Xây dựng nông thôn mới

100.000 tỉ cho nông nghiệp công nghệ cao đã sẵn sàng

12/12/2017
Ngay trung tuần tháng 4 này, gói cho vay 100.000 tỉ đồng dành cho nông nghiệp công nghệ cao với lãi suất ưu đãi, điều kiện vay thuận lợi sẽ được kích hoạt.

Song để tránh cơ chế bị lợi dụng gây rủi ro, nợ xấu, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết sẽ thiết kế đối tượng và quy trình vay chặt chẽ, không xuê xoa, không dễ dãi.

Ưu đãi lãi vay từ 1 - 1,5%/năm

Theo NHNN, thông tư sẽ hướng dẫn chi tiết, cụ thể về quy trình, đối tượng, điều kiện vay… đặc biệt, lãi suất sẽ được ưu đãi từ 1 - 1,5%/năm so với mặt bằng chung. Các tổ chức, cá nhân được vay vốn bao gồm: cá nhân, hộ gia đình cư trú trên địa bàn nông thôn hoặc có hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp; chủ trang trại; tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã trên địa bàn nông thôn hoặc tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp. Đặc biệt, các doanh nghiệp (DN) hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn nông thôn…

NH sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi để cho vay nhưng quy trình phải chặt chẽ, thận trọng. Nếu không cơ chế sẽ bị lợi dụng, DN vẽ dự án cài cắm giá, mua thiết bị cũ kỹ, lạc hậu hoặc thông đồng với NH làm bậy thì lãi suất có rẻ, hay rẻ hơn nữa cũng đâu có nghĩa lý gì.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN

Phó thống đốc NHNN Nguyễn Đồng Tiến cũng khẳng định hiện các NH thương mại đã đăng ký sơ bộ hơn 100.000 tỉ đồng. Mức lãi suất thấp hơn 0,5 - 1%/năm so với lãi suất thông thường hiện nay. "Trước mắt chúng tôi sẽ lo trình sửa đổi Nghị định 55 về cho vay nông nghiệp, nông thôn, trong đó lưu ý đến các đặc thù cho vay nông nghiệp công nghệ cao", ông Tiến nói.

Về cơ chế vay và tài sản thế chấp vốn đang là "nút cổ chai" trong lĩnh vực nông nghiệp, NHNN khẳng định các tổ chức và cá nhân có dự án phù hợp với quy định sẽ được vay bằng cả 2 hình thức là thế chấp và tín chấp. Trong đó sẽ có hướng dẫn cụ thể về việc cho phép thế chấp giấy chứng nhận sử dụng đất, tài sản trên đất ruộng, đất rừng mà người dân, DN được giao. Đối với các dự án cho vay tín chấp sẽ được xem xét theo hiệu quả của từng dự án. Ví dụ, cho vay tối đa 50 triệu đồng đối với cá nhân, hộ gia đình cư trú ngoài khu vực nông thôn có hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp. Hoặc tối đa 200 triệu đồng đối với cá nhân, hộ gia đình đầu tư cây công nghiệp, cây ăn quả lâu năm. Hoặc tối đa 1 tỉ đồng đối với hợp tác xã, chủ trang trại hoạt động trên địa bàn nông thôn hoặc hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp…

Trước và ngay sau khi thông tin gói 100.000 tỉ đồng này được tung ra, phía các NH thương mại đã nhanh chân nắm bắt cơ hội. "Ông lớn" chiếm thị phần 50% trong cho vay lĩnh vực nông nghiệp là Agribank đã cam kết rót 50.000 tỉ đồng với lãi suất ưu đãi, thấp hơn từ 0,5 - 1,5%/năm so với bình quân mặt bằng lãi suất cho vay hiện tại. Toàn bộ 2.300 chi nhánh của Agribank sẽ được triển khai liên tục để cho vay. Trong khi đó, VietcomBank, BIDV, LienVietPotsBank hứa dành 10.000 tỉ đồng. Đây là một tín hiệu vô cùng tích cực cho nền nông nghiệp hiện đại của VN khi mà thời gian qua, theo thống kê của NHNN, tín dụng bơm vào lĩnh vực này rất khiêm tốn. Cụ thể, dư nợ mới chỉ đạt 3.700 tỉ đồng đối với 25 DN được Bộ NN-PTNT cấp giấy chứng nhận DN nông nghiệp công nghệ cao.

Quan trọng nhất, dự án phải hiệu quả

Không chỉ các nhà băng, hiệu ứng tích cực gói 100.000 tỉ đang lan tỏa rất rộng và được các người dân, DN hồ hởi đón nhận. Trao đổi với Thanh Niên chiều qua, ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN, cho biết thư đề nghị vay vốn lên tới hàng chục, hàng trăm tỉ đồng được gửi tới tấp đến các NH thương mại và NHNN. Thế nhưng, phía sau đó cũng còn nhiều vấn đề mà nếu không làm cẩn thận có thể để lại hậu quả khôn lường. "Có DN đang nợ xấu gần chục tỉ đồng, họ đề nghị khoanh nợ lại cho vay 100 tỉ đồng để đầu tư nông nghiệp công nghệ cao. Điều đó thực sự rất rủi ro, vì 10 tỉ chưa trả được, 100 tỉ sẽ trả kiểu gì", ông Hùng phân trần.

Chính vì vậy, thông tư lần này dù rất ưu đãi, thuận lợi nhưng theo ông Hùng cũng phải rất chặt chẽ trong đối tượng cho vay. Đối với cá nhân, hợp tác xã vay các gói nhỏ khoảng 100 triệu hay 1 - 2 tỉ đồng không quá đáng lo, nhưng với DN vay làm ăn quy mô lớn hàng trăm tỉ phải thận trọng. Đơn cử quy định của Nghị định 55, