Nông nghiệp – Nông thôn

Hội Nông dân tham gia xây dựng cánh đồng lớn …

28/10/2019 14:07

Hội Nông dân tỉnh An Giang tham gia xây dựng cánh đồng lớn và liên kết với doanh nghiệp tổ chức cho nông dân sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với bảo vệ môi trường

Từ năm 2012, Tỉnh ủy An Giang Ban hành Nghị quyết số: 09-NQ/TU ngày 27/6/2012 về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gia đoạn 2012 - 2020 và tầm nhìn đến 2030, bên cạnh đó tích cực phát triển và quảng bá những sản phẩm nông nghiệp đặc thù của địa phương; là cầu nối gắn nông nghiệp với du lịch; phối hợp chuyển giao nhiều đề tài, dự án về các loại cây trồng, vật nuôi hiệu quả, giúp nông dân làm giàu; cấp nhiều nhãn hiệu chứng nhận để quảng bá hình ảnh sản phẩm nông nghiệp An Giang ra thị trường trong và ngoài nước...

Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới của tỉnh đã đạt những bước tiến vượt trội trong sản xuất và đời sống. Tính đến nay có 03 đơn vị cấp tỉnh hoàn thành: Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; 54 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới

Đối với việc tuyên truyền, vận động nông dân tham gia xây dựng cánh đồng lớn và liên kết với doanh nghiệp tổ chức cho nông dân sản xuất theo chuỗi giá trị: Thực hiện Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg, ngày 25 tháng 10 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn tiêu thụ nông sản, về xây dựng cánh đồng lớn. Thực hiện Nghị quyết số: 09-NQ/TU ngày 27/6/2012 về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gia đoạn 2012 - 2020 và tầm nhìn đến 2030. Hội Nông dân đã chủ động tham gia vào quá trình tổ chức lại sản xuất nông nghiệp: Với các hình thức liên kết theo chuỗi giá trị; từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ. Tích cực làm “cầu nối” cho việc ký kết hợp đồng giữa các tổ hợp tác sản xuất, câu lạc bộ nông dân, hợp tác xã nông nghiệp, trang trại, gia trại... với các doanh nghiệp và có sự hướng dẫn, giúp đỡ của các cơ quan quản lý và tư vấn của nhà khoa học.

Phát huy hiệu quả Phong trào nông dân thi đua sản xuất - kinh doanh giỏi. Thông qua phong trào, các cấp Hội tập trung, vận động nông dân tích cực tham gia vào quá trình tổ chức lại sản xuất; theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, hình thành những vùng chuyên canh phù hợp với thế mạnh của từng địa phương. Hướng dẫn nông dân tạo ra nhiều loại nông sản phẩm có chất lượng -  giá trị cao, giá thành hạ, số lượng nhiều, để tiến tới xây dựng thương hiệu, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường. Trong đó, chú trọng vào những sản phẩm chiến lược, có lợi thế cạnh tranh như: lúa chất lượng cao, cá da trơn, rau màu, cây ăn trái…

Việc xây dựng và phát triển mô hình kinh tế hợp tác, được các cấp Hội quan tâm. Hiện tại, toàn tỉnh có 768 tổ hợp tác với hơn 15.000 thành viên và 254 CLB.ND với trên 7.000 thành viên, 135 hợp tác xã nông nghiệp với gần 12.000 thành viên và đang hình thành Chi, tổ hội nghề nghiệp ở nông thôn.

Nhờ làm tốt chính sách hợp tác liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ, xây dựng cánh đồng lớn; giai đoạn 2010 - 2019, có khoảng 6 - 10% sản lượng lúa và các loại nông sản, chủ lực khác của An Giang được các doanh nghiệp và các tổ chức đại diện của nông dân, thực hiện liên kết tiêu thụ thông qua hợp đồng. Mỗi năm trung bình có 20 doanh nghiệp tham gia ký hợp đồng liên kết tiêu thụ.

