Trung tâm Dạy nghề & Hỗ trợ Nông dân

Khởi động Dự án hỗ trợ nữ nông dân và lao động thời vụ nông nghiệp trong chuỗi giá trị tôm và lúa gạo tại An Giang.

22/08/2023 09:29

Sáng ngày 22/8, tại An Giang, Ban quản lý Dự án “Thúc đẩy tiếp cận an sinh xã hội và điều kiện lao động tốt hơn cho nữ nông dân và lao động thời vụ nông nghiệp trong chuỗi giá trị tôm và lúa gạo tỉnh An Giang tổ chức hội thảo khởi động dự án...

Dự án do Ban Đối ngoại và Hợp tác quốc tế Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp Tổ chức Oxfam tại Việt Nam triển khai thực hiện từ 2022 đến 2026 tại 5 tỉnh An Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang và Sóc Trăng.

Tham dự hội thảo có Ông Nguyễn Văn Nhiên - Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh An Giang; Đại diện Bảo hiểm Xã hội tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, Trung tâm Khuyến Nông - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang và Hội Nông dân hai huyện Tri Tôn, Thoại Sơn

Phát biểu tại Hội thảo Ông Nguyễn Văn Nhiên cho biết Đồng bằng Sông Cửu Long là vùng sản xuất nông nghiệp lớn nhất cả nước, trong đó, sản xuất tôm và lúa chiếm lần lượt 95% và 58% sản lượng cả nước, đóng vai trò quan trọng đối với nền kinh tế khu vực và cả nước. Hai phân ngành này sử dụng nhiều lao động, thu hút sự tham gia của hơn 10 triệu nông dân quy mô nhỏ và công nhân. Tuy nhiên, hai chuỗi giá trị này hiện vẫn còn tồn tại một số thách thức trong lĩnh vực an sinh xã hội, quyền lao động và bình đẳng giới.

Ông Nguyễn Văn Nhiên phát biểu khai mạc Hội thảo

Thứ nhất, là vấn đề rào cản trong tiếp cận an sinh xã hội. Một số chính sách xã hội thiếu bền vững chưa phát huy được tính tự chủ, tự lực, tự chí vươn lên của người dân, nhất là nông dân nghèo dẫn đến tình trạng người dân còn ỷ lại, trông chờ vào sự trợ cấp của Nhà nước. Hệ thống chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội chưa theo kịp tình hình phát triển kinh tế xã hội, chưa thích ứng với quá trình già hóa dân số. Nông dân lao động thời vụ nông nghiệp mặc dù là nhóm sản xuất chính và chiếm phần lớn lực lượng lao động trong chuỗi giá trị nhưng là nhóm có thu nhập thấp nhất trong chuỗi giá trị, sự hiểu biết hạn chế nên việc tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện chiếm tỷ lệ thấp.

Thứ hai, vấn đề an toàn vệ sinh lao động. Những năm qua, cùng với sự phát triển của khoa học - công nghệ, việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào nông nghiệp nói chung và trong ngành sản xuất lúa - tôm nói riêng đã góp phần giải phóng sức lao động, nâng cao hiệu quả sản xuất, cải thiện đời sống người nông dân. Tuy nhiên, do trình độ, nhận thức về vấn đề vệ sinh an toàn lao động còn hạn chế, việc sử dụng các loại hóa chất, phân bón, thuốc trừ sâu, sử dụng thiết bị máy móc… của một bộ phận nông dân còn có nhiều bất cập, khiến nông dân phải đối mặt với nhiều rủi ro (về sức khỏe, tài sản…) trong quá trình lao động.

Thứ ba, quyền tiếp cận việc làm tử tế và phát triển sinh kế bền vững của các nữ nông dân và lao động thời vụ nông nghiệp không được đảm bảo. Thiếu các chính sách hỗ trợ hiệu quả từ các bên liên quan. Nguyên nhân là do hạn chế về năng lực, hạn chế về tiếp cận nguồn lực sản xuất như đất đai, nước và vốn.

Thứ tư, vấn đề bất bình đẳng giới. Định kiến giới còn cản trở phụ nữ học nghề và tham gia tích cực vào các hoạt động sản xuất, hạn chế cơ hội tham gia thị trường lao động của họ. Phụ nữ vẫn bị đánh giá thấp trong thị trường lao động và không được hưởng lợi từ tăng trưởng kinh tế và tiếp cận an sinh xã hội. Do đó vấn đề lồng ghép giới trong các chương trình giảm nghèo và an sinh xã hội cần được quan tâm hơn nữa trong thời gian tới.

Chính vì những lý do đó, sự ra đời của Dự án là nhằm giúp các nữ nông dân và lao động thời vụ nông nghiệp trong chuỗi giá trị tôm và lúa gạo được tiếp cận an sinh xã hội, chính sách bảo trợ xã hội, việc làm tử tế/sinh kế bền vững, cải thiện điều kiện lao động.

Với Mục tiêu tổng thể của Dự án: Đến năm 2026 sẽ có 16.800 nữ nông dân và lao động thời vụ nông nghiệp trong chuỗi giá trị tôm và lúa gạo tại 5 tỉnh tham gia. Trong đó tỉnh An Giang sẽ phải thực hiện vận động 3.360 nữ nông dân tham gia.

Đại biểu Hội Nông dân huyện Thoại Sơn

Tại hội thảo ban tổ chức đã triển khai một số vấn đề liên quan: Vai trò của Hội Nông dân trong thực hiện chính sách An sinh xã hội, phúc lợi đối với hội viên nông dân trên địa bàn tỉnh, chương trình phối hợp với Trung ương Hội Nông dân Việt Nam; Phổ biến chính sách, pháp luật về BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình và 2 tham luận về tác động của biến đổi khí hậu đến an sinh xã hội trong ngành nông nghiệp và phụ nữ nông thôn trên địa bàn tỉnh; An toàn lao động và bình đẳng giới trong lĩnh vực Nông nghiệp.

Dự án “Thúc đẩy tiếp cận An sinh xã hội và điều kiện lao động tốt hơn cho nữ nông dân và lao động thời vụ nông nghiệp trong chuỗi giá trị tôm và lúa gạo tại Việt Nam” sẽ được thực hiện trong 05 năm (2022 - 2026) tại 05 tỉnh An Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang và Sóc Trăng, mang lại lợi ích cho 16.800 nữ nông dân và lao động thời vụ nông nghiệp trong chuỗi giá trị tôm và lúa gạo ở đồng bằng sông Cửu Long.

Đại biểu Hội Nông dân huyện Tri Tôn

TVB