nhiều có thể gây thiếu đói, GS nghĩ sao? Vậy chúng ta cần bao nhiêu gạo cho 100 triệu dân mỗi năm?

GS-TS Võ Tòng Xuân: Dân lo ngại chuyện giá tăng là chính đáng, còn nói thiếu đói là tin nhảm. Khi nào nước bốc hơi hết ĐBSCL thì mình mới hết gạo và chịu đói. ĐBSCL trồng lúa năm 2 - 3 vụ. Ngay bây giờ mỗi tỉnh trong vùng đang thu hoạch lúa vụ 3. Cứ 3 tháng rưỡi là ĐBSCL có 1 vụ lúa. Lúc nào mình cũng có 1 triệu tấn gạo để đảm bảo an ninh lương thực. Theo Bộ trưởng NN-PTNT, dự toán cần hơn 29,5 triệu tấn lúa cho nhu cầu an ninh lương thực trong 1 năm với 100 triệu dân. Trong đó bao gồm nuôi sống 100 triệu dân và nhu cầu về chăn nuôi và các vấn đề khác về lương thực. 

Tóm lại, giá gạo tăng, xuất khẩu tăng cũng là cơ hội lớn, bên cạnh đó cũng có nhiều thách thức chúng ta phải giải quyết trên đường phát triển.

- Xin cảm ơn GS.

 

Ngô Trọng (Theo:1thegioi.vn)