Hội Nông dân phối hợp các tổ chức tín dụng thông tin tình hình, phổ biến chủ trương chính sách về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân trong tỉnh đã hỗ trợ vốn xây dựng 178 mô hình tổ hợp tác sản xuất hiệu quả chuyển đổi mở rộng sản xuất và mô hình đang tiếp tục nhân rộng, phối hợp với các Ngân hàng bảo lãnh cho nông dân vay vốn sản xuất kinh doanh, tư vấn chính sách cho nông dân giỏi phát triển thành Doanh nhân nông thôn, chủ trang trại, thường xuyên phối hợp với các Ngành, Trung tâm Khuyến nông, nhà Khoa học hàng năm tổ chức hàng trăm cuộc tập huấn, hội thảo chuyển giao những tiến bộ khoa học kỹ thuật.

Bên cạnh đó các cấp Hội còn vận động Tổ hợp tác tham gia vào mô hình cánh đồng lớn, điển hình như vụ Đông Xuân 2018 - 2019 có 31 Công ty, Doanh nghiệp tham gia cánh đồng lớn với diện tích 12.575 ha, tập trung ở các huyện Châu Thành, Thoại Son, Phú Tân, Tịnh Biên ký hợp đồng tiêu thụ lúa của nông dân thông qua hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất nội dung hợp đồng tuân thủ theo hợp đồng mẫu của tỉnh, giá thu mua cao hơn giá thị trường khoảng 50 -100đ/kg; Đối với hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất thì doanh nghiệp hỗ trợ chi phí quản lý thực hiện từ 10 - 20đ/kg trên tổng sản lượng thu mua.

Mô hình cánh đồng lớn đã tạo nhiều thuận lợi cho nông dân tỉnh nhà phát triển kinh tế, mang lại lợi nhuận đáng kể cho hộ các nông dân, yên tâm sản xuất do đầu ra ổn định và nâng cao thu nhập của nông dân. Bên cạnh đó, các chuỗi giá trị lúa gạo, rau màu và thủy sản cũng hình thành và phát triển, cùng với các hình thức liên kết sản xuất đã góp phần ổn định, lĩnh vực nuôi và chế biến thủy sản, đưa mô hình “cánh đồng lớn” đang đi vào thực hiện.

Về hoạt động Hội Nông dân tham gia bảo vệmôi trường:  Hàng năm, Hội đã xây dựng kế hoạch triển khai tuyên truyền, vận động trong cán bộ, hội viên nông dân ý nghĩa mục đích của Chương trình Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, đã phổi hợp tổ chức được trên 9.000 cuộc họp dân, để triển khai chương trình Chương trình mục tiêu Quốc gia, về xây dựng nông thôn mới: Có hơn 5 triệu lượt nông dân tham dự. Trong đó, Hội Nông dân các cấp, đặc biệt quan tâm tuyên truyền vận động hội viên, nông dân sử dụng nước sạch phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt hàng ngày, và phục vụ sản xuất nông nghiệp,... Đến tháng 9/2019, toàn tỉnh có trên 521.000 nguồn cấp nước phục vụ sinh hoạt hộ gia đình, trong đó nguồn nước máy là chủ yếu, chiếm 91,25%, tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch theo quy định đạt 88%.

Cảnh quan xanh, sạch, đẹp: Hội Nông dân các cấp thường xuyên phối họp với các địa phương tổ chức vệ sinh môi trường, phát quang bụi rậm, cỏ dại ven đường, vận động người dân trồng hoa, cây xanh và làm hàng rào thẳng tắp để tạo cảnh quan xanh - sạch - đẹp. Phát động thực hiện nhiều tuyến đường hoa, trên các tuyến tỉnh lộ, hương lộ, đường liên xã, liên ấp, để tạo vẽ mỹ quan, tạo điểm nhấn tạo vẻ đẹp  cho xã nông thôn mới. Đến tháng 9/2019 toàn tỉnh đã có 84/119 xã đạt chỉ tiêu về xây dựng cảnh quan môi trường xanh sạch đẹp, an toàn (chiếm tỷ lệ 70,59%).

