Tuyên truyền

Hội Nông dân xã Phú Thọ Tổ chức sinh hoạt mô hình Bảo vệ môi trường.

29/01/2024 08:22

Thực hiện chỉ tiêu về tham gia xây dựng Nông thôn mới thuộc Tiêu chí III trong bảng Chỉ tiêu giao ước thi đua với Hội Nông dân huyện hằng năm, Hội Nông dân xã đã tiếp tục duy trì mô hình nông dân tham gia Bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Chiều ngày 25 tháng 01 năm 2024, Hội Nông dân xã Phú Thọ, huyện Phú Tân đã tổ chức sinh hoạt mô hình nông dân tham gia Bảo vệ môi trường (BVMT), lồng ghép tuyên truyền, hướng dẫn phân loại rác tại nguồn cho hội viên nông dân và bà con Nhân dân trên địa bàn ấp Phú Hậu, xã Phú Thọ, huyện Phú Tân.

Sinh hoạt mô hình Nông dân tham gia BVMT lồng ghép tuyên truyền

Hiện nay, với sự phát triển nhanh của xã hội, với nhịp sống hối hả cần sử dụng các vật dụng mang tính tiện lợi như đồ bằng nhựa dùng một lần, thì lượng chất thải được sinh ra nhiều hơn. Điều này có nghĩa là việc phân loại và tái chế là điều cần thiết để giảm nguồn chất thải, mà trong số đó, phần lớn các loại chất thải được tạo ra có thể được phân loại một cách đơn giản ngay tại hộ gia đình.

Rác thải sinh hoạt trước khi được đưa đi xử lý, cần được phân loại ngay tại hộ gia đình. Thông thường là phân loại theo các nhóm sau: 

- Rác hữu cơ dễ phân hủy: là các loại rác dễ bị thối rữa trong điều kiện tự nhiên sinh ra mùi hôi thối như: các loại thức ăn thừa, hư hỏng (rau, cá chết...), vỏ trái cây,...

- Rác thải khó phân hủy được chia làm 2 loại: rác tái chế và không tái chế. Rác tái chế là các loại rác có thể sử dụng lại nhiều lần trực tiếp hoặc chế biến lại như: giấy, các tông, kim loại (khung sắt, máy tàu hỏng,...), các loại nhựa.... Còn lại các loại rác không tái chế là phần thải bỏ.

Hướng dẫn phân loại rác

Theo đó, phân loại rác tại nguồn là một chủ trương hoàn toàn đúng đắn. Bởi rác thải nếu chỉ chôn lấp hoặc đốt theo cách thông thường sẽ gây rất nhiều lãng phí như: tốn diện tích, chi phí vận hành các bãi chôn lấp hoặc các lò đốt… Lại còn gây ô nhiễm môi trường, gây hại cho sức khỏe con người...

Tại buổi tuyên truyền, Hội Nông dân cũng đã tranh thủ nguồn kinh phí xây dựng Nông thôn mới, trao tặng cho hội viên đến dự mỗi hộ một thùng đựng rác có kích thước phù hợp với việc chứa rác thải sinh hoạt của hộ gia đình.

Trao tặng thùng đựng rác cho hội viên

Tình trạng rác thải và phân loại rác thải hiện nay chưa được người dân quan tâm đúng mức, hầu hết mọi người đều quan niệm cái gì không xài được thì vứt vào sọt rác. Hơn thế nữa, một bộ phận rất lớn người dân cho rằng, việc phân loại rác là do đơn vị quản lý rác thải thực hiện. Tuy nhiên, với lượng rác thải khổng lồ được thu gom mỗi ngày như hiện nay thì việc phân loại rác gặp rất nhiều khó khăn và tốn kém, thậm chí còn gây quá tải cho các khu thu gom xử lý rác.

Việc xử lí rác thải là một vấn đề cần được quan tâm trong mọi hoạt động sinh hoạt và sản xuất kinh doanh của con người. Nó góp phần làm giảm nguy cơ gây ô nhiễm và hạn chế tối đa các chất thải tồn đọng từ việc sinh hoạt và sản xuất của con người ra môi trường. Do vậy, việc nâng cao ý thức của con người chính là yếu tố quyết định đến việc bỏ rác đúng nơi quy định cũng như việc phân loại rác thải.

Qua buổi sinh hoạt, lồng ghép tuyên truyền, Hội Nông dân xã Phú Thọ cũng đã phát các tờ rơi cho bà con về các nhóm rác thải hữu cơ dễ phân hủy, rác tái chế và rác không tái chế, đồng thời hướng dẫn cho bà con cách phân loại rác tại nguồn.

Hội Nông dân xã Phú Thọ phát tờ rơi hướng dẫn phân loại rác tại nguồn cho hội viên

Bên cạnh đó, trong hoạt động thường xuyên của Hội, Hội còn tổ chức nhiều đợt ra quân, huy động cán bộ, hội viên nông dân tham gia dọn dẹp vệ sinh, tạo vẽ mỹ quan tại các tuyến đường, khu dân cư trên địa bàn xã.

5(Huy động cán bộ, hội viên nông dân tham gia BVMT)

Thời gian tới, Hội Nông dân tiếp tục đẩy mạnh, xây dựng và nhân rộng các mô hình bảo vệ môi trường; tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân nâng cao nhận thức, chấp hành các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ môi trường; Vận động chi hội tiếp tục lựa chọn đăng ký, đảm nhận một việc làm cụ thể trong công tác bảo vệ môi trường; tham mưu với cấp ủy, chính quyền xây dựng và nhân rộng mô hình phân loại, xử lý rác thải tại các hộ gia đình. Tích cực tham gia vào các chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, ứng phó với biến đổi khí hậu. Qua đó, góp phần xây dựng bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới, sạch đẹp, tiến gần hơn tới mục tiêu xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao./.

 

Bích Hạnh (Phú Thọ - Phú Tân)