Phong trào nông dân

An Giang: Nhiều chương trình hành động hướng về nông dân sẽ được Hội triển khai trong nhiệm kỳ mới

29/06/2023 15:04

Trong 5 năm qua, Hội Nông dân (ND) An Giang đã tạo được dấu ấn khi tổ chức nhiều chương trình, hoạt động thiết thực với quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên, nông dân.

Ông Nguyễn Văn Nhiên, Uỷ viên Ban Thường vụ T.Ư Hội NDVN, Tỉnh uỷ viên, Chủ tịch Hội ND tỉnh An Giang chia sẻ về cách làm; những nỗ lực của các cấp Hội và hội viên ND An Giang; thành công, bài học kinh nghiệm và hướng đi mới, cách làm mới cho nhiệm kỳ tới.

PV: Thưa ông, nhiệm kỳ 2017-2023 sắp khép lại, để đánh giá kết quả nhiệm kỳ qua, theo ông Hội Nông dân (ND) An Giang đã xây dựng kế hoạch hành động ra sao để tạo ra những bước đột phá về công tác Hội và phong trào nông dân trong nhiệm kỳ 5 năm qua?

Ông Nguyễn Văn Nhiên: Trong nhiệm kỳ 2018-2023, thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Hội NDVN (khóa VII) và Nghị quyết Đại hội Đại biểu Hội ND tỉnh An Giang khóa IX, Hội ND tỉnh An Giang đã có những bước đột phá trong công tác Hội và phong trào nông dân, thể hiện qua những kết quả nổi bật sau:

Chương trình xây dựng NTM đã được triển khai đồng bộ, huy động được sự tham gia của cả hệ thống chính trị, tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân và 75 xã được công nhận đạt chuẩn xã NTM (trong đó, có 30 xã đạt chuẩn NTM nâng cao). Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của tỉnh đã tạo ra thương hiệu cho từng địa phương đem lại giá trị kinh tế cao, đến nay, có 54 Chủ thể kinh tế có sản phẩm đạt chứng nhận OCOP (bao gồm: 04 Hợp tác xã, 23 Doanh nghiệp, 21 Cơ sở sản xuất) với 88 sản phẩm đạt chứng nhận “Sản phẩm OCOP” từ 3 sao trở lên (trong đó: 02 sản phẩm đạt 5 sao-cấp Quốc gia, 16 sản phẩm 4 sao, 70 sản phẩm 3 sao).

 

Ông Nguyễn Văn Nhiên, Uỷ viên Ban Thường vụ Trung ương Hội NDVN, Tỉnh uỷ viên, Chủ tịch Hội ND tỉnh An Giang

Tổ chức bộ máy và cán bộ tham mưu giúp việc của các cấp Hội tiếp tục đổi mới, sắp xếp, củng cố, nâng cao chất lượng; tổ chức bộ máy và cán bộ tinh gọn, hoạt động hiệu quả theo Quy định 212-QĐ/TW của Ban Bí thư, Nghị quyết 39-NQ/TW của Bộ Chính trị và hướng dẫn của Trung ương Hội, đã sắp xếp tổ chức bộ máy Hội ND tỉnh từ 08 đầu mối giảm xuống còn 04 đầu mối, đến năm 2023 giảm từ 37 biên chế còn 27 biên chế bố trí cho 18 danh mục vị trí việc làm. Tổ chức bộ máy của Hội ND cấp huyện, thị, thành và 152 cơ sở Hội từng bước được kiện toàn theo hướng tinh gọn, nâng cao hiệu quả hoạt động, phù hợp chức năng nhiệm vụ được giao.

Được Trung ương Hội NDVN đầu tư dự án “Xây dựng nâng cấp và bổ sung trang thiết bị Trung tâm Hỗ trợ ND” tại cơ sở 1 và cơ sở 2, trị giá 27 tỷ đồng; Tăng trưởng Quỹ HTND lớn gần 42 tỷ đồng, tăng trên 2 lần so năm 2018 đầu tư cho chuyển đổi mô hình sản xuất, không có nợ quá hạn;

Thành lập Đoàn tham dự Hội thi “Nhà nông đua tài” toàn quốc lần thứ V-2022 Khu vực IV tại tỉnh Bạc Liêu và Đội An Giang đạt giải Nhất bảng G vòng thi Khu vực IV. Đồng thời, Đội tham gia dự thi đã đạt giải Nhất bảng IV vòng Bán kết và giải Nhất vòng Chung kết toàn quốc tại Hội thi Nhà nông đua tài toàn quốc lần VI - năm 2022 được tổ chức tại tỉnh An Giang.

Xây dựng và triển khai thực hiện hiệu quả Kế hoạch tuyên truyền Hội thi Nhà nông đua tài toàn quốc lần thứ V/2022 và chuỗi sự kiện “Ngày Hội Tam Nông” do Trung ương Hội NDVN tổ chức tại tỉnh An Giang. Thực hiện thành công Kế hoạch Cuộc thi “Mâm cơm ngon, bổ dưỡng từ vườn nhà” được tổ chức trong khuôn khổ Hội thi “Nhà nông đua tài” toàn quốc và “Ngày Hội Tam Nông – An Giang, năm 2022”.

Tổ chức thành công 02 lần Đại hội tuyên dương “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi” lần thứ XVIII, XIX, có trên 180.000  lượt nông dân được công nhận danh hiệu nông dân giỏi 04 cấp.

Tổ chức thành công 02 Hội thao nông dân tỉnh An Giang lần thứ V (năm 2020), VI (năm 2022), Liên hoan văn nghệ Nông dân lần IV (năm 2019).

Trong nhiệm kỳ, 100% đơn vị Hội cấp huyện đạt vững mạnh; 100% cơ sở Hội đạt vững mạnh; trên 98% chi hội xây dựng đầy đủ 04 chủ động, đạt vững mạnh và khá (vượt chỉ tiêu Đại hội đề ra). Kết nạp được 49.013 hội viên, tăng 108,92% so với chỉ tiêu Trung ương giao, thành lập được 173 Chi hội nông dân nghề nghiệp; 1.226 Tổ hội ND nghề nghiệp, giúp nông dân hợp tác làm ăn, thu hút  hội viên nông dân tham gia, gắn bó với Hội nhiều hơn. thành lập được 86 CLB Nông dân pháp luật có 2.897 thành viên và 07 CLB Nông dân an toàn giao thông với 490 thành viên.

Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững được hội viên nông dân hưởng ứng và thực hiện có hiệu quả, chất lượng nông dân giỏi tăng lên đáng kể qua từng năm được thể hiện qua tổng doanh thu theo ngành nghề và thu nhập bình quân nông dân giỏi tăng 32% so với nhiệm kỳ trước.

Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho nông dân được quan tâm, đáp ứng nhu cầu ngành nghề, mang lại kết quả tốt, tỷ lệ có việc làm sau đào tạo là trên 98%.

Phối hợp với ngành Nông nghiệp, các doanh nghiệp thực hiện chuỗi sản xuất tiêu thụ lúa tham gia cánh đồng lớn với hình thức gieo sạ rải vụ để đảm bảo thu hoạch và tiêu thụ không bị ách tắc, thí điểm trên 04 vùng sinh thái với tổng diện tích 40.000 ha.

PV: Với vai trò là người tổ chức đại diện chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của hội viên nông dân, trong nhiệm kỳ qua, Hội ND tỉnh An Giang đã tổ chức các chương trình, hoạt động cụ như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Nhiên: Ngoài những hoạt động mang tính đột phá của công tác Hội và phong trào nông dân Hội ND An Giang trong nhiệm kỳ 2018-2023 đã tổ chức những hoạt động chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của hội viên nông dân cụ thể sau:

Tổ chức nhiều cuộc đối thoại với nông dân để nắm bắt và phản ánh, đề xuất kịp thời tâm tư, nguyện vọng của nông dân đến Đảng, Nhà nước và các ngành, các cấp liên quan.

Kết nối với các tổ chức quốc tế, Trung ương Hội NDVN và các sở, ngành cấp tỉnh xây dựng, kêu gọi đầu tư được 10 dự án, đề án, như: Dự án Nâng cao lợi ích từ sản xuất và tiêu thụ đường thốt nốt; Dự án VECO; Dự án hỗ trợ bò giống sinh sản cho đồng bào dân tộc Khmer; Dự án tuyên truyền, vận động nông dân áp dụng canh tác lúa thân thiện với môi trường; Dự án thúc đẩy tiếp cận an sinh xã hội và điều kiện lao động tốt hơn cho nữ nông dân và lao động thời vụ nông nghiệp trong chuỗi giá trị tôm và lúa gạo tỉnh An Giang năm 2023 – 2026; Dự án Quỹ toàn cầu phòng chống Lao, ....

 

Chủ tịch Hội Nông dân An Giang đi thăm mô hình trồng sầu riêng của hội viên ND xuất sắc làm kinh tế giỏi

Làm tốt công tác an sinh xã hội, nhất là vùng biên giới, dân tộc hỗ trợ tole (nhà ở) trên 350 căn nhà cho hộ nghèo; vận động trên 98% hội viên nông dân tham gia bảo hiểm y tế; cung cấp trên 200 máy lọc nước cho hội viên, nông dân sử dụng;  hình thành vùng nguyên liệu sản xuất theo chuỗi giá trị và bao tiêu sản phẩm cho hội viên nông dân với diện tích 110.000 ha/ mỗi vụ nhằm giúp nông dân an tâm sản xuất; hỗ trợ 1.057 thành viên doanh nhân nông thôn xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế trang trại, gia trại gắn với quảng bá và xây dựng thương hiệu sản phẩm.

Phối hợp các Công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh giới thiệu, tổ chức hội thảo - tập huấn ứng dụng phân hữu cơ, chế phẩm sinh học trong chăn nuôi, trồng trọt, thủy sản, nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập cho nông dân, góp phần bảo vệ môi trường, Thực hiện trình diễn về mô hình công nghệ sinh thái “ruộng lúa bờ hoa”, mô hình “đồng ruộng không dấu chân”;  “Lộc trời 123”, mô hình “ứng dụng chế phẩm vi sinh trong phát triển chăn nuôi heo thịt theo hướng an toàn sinh học”.

Hằng năm, tổ chức Phiên chợ nông sản an toàn và Hội thi sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu kết nối cung cầu cho nông dân, qua đó hỗ trợ trên 60 sản phẩm đoạt giải cao trong hội thi xây dựng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu, thương hiệu nông sản. Đặc biệt, phối hợp với Bưu Điện tỉnh tạo thành công 2.740 tài khoản cho các hộ SXNN và đăng thành công 137 sản phẩm trong toàn tỉnh lên sàn Thương mại điện tử Postmart.vn.

Thành lập mới 528 THT nâng toàn tỉnh hiện có 1.087 THT với 15.925 thành viên, quản lý diện tích gần 48.529 ha (tăng 278 THT so năm 2018); 267 CLB Nông dân với 7.158 thành viên, diện tích là 5.300 ha; tham gia củng cố, vận động thành lập mới được 102 HTX.NN với 9.182 thành viên. Toàn tỉnh có 211 HTX.NN 18.999 thành viên; quy mô vốn 42,936 tỷ đồng (tăng 107 HTX.NN so năm 2018). Đồng thời, tham gia cùng Liên minh Hợp tác xã tỉnh và Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc trời, UBND huyện tổ chức vận động thành lập 02 Liên hiệp hợp tác xã tại huyện Thoại Sơn và Tri Tôn.

Cùng cấp ủy, chính quyền địa phương vận động các công ty, doanh nghiệp, mạnh thường quân hỗ trợ và đã cấp phát trên 70.000 phần quà, trị giá trên 35 tỷ đồng cho hội viên nông dân nghèo. Riêng Hội ND tỉnh đã trực tiếp thăm và tặng 1.204 phần quà, hỗ trợ 300 bộ tole, trên 30.000 tấn lúa giống, 150 xe đạp tổng trị giá trên 5 tỷ đồng. Phối hợp với MTTQ hỗ trợ cất và sửa chữa nhà cho hội viên, nông dân được 334 căn với tổng kinh phí hơn 11,5 tỷ đồng.

PV: Để chào mừng Đại hội Hội ND các cấp, Hội ND An Giang đã phát động, tổ chức, triển khai những hoạt động đặc biệt, thiết thực nào thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Nhiên: - Xây dựng kế hoạch tuyên truyền Đại hội để đông đảo cán bộ, hội viên nông dân và toàn xã hội nhận thức đầy đủ, đúng đắn về vị trí, vai trò của Hội ND và giai cấp NDVN, truyền thống vẻ vang và những đóng góp to lớn của tổ chức Hội và giai cấp NDVN trong các giai đoạn mới dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam; tạo sự thống nhất về nhận thức, hành động của cán bộ, hội viên nông dân, sự quan tâm, ủng hộ của cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền các cấp và toàn xã hội để tổ chức thành công đại hội và sớm đưa Nghị quyết đại hội Hội ND các cấp và Đại hội đại biểu toàn quốc Hội NDVN lần thứ VIII vào thực tiễn công tác Hội và phong trào nông dân;

