Trung tâm Dạy nghề & Hỗ trợ Nông dân

Hội thảo tổng kết dự án canh tác lúa thân thiện với môi trường

18/10/2023 17:14

Sáng ngày 18/10/2023, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức Hội thảo tổng kết dự án “Tuyên tuyền, vận động nông dân áp dụng canh tác lúa thân thiện với môi trường tại Việt Nam” giai đoạn 2020 – 2023.

Tham dự hội thảo có đồng chí Lương Quốc Đoàn Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam; Bà Yip Sui Pik Susanna, Cố vấn cao cấp Tổ chức EarthCare Foundation; PGS. TS Nguyễn Xuân Hồng, nguyên Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, cố vấn cao cấp của dự án; cùng các đồng chí lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh, thành phố và các hội viên nông dân tiêu biểu tham gia dự án.

Mục tiêu chính của dự án nhằm giúp nông dân thích ứng với biến đổi khí hậu bằng cách hỗ trợ nông dân và tổ chức của họ tại vùng nông thôn Việt Nam, góp phần giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu và phát triển nông nghiệp hiện đại và bền vững. Giúp hỗ trợ về kỹ thuật canh tác, quảng bá sản phẩm lúa thân thiện với môi trường, nhằm nâng cao nhận thức của nông dân, người tiêu dùng và các bên liên quan về lợi ích của phương pháp cánh tác lúa thân thiện với môi trường.

Dự án được triển khai tại 24 tỉnh, thành phố trong nước, trong đó An Giang đã tổ chức triển khai thực hiện tại 04 xã Hòa An, An Thạnh Trung, Tây Phú và Vọng Đông.

Kết quả thực hiện dự án:

- Dự án đã tổ chức hơn 390 lớp tập huấn về kỹ thuật canh tác lúa thân thiện với môi trường với sự tham gia của hơn 8.700 lượt hội viên nông dân, các khóa tập huấn tập trung vào việc cung cấp kiến thức lý thuyết về 03 kỹ thuật: tưới ướt khô xen kẻ, sử dụng rơm rạ đúng cách và bón phân hợp lý cũng như hướng dẫn việc áp dụng các kỹ thuật một cách hiệu quả tại ruộng. Ngoài ra dự án còn tổ chức các buổi hội thảo đầu bờ nhằm đánh giá khả năng sinh trưởng, đẻ nhánh, kháng sâu bệnh, chống chịu đổ ngã… của cây lúa áp dụng phương pháp canh tác lúa thân thiện với môi trường.

- Tổ chức tập huấn về ứng dụng khoa học hành vi trong tuyên truyền, vận động nông dân do các chuyên gia khoa học hành vi hàng đầu của tổ chức Influence At Work giảng dạy cho gần 200 lượt cán bộ Hội các cấp. Qua đó cung cấp những kiến thức hoàn toàn mới về ứng dụng khoa học thay đổi hành vi trong việc can thiệp vào thái độ của nông dân và từng bước thay đổi tập quán canh tác của họ theo hướng thân thiện với môi trường

- Dự án đã xây dựng được mạng lưới gần 300 chuyên gia và cán bộ kỹ thuật để hỗ trợ các hộ nông dân tham gia dự án và các hộ nông dân có mong muốn áp dụng canh tác lúa thân thiện với môi trường.

- Hơn 633.000 hộ nông dân với hơn 2.533.000 nông dân tại 24 tỉnh, thành phố tham gia dự án đang áp dụng ít nhất 01 kỹ thuật canh tác lúa thân thiện với môi trường trên diện tích hơn 314.000 ha.

- 100% các nông dân tham gia dự án đã cắt giảm từ 20% đến 80% phân đạm hóa học, giúp tiết kiệm chi phí, tăng năng suất và nâng cao thu nhập. Tỷ lệ nông dân đốt rơm rạ giảm đáng kể ở các tỉnh tham gia dự án, có nơi tỷ lệ không đốt rơm rạ đạt đến 80%...

Cũng tại hội thảo, các đại biểu được nghe báo cáo đánh giá hiệu quả giảm phát thải khí nhà kính và tính toán dấu vết các-bon cho sản phẩm lúa gạo canh tác thân thiện với môi trường. Và được chia sẻ những kinh nghiệm hay trong triển khai thực hiện dự án, về việc tuyên truyền vận động nông dân thông qua các hợp tác xã, tổ hợp tác, chi tổ hội nghề nghiệp canh tác lúa thân thiện với môi trường; những kinh nghiệm trong kết nối, tiêu thụ sản phẩm gạo, kinh nghiệm lồng ghép hoạt động khuyến nông trong triển khai thực hiện dự án.

Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Nguyễn Văn Nhiên chủ tịch Hội Nông dân tỉnh An Giang có một số ý kiến đề xuất:

- Cần tiếp tục tuyên truyền nhân rộng để thay đổi hành vi nhận thức của người nông dân trong việc áp dụng canh tác lúa thân thiện với môi trường.

- ­Cần tiếp tục thực hiện tập huấn nâng cao năng lực cho nông dân, nhóm nông dân để quản lý tốt ruộng lúa của mình, cùng nông dân từng bước khắc phục các tiêu chí khó (kế hoạch mùa vụ, quản lý dịch hại, quản lý rơm rạ, hướng dẫn an toàn khi sử dụng thuốc BVTV,…) để đạt tiêu chuẩn sản xuất lúa thân thiện với môi trường.

- Đối với mô hình sản xuất lúa thân thiện với môi trường cần tiếp tục thực hiện với quy mô lớn hơn và nhân rộng mô hình cũng như xây dựng vùng liên kết tiêu thụ thuận tiện hơn.

- Cần tiếp tục tập huấn nâng cao năng lực và thực hiện mô hình ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa từ khâu gieo sạ, bón phân, phun thuốc sử dụng thiết bị bay không người lái vào sản xuất với quy mô lớn mang tính cộng đồng nhằm đảm bảo sức khỏe cho người sản xuất, vừa giúp kiểm soát, quản lý tốt đồng ruộng và tạo thành vùng nguyên liệu lúa gạo lớn, thu hút được doanh nghiệp thu mua với giá cao hơn.

- Trước tình hình giá vật tư tăng cao như hiện nay, cần nghiên cứu thực hiện các mô hình sản xuất lúa giảm chi phí để tăng lợi nhuận cho nông dân.

Nhựt Quang.