Tuyên truyền

Vận dụng Tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM.

21/05/2024 14:25

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng và nhấn mạnh vai trò quan trọng của nông nghiệp, nông dân, nông thôn: “Nông dân ta giàu thì nước ta giàu. Nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh” và khẳng định: “Phải phát triển nông nghiệp một cách toàn diện”.

Tư tưởng của Người về phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới (XDNTM) đến nay vẫn còn nguyên giá trị lý luận và thực tiễn, là chỉ dẫn quý báu, đặt nền móng cho Đảng ta đề ra quan điểm, đường lối, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển nông nghiệp phù hợp, hiệu quả ở mỗi vùng, địa phương, vì mục tiêu phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, thịnh vượng.

Nông dân là lực lượng tiên phong

Sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa là tìm ra con đường đấu tranh để giải phóng dân tộc, giải phóng cho Nhân dân, vừa mang lại cơm no, áo ấm cho nhân dân và đặc biệt là phải đem lại ruộng đất cho bà con nông dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ, nông dân là lực lượng đông đảo trong xã hội, có lòng yêu nước nồng nàn, ý thức cộng đồng sâu sắc. Trong lịch sử dân tộc, giai cấp nông dân luôn là lực lượng chủ lực trong các cuộc đấu tranh giành độc lập và bảo vệ chủ quyền đất nước.

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh tát nước chống hạn với bà con nông dân ở cánh đồng Quai Chảo, xã Đại Thanh, huyện Thanh Trì, Hà Nội ngày 12-1-1958. (Ảnh tư liệu)

Ngay sau khi nước nhà giành được độc lập, trong thư gửi Hội nghị Cán bộ nông dân cứu quốc toàn quốc vào tháng 11/1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Đồng bào nông dân sẵn có lực lượng to lớn, sẵn có lòng nồng nàn yêu nước, sẵn có chí khí kiên quyết đấu tranh và hy sinh cho độc lập, tự do. Người khẳng định: “Đa số dân ta là nông dân. Mỗi việc đều phải dựa vào nông dân. Nông dân giác ngộ hăng hái thì kháng chiến mới mau thắng lợi, kiến quốc mới chóng thành công, nông dân mới được giải phóng”.

Người còn chỉ rõ: “Nông dân là một lực lượng rất to lớn của dân tộc, một đồng minh rất trung thành của giai cấp công nhân. Muốn kháng chiến kiến quốc thành công, muốn độc lập thống nhất thật sự ắt phải dựa vào lực lượng của nông dân”.

Người đánh giá vai trò của nông dân trong trong cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân. Nghị quyết Đại hội III của Đảng (tháng 9/1960) khẳng định: “Cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân về thực chất là cuộc cách mạng nông dân do giai cấp công nhân lãnh đạo”.

Trong bài viết “Gửi Nông gia Việt Nam” đăng trên tờ báo Tấc đất số 1 ngày 7/12/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Loài người ai cũng “dĩ thực vi tiên” (nghĩa là trước cần phải ăn); nước ta thì “dĩ nông vi bản” (nghĩa là nghề nông làm gốc). Dân muốn ăn no thì phải giồng giọt cho nhiều. Nước muốn giàu mạnh thì phải phát triển nông nghiệp. Vậy chúng ta không nên bỏ hoang một tấc đất nào hết. Chúng ta phải quý mỗi tấc đất như một tấc vàng”.

Với quan điểm và tư tưởng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao và đánh giá vai trò của nông dân là vô cùng quan trọng, vì vậy, trong công cuộc xây dựng nước nhà, Bác rất quan tâm vấn đề nông dân và nông nghiệp: “Chính phủ trông mong vào nông dân, trông cậy vào nông nghiệp phần lớn. Nông dân ta giàu thì nước ta giàu. Nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh. Nông dân muốn giàu, nông nghiệp muốn thịnh, thì cần phải có hợp tác xã”.