Biểu dương các tập thể, cá nhân nông dân tiêu biểu trên các lĩnh vực, những mô hình có hiệu quả, các nhân tố mới trong các phong trào thi đua yêu nước, nhất là trong phong trào xây dựng NTM, phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”;

Xây dựng các phóng sự tuyên truyền kết quả thực hiện các phong trào của Hội và những hoạt động sôi nổi của nông dân cả nước thi đua lập thành tích chào mừng đại hội, phóng sự giới thiệu một số gương nông dân điển hình trong phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”;

Phát động trong hệ thống Hội thực hiện các công trình, phần việc chào mừng Đại hội đại biểu nông dân các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc Hội NDVN lần thứ VIII.

PV: Thưa ông, tiến tới Đại hội nhiệm kỳ 2023-2028, Hội ND An Giang đã có kế hoạch, giải pháp ra sao dựa trên những kinh nghiệm và bài học từ nhiệm kỳ trước để đưa công tác Hội và phong trào nông dân ngày càng phát triển?

Ông Nguyễn Văn Nhiên: Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI có đề ra giải pháp đầu tiên trong phát triển kinh tế - xã hội, đó là “Đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng trong nông nghiệp, xây dựng thương hiệu nông sản, mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao chất lượng, giá trị, sức cạnh tranh hàng hóa nông sản An Giang”. Để thực hiện tốt giải pháp này, trên cơ sở chỉ đạo của Ban Thường vụ Trung ương Hội NDVN, với Chủ đề: “Đoàn kết - Dân chủ - Sáng tạo - Hội nhập - Phát triển” Đại hội lần thứ X nhiệm kỳ 2023-2028, Hội ND tỉnh An Giang xác định yêu cầu sắp tới của Hội ND An Giang là: Tập trung phát huy vai trò nông dân giỏi đẩy mạnh tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng tiến bộ, ứng dụng mạnh mẽ khoa học - công nghệ trong sản xuất và quảng bá sản phẩm; tạo chuyển biến rõ nét trong việc hình thành mô hình sản xuất-sản phẩm-tiêu thụ về nông nghiệp mang tính đặc thù từng địa phương cùng liên kết các huyện, tỉnh trong khu vực; từng bước nâng cao thu nhập, đời sống nông dân, nâng cao vai trò, vị trí tổ chức Hội trong tập hợp, tổ chức nông dân xây dựng nông thôn mới, xây dựng Hội vững mạnh toàn diện.

 

Chủ yếu tập trung vào những công việc sau

Tiếp tục tập trung quán triệt và triển khai thực hiện tốt Nghị quyết số 19-ND/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045; Nghị quyết số 20-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới.

Chương trình hành động số 17-CTr/TU ngày 16/12/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh An Giang về thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới” trên địa bàn tỉnh An Giang; tập trung ruộng đất theo mô hình liên kết, hợp tác sản xuất, nâng cao giá trị và tính cạnh tranh của sản phẩm; vận động, hướng dẫn nông dân hợp tác liên kết theo chuỗi giá trị, sản xuất lúa theo mô hình “Cánh đồng lớn”, chuỗi giá trị, rau màu, thủy sản, cây ăn trái thực hiện sản xuất theo các quy trình tiên tiến, thân thiện với môi trường, an toàn sinh học và an toàn vệ sinh thực phẩm; kết nối hợp tác các doanh nghiệp đầu tư mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị phát triển theo hướng bền vững, đảm bảo cung cấp nguồn sản phẩm hàng hóa chất lượng cao phục vụ nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu.

Xây dựng người nông dân thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế.

Các cấp Hội tranh thủ với chính quyền địa phương hàng năm bổ sung ngân sách cho Quỹ Hỗ trợ ND, đồng thời vận động các doanh nghiệp, nông dân, các đối tượng khác để tăng trưởng vốn, tạo nguồn để tổ chức các hoạt động dịch vụ, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh nâng cao đời sống cho nông dân.

Đặc biệt phát huy vai trò Câu lạc bộ doanh nhân nông thôn, Hợp tác xã doanh nhân nông thôn tỉnh, xây dựng chuổi Cửa hàng sản phẩm nông sản nhằm tạo cơ hội quảng bá và tiêu thụ các sản phẩm OCOP của tỉnh cũng như các sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của nông dân An Giang.

Tham gia xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc và tăng cường công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế.

Ngô Trọng (tapchinongthonmoi.vn)