Nông nghiệp Phú Tân sau 50 năm phát triển
Nếu đến Phú Tân vào mùa nước nổi thì mới thấy hết được sự đổi thay của vùng đất cù lao đầu nguồn lũ. Hình ảnh "biển nước mênh mông, vắng vẻ" ngày nào được thay thế bằng những cánh đồng bát ngát với không khí lao động hăng say và phấn khởi của nông dân.
Nếu đến Phú Tân vào mùa nước nổi thì mới thấy hết được sự đổi thay của vùng đất cù lao đầu nguồn lũ. Hình ảnh "biển nước mênh mông, vắng vẻ" ngày nào được thay thế bằng những cánh đồng bát ngát với không khí lao động hăng say và phấn khởi của nông dân. Từng cánh đồng lúa nặng bông, trĩu hạt như gánh trên vai bao công sức, mồ hôi không chỉ ở một vụ mùa mà là cả một quá trình cải tạo, xây dựng trên năm thập niên qua của nhân dân và cán bộ huyện nhà.
Nhớ lại những năm đầu mới giải phóng, toàn cánh đồng cù lao này chỉ sản xuất lúa 1 vụ với loại giống thích nghi và phát triển mạnh trong điều kiện ngập sâu từ 2 đến 3 thước nước - “cây lúa mùa” đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình để nhường chỗ cho cây lúa "thần nông", tuy ngắn ngày mà năng suất cao gấp năm bảy lần.
Năm 1976 với diện tích gieo trồng 25.046 ha, sản lượng 71.882 tấn, với dân số 163.615 người, bình quân lương thực đầu người chỉ có 439 kg. Năm mươi năm sau, dân số tăng lên trên 207 ngàn người, đất chẳng những không “nở ra" mà ngày càng hẹp lại, để nhường chỗ cho con người xây cất nhà cửa, xây dựng cơ sở hạ tầng. Vậy mà đến năm 2017 diện tích gieo trồng là 66.005 ha (tăng 2,6 lần), năng suất bình quân mỗi năm một tăng, sản lượng lúa đạt 421.765 tấn (tăng 5,8 lần), bình quân đầu người trên 2.029 kg (riêng năm 2016 có sản lượng lúa cao nhất là 463.753 tấn). Với sản lượng lương thực như vậy, không những đáp ứng nhu cầu tại địa phương mà còn góp phần cùng cả nước đảm bảo an ninh lương thực và tiến tới xuất khẩu với số lượng lớn thuộc tóp đầu trên thế giới.
Đạt được những thành tựu vừa nêu trước tiên phải kể đến sự ra đời của các chủ trương và chính sách đúng đắn, kịp thời của Đảng và Nhà nước về chiến lược phát triển nông nghiệp- nông thôn qua từng giai đoạn; sự sáng tạo, linh hoạt của cán bộ và nhân dân huyện nhà; sự đầu tư kinh phí kịp thời của Nhà nước, sự đóng góp tích cực của nhân dân cùng với bao nhiêu công sức của các thế hệ cha, anh đã đi qua cho mảnh đất giàu tiềm năng nhưng đầy thử thách này ngày càng trở nên trù phú.
Nếu xem chủ trương chuyển lúa một vụ sang hai vụ ở cuối thập niên bảy mươi là một cuộc cách mạng về lương thực, thì việc xây dựng vùng sản xuất ba vụ mỗi năm là bước đột phá trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Nếu xem việc chuyển phương án chống lũ tổng vùng sang tiểu vùng ở những năm đầu thập niên chín mươi là sự kết hợp hài hòa giữa kinh tế - xã hội - môi trường… thì việc hình thành các vùng đê bao kiểm soát lũ những năm gần đây là sự kế thừa và phát triển quan điểm sống chung với lũ ở mức độ cao hơn, ngoài việc tăng thu nhập cho nông dân còn góp phần phát triển giao thông thủy, bộ và các cơ sở công nghiệp, dịch vụ nhất là dịch vụ nông nghiệp, tạo điều kiện bố trí dân cư, từng bước thay đổi bộ mặt nông thôn. Có thể nói đây là một thành công lớn trong việc thực hiện Quyết định 99/TTg của Thủ Tướng Chính Phủ về kết hợp chặt chẽ giữa giao thông - thủy lợi - bố trí dân cư.
Đáng kể nhất là chủ trương "chuyển bơm dầu sang bơm điện" của Đảng bộ Phú Tân vào giữa thập niên chín mươi đã tạo ra sự chuyển biến tích cực trong sản xuất nông nghiệp huyện nhà, góp phần thực hiện mục tiêu "điện khí hoá nông nghiệp", giảm chi phí bơm nước và tạo tiền đề phát triển kinh tế hợp tác trên phạm vi toàn huyện. Cần nói thêm, Phú Tân là nơi đầu tiên đề xuấtvà triển khai thành công chủ trương này.