Đối với rác thải bảo vệ thực vật hiện nay Hội Nông dân các cấp tổ chức 19 mô hình thu gom, vận chuyển và xử lý vỏ, bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng trên địa bàn các xã điểm xây dựng nông thôn mới của tỉnh,với tổng lượng rác thu gom, xử lý theo quý định khoảng 78,14 tấn. Đồng thời, đề xuất Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và các tổ chức Phi Chính phủ 21 dự án về xử lý - thu gom rác, bảo vệ môi trường; cung cấp nước sạch nông thôn; xây dựng mô hình du lịch nông dân, bảo tồn và phát huy nghề truyền thống, làm đường thốt nốt của người Khmer số tiền vận động được trên 29 tỷ, giúp trên 20.000 hô dân ở 45 xã của 11 huyện, thị, thành. Tính đến nay có 71/119 xã đạt tiêu chí về Môi trường và an toàn thực phẩm, chiếm tỷ lệ 60%.

Để thực hiện thành công, hiệu quả công tác Hội và phong trào nông dân, Hội Nông dân với phương châm tăng cường cán bộ và hoạt động về cơ sở, tất cả hoạt động đều theo chương trình, đề án cụ thể, có số liệu cụ thể không dàn trải. Cùng với việc triển khai chương trình hành động thực hiện 3 Nghị quyết quan trọng của Ban chấp hành Trung ương Hội Nông dân khóa VII về "Vai trò Hội Nông dân trong tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân xây dựng các mô hình kinh tế hợp tác, làm giàu chính đáng"; Nghị quyết "về xây dựng tổ chức cơ sở Hội và Chi Hội vững mạnh"; Nghị quyết về "Hội Nông dân tham gia thực hiện nông thôn mới, đảm bảo an ninh quốc phòng và an sinh xã hội" giai đoạn 2019 - 2023. Triển khai và thực hiện tốt kế hoạch Phát triền 1.000 Tổ hợp tác, xây dựng Hợp tác xã và Câu lạc bộ doanh nhân nông thôn, đẩy mạnh việc thành lập các chi tổ Hội nghề nghiệp.

Với những kết quả như đã nêu, các cấp Hội Nông dân tiếp tục vận động hội viên, nông dân phát huy vai trò chủ thể trong phong trào xây dựng nông thôn mới giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí đã hoàn thành. Tếp tục phát huy vai trò của Hội Nông dân trong công tác xây dựng cánh đồng lớn, bảo vệ môi trường nông thôn ở An Giang, trong thời gian tới, các cấp hội sẽ tập trung đẩy mạnh các phong trào thi đua, trọng tâm là phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”; nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên trong chương trình xây dựng Nông thôn mới, là khâu đột phá để tổ chức lại sản xuất, nâng cao đời sống người nông dân. Làm tốt công tác tuyên truyền, đổi mới phương thức hoạt động, tham mưu trong việc đào tạo, bồi dưỡng, bố trí cán bộ Hội đảm bảo tiêu chuẩn đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Để công tác tuyên truyền vận động của Hội đạt kết quả cao, đề nghị Hội Nông dân Việt Nam kiến nghị Đảng và Nhà nước cần có chính sách cụ thể và thỏa đáng, hỗ trợ việc xây dựng và nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới; trên cơ sở liên kết giữa nông dân với nông dân,  nông dân với doanh nghiệp để khắc phục tình trạng manh mún, phân tán, trong nông nghiệp hiện nay, để phù hợp với xu hướng sản xuất hàng hóa lớn, nâng sức cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập sâu vào kinh tế thế giới và cần tổng kết, đổi mới chính sách, phương pháp dạy nghề cho lao động nông thôn, theo hướng thiết thực, hiệu quả, đúng đối tượng trên cơ sở điều tra, khảo sát nhu cầu. Tránh dạy nghề theo phong trào; Tiếp tục tạo điều kiện cho Hội Nông dân, được trực tiếp tham gia vào một số phần việc trong xây dựng các mô hình kinh tế, tham gia vào công tác dạy nghề và dịch vụ việc làm cho lao động nông thôn, hỗ trợ vốn cho nông dân.

TVB