Người khẳng định: “Các hợp tác xã nông nghiệp là đội quân hậu cần của quân đội chiến đấu ngoài mặt trận. Các xã viên hợp tác xã là chiến sĩ sản xuất, cần phải cố gắng như chiến sĩ ngoài mặt trận. Các xã viên hợp tác xã phải sản xuất tốt để bộ đội và Nhân dân ta ăn no đánh thắng. Vì vậy, nhiệm vụ của các hợp tác xã nông nghiệp, của bà con xã viên, của cán bộ công tác ở nông thôn là rất quan trọng”.

Lắng nghe nông dân

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn gần gũi với nông dân, đến với nông dân để lắng nghe bà con nói. Mặc dù bận trăm công nghìn việc, nhưng Người vẫn sắp xếp thời gian để về với vùng nông thôn, hướng dẫn nông dân làm ruộng.

Chỉ thống kê trong 10 năm, từ 1955-1965, Bác đã có 700 chuyến đi xuống cơ sở, trong đó, có nhiều chuyến đi thăm nông dân các địa phương. Bác đạp guồng chống úng, cầm gầu tát nước chống hạn với dân, lội ruộng thồ máy cấy lúa... Người quan tâm sâu sát, cụ thể đến mọi công việc của nhà nông.

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh dùng máy cấy lúa cải tiến tại Trại Thí nghiệm trồng lúa, Sở Nông lâm, Hà Nội ngày 16-7-1960. (Ảnh tư liệu)

Người muốn biết đồng bào, đồng chí, người dân ăn, ở, làm việc, học tập, sản xuất và chiến đấu như thế nào, để có sự quan tâm, chỉ đạo cho thiết thực. Đây là cuộc sống, là tình cảm thiết tha của Bác.

Tư tưởng, tình cảm, sự quan tâm của Bác với nông dân còn thể hiện trong nhiều bài viết về nông dân, nông nghiệp, bài nói chuyện khi đi thăm các địa phương, nhắc nhở chỉ đạo, khen thưởng, các bài báo khen chê, biểu dương thành tích, phê bình những việc làm chưa tốt, đặc biệt là những bài báo phản biện những kinh nghiệm, kiến thức về nông nghiệp mà Người học hỏi được trong các chuyến đi thăm trong nước, nước ngoài, hoặc qua sách, báo, đài...

Không dừng ở việc chỉ đạo, quan tâm, mà chính Bác cũng dành thời gian tham gia vào công việc của nhà nông. Trong kháng chiến chống Pháp, công việc bận rộn, lại phải di chuyển chỗ ở liên tục, Bác kêu gọi cán bộ, nhân viên trong cơ quan làm vườn, trồng rau, đậu, bí, nêu một tấm gương sáng trong lao động cần cù, sáng tạo. Cán bộ, nhân viên văn phòng các bộ, các cơ quan kháng chiến khác cũng tích cực tăng gia sản xuất. Thỉnh thoảng họ lại gửi biếu Bác những sản phẩm do chính họ nuôi, trồng được.

Kháng chiến thắng lợi, trở về Thủ đô Hà Nội, Người vẫn có thú vui làm vườn, nuôi cá. Người đã cho cải tạo vườn, ao trong Phủ Chủ tịch để trồng cây ăn quả, trồng rau, nuôi cá. Giống cá trong ao Bác đã đem tặng các địa phương. Người thường nhắc nhở cho giống “ao cá nhà Bác” để các nơi nuôi cá cải thiện đời sống.

Tháng 5/1960, Bác tặng Hợp tác xã Yên Duyên, ngoại thành Hà Nội lúc đó 100 con cá rô phi giống lấy từ “ao cá nhà Bác”. Sau đó số cá này đã được nhân lên với số lượng rất lớn, có năm cao nhất thu hoạch được 200 tấn. Phong trào nuôi cá của hợp tác xã phát triển mạnh, vừa thiết thực cải thiện đời sống xã viên vừa làm nghĩa vụ thực phẩm với Nhà nước. Các địa phương động viên Nhân dân làm theo gương Bác.

....

Ngô Trọng (theo: kinhtenongthon.vn)