Mô hình trồng ớt
Mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp cũng được quan tâm sâu sắc, từ một vùng thuần trồng lúa với rất nhiều loại giống đến nay đã trở thành vùng chuyên canh nếp với diện tích canh tác trên 90% và chỉ với 2 loại giống. Tuy trải qua nhiều thăng trầm do tác động của thị trường nhưng sự thủy chung với cây nếp đã được đền đáp xứng đáng. Điều đó càng có ý nghĩa khi thị trường lương thực thế giới biến động bất lợi như hiện nay (giá lúa gạo sụt giảm, người trồng lúa hiệu quả thấp nhưng nông dân Phú Tân vẫn có lợi nhuận ổn định nhờ cây nếp). Với lợi thế về thổ nhưỡng, hạ tầng kỹ thuật - dịch vụ, kinh nghiệm canh tác, độ thuần cao ... nên được tỉnh quy hoạch thành vùng chuyên canh. Đây là cơ hội để huyện nhà tổ chức sản xuất hàng hóa quy mô lớn, chất lượng cao, tăng tính cạnh tranh trên thị trường, góp phần khẳng định thương hiệu Nếp Phú Tân trong tương lai; mặt khác, việc chuyển đổi đất vườn tạp, đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái thúc đẩy phát triển kinh tế vườn, được sự đồng thuận cao của người dân, diện tích chuyển đổi tăng hàng tháng, đến nay là 253,6ha (cây có múi, dừa, chuối…) minh chứng chủ trương đúng đắn góp phần khai thác tiềm năng, hình thành các vùng chuyên canh cây ăn trái, thực hiện tái cơ câu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.
Cùng với cây trồng, các loại vật nuôi cũng phát triển mà đáng kể nhất là nuôi thủy sản. Tuy gặp nhiều khó khăn vào những năm gần đây nhưng tổng sản lượng cá nuôi năm 2017 vẫn đạt 25 ngàn tấn (cao nhất là năm 2008: 61.200 tấn). Mặc dù chưa ổn định nhưng lĩnh vực thủy sản vẫn chiếm tỷ lớn trong ngành nông nghiệp và đánh dấu sự thành công bước đầu trong việc khai thác lợi thế, tiềm năng để phát triển kinh tế, xã hội. Từ những hạn chế, tồn tại do phát triển tự phát, không tuân thủ quy hoạch, thiếu liên kết (dọc, ngang), đẩy nghề nuôi cá tra vào tình thế khó khăn. Nhưng đây lại là cơ hội để phát triển bền vững trong tương lai theo hướng liên kết (hiện có 4 doanh nghiệp chế biến thủy sản đầu tư vùng nuôi cá tra trên 30 ha ở Phú Bình và 25ha ở Tân Trung).
Thực hiện chủ trương tổ chức lại sản xuất, các Tổ Hợp tác và Hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới từng bước được thành lập. Với 4 Hợp tác xã nông nghiệp ra đời đầu tiên trong năm 1998, đến nay toàn huyện có 17 HTX, 90 THT với 2.888 thành viên, tổ viên, vốn cổ phần trên 22,120 tỷ đồng, diện tích phục vụ 20.040 ha, chiếm 84 % diện tích sản xuất của huyện. Điểm đột phá ở Phú Tân là các THT, HTX "quy mô vùng” được hình thành trên cơ sở các vùng đê bao kiểm soát lũ, đã giải quyết cơ bản những khó khăn trong tổ chức tưới, tiêu, thực hiện lịch thời vụ, tạo điều kiện sử dụng nước hợp lý, tiết giảm đáng kể chi phí sản xuất cho nông dân. Có thể xem đây là hình thức tổ chức sản xuất tiến bộ nhất hiện nay và là đầu mối quan trọng trong thực hiện liên kết với doanh nghiệp sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo mô hình "cánh đồng lớn".
Tuy chưa đạt kết quả như mong muốn (hài hoà lợi ích, năng lực quản lý, phát triển dịch vụ ...) nhưng thành tựu trong phát triển kinh tế hợp tác rất đáng trân trọng; chứng tỏ quyết tâm của nhân dân và cán bộ huyện nhà trong việc thay đổi dần tập quán sản xuất theo hướng hàng hóa với quy mô lớn và từng bước hội nhập kinh tế thế giới.
Song song với những "chủ trương đúng đắn" là các "chính sách hợp lòng dân", trong đó chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật được xem là giải pháp tích cực trong việc thúc đẩy kinh tế nông nghiệp – nông thôn. Đáng kể nhất là việc xây dựng hệ thống thủy lợi được xem là mủi đột phá, là động lực quan trọng và đóng vai trò quyết định. Nếu trước đây toàn huyện chỉ có một kênh tạo nguồn (kênh Hòa Bình) và hệ thống kênh rạch tự nhiên thì đến nay đã đào mới được 21 công trình kênh mương tạo nguồn (dài 150 km) cùng hàng trăm công trình kênh nội đồng (dài trên 400 km), dẫn nguồn nước ngọt nặng phù sa từ sông Tiền, sông Hậu vào trục kênh Thần Nông để toả ra bồi đắp cho ruộng đồng, vừa đảm bảo tưới tiêu cho hầu hết diện tích sản xuất, vừa hình thành nên mạng lưới giao thông thủy rộng khắp trong toàn huyện.
Huyện đã tổ chức khai thác tốt lợi thế Dự án kiểm soát lũ Bắc Vàm Nao, xây dựng hoàn thành 21 vùng KSL và tổ chức sản xuất vụ Thu Đông theo hướng an toàn, hiệu quả và tiến tới bền vững theo phương thức 3 năm 8 vụ (là huyện đi đầu và kiên trì thực hiện phương án sản xuất này - một phương án sản xuất được xem là bền vững về kinh tế, xã hội và môi trường).
Hệ thống hạ tầng thủy lợi được quan tâm đầu tư đúng theo quy hoạch, đúng mục tiêu của chương trình và theo hướng kiên cố hóa. Hệ thống kênh tạo nguồn đã hoàn chỉnh và thường xuyên được nạo vét, đáp ứng tốt yêu cầu sản xuất trước mắt cũng như trong tương lai. Hệ thống đê vành đai, đê tiểu vùng và cống dưới đê tiểu vùng được kiên cố dần. Đặc biệt, thông qua Dự án thủy lợi phục vụ nông nghiệp, phát triển nông thôn vùng Bắc Vàm Nao (DA BVN2) đã đầu tư kiên cố 12 tuyến đê bao tiểu vùng, nâng cấp 98 cống dưới đê (lắp đặt cửa và hệ thống vận hành) với tổng kinh phí trên 120 tỷ đồng; nâng tổng số chiều dài đê bao được kiên cố (láng nhựa, bê tông...) trên 70% và trên 80% cống tạm dưới đê được hoàn thiện. Riêng hạng mục “Gia cố bờ Nam kênh Phú Lạc và 13 cây cầu liên kết tiểu vùng sản xuất nông nghiệp” với kinh phí trên 76 tỷ đồng đã góp phần quan trọng trong phát triển hệ thống giao thông, đẩy mạnh tiến trình cơ giới hóa nông nghiệp và phát triển thương mại dịch vụ, tạo điều kiện thuận lợi cho mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển đổi, đa dạng cây trồng … qua đó nâng cao hiệu quả sản xuất cho nông dân.
Bên cạnh hiệu quả kinh tế thì việc đầu tư vùng kiểm soát lũ còn đem lại hiệu quả xã hội rất lớn, giải quyết việc làm cho hàng chục ngàn hộ dân với hàng triệu lượt ngày công lao động mỗi năm. Mặt khác, đê bao kiểm soát lũ vừa là đường giao thông, vừa bảo vệ cơ sở hạ tầng, bảo vệ dân cư, giúp cho mọi sinh hoạt từ ăn ở, đi lại, học hành đến tổ chức sản xuất diễn ra hết sức bình thường trong mùa nước nổi (có thể xem là hệ thống đê bao đa mục tiêu). Kết quả này còn khẳng định tính đúng đắn của chủ trương "Nhà nước và nhân dân cùng làm" thông qua nguyên tắc "phát huy dân chủ", tuân thủ phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra".
Thông qua triển khai chương trình tam nông, Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 – 2020 được tập trung, với xuất phát điểm thấp, hụyện tập trung mọi nguồn lực, từng bước tháo gỡ những khó khăn để hoàn thiện các tiêu chí, xây dựng lộ trình triển khai với từng công việc cụ thể, đồng thời phát huy vai trò chủ thể của người dân và lãnh đạo các cấp… qua 8 năm thực hiện, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được tập trung đầu tư, diện mạo nông thôn không ngừng đổi mới; an ninh trật tự được giữ vững; quy chế dân chủ cơ sở được phát huy, tạo được lòng tin và sự đồng thuận cao của nhân dân trong công cuộc xây dựng nông thôn mới, đến nay toàn huyện có 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới (Tân Hòa, Phú Bình, Phú Lâm).
Ngoài việc tập trung triển khai tốt chương trình khuyến nông, chuyển giao KHKT, hướng dẫn nông dân áp dụng các mô hình sản xuất hiệu quả (chương trình IPM, FPR, thâm canh tổng hợp, 3G3T, 1P5G…) thì việc đầu tư cơ giới hoáđã góp phần tích cực trong việc nâng cao giá trị sản xuất. Từ cung cấp nước, làm đất, đến thu hoạch, vận chuyển và phơi sấy từng bước được cơ giới hoá. Nếu trước năm 1997 toàn huyện chỉ có 1 trạm bơm điện thì đến nay cơ bản điện khí hóa khâu tưới tiêu, cơ giới hóa khâu thu họach và sau thu hoạch (trên 95% diện tích tưới tiêu bằng bơm điện, trên 99% diện tích gặt bằng máy, 100% sản lượng lúa nếp của huyện được sấy và các vùng lân cận).
Mô hình sản xuất rau màu theo hướng an toàn, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao bước đầu đạt kết quả khả quan thông qua việc tổ chức tham quan học tập kinh nghiệm, hỗ trợ các mô hình thí điểm, tập huấn nâng cao kiến thức, hiện có 14 nhà lưới, 09 nhà trồng nấm, 02 tổ sản xuất rau an toàn và được Chi cục Trồng trọt & Bảo vệ thực vật cấp giấy chứng nhận 01 vùng sản xuất rau an, hỗ trợ tem sản xuất rau trồng trong nhà lưới theo hướng an toàn nhằm nâng cao nhận thức của người sản xuất cung cấp các sản phẩm đảm bảo chất lượng, an toàn.
Bên cạnh thuận lợi và những thành tựu đáng trân trọng, nông nghiệp Phú Tân cũng không tránh khỏi những khó khăn, tồn tại, hạn chế (thậm chí là yếu kém) cần nghiêm túc nhìn nhận, rút kinh nghiệm và tìm cách khắc phục. Ngoài các yếu tố khách quan như thời tiết thất thường, dịch bệnh tiểm ẩn nguy cơ bùng phát và thị trường đầy biến động (giá cá tra, giá heo hơi dưới giá thành, giá lúa gạo có nguy cơ giảm thấp, giá các loại nông sản khác quá bấp bênh ...) thì các yếu tố chủ quan cũng rất quan trọng. Đó là: cơ sở hạ tầng kỹ thuật chưa hoàn thiện, sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, thiếu quy hoạch tổng thể, quản lý quy hoạch còn bất cập, tư duy liên kết tuy được hình thành nhưng chưa rộng rãi và sẵn sàng, việc khủng hoảng thừa đối với sản phẩm nếp chưa tìm lời giải thuyết phục; phục hồi nghề nuôi cá tra còn quá khó khăn, kinh tế hợp tác cần tiếp tục củng cố, nâng chất ... Tất cả điều đó ảnh hưởng không nhỏ đến tiến trình liên kết sản xuất hàng hóa quy mô lớn và hướng đến bền vững.
Trong xu thế hội nhập, con đường phía trước còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng những thành tựu đạt đuợc trên lĩnh vực nông nghiệp là rất quan trọng; ghi nhận kết quả lớn lao từ các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nuớc và sự đóng góp của toàn dân, nhất là quá trình lao động sáng tạo của nhân dân và cán bộ huyện nhà. Trong thời gian tới, tiếp tục phát huy những thành tựu đạt được, với những chủ trương, chính sách hợp lòng dân, với đội ngũ cán bộ KHKT vững chuyên môn, tâm huyết với nghề và không ngừng học tập để nâng cao nghiệp vụ, cộng với nguồn nhân lực dồi dào, sự cần cù và sáng tạo của nông dân… tin chắc rằng Phú Tân sẽ tiếp tục tiến từng bước vững chắc trên con đường công nghiệp hóa - hiện đại hoá nông nghiệp – nông thôn, góp phần quan trọng cho tiến trình xây dựng nông thôn mới trên phạm vi toàn huyện.
Tin khác
- Khảo sát Chỉ số đánh giá chất lượng dịch vụ, vật tư nông nghiệp
- Hội thi Sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu tỉnh An Giang lần thứ VII/2024
- Một tỷ phú An Giang trồng lúa theo kiểu "mặt ruộng không dấu chân" là Nông dân Việt Nam xuất sắc 2024
- Phú Tân triển khai Đề án 01 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao trong vụ Thu Đông 2024 với diện tích 100 hecta
- Phú Thọ xuống giống 05 héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao.
- Xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu Nếp Phú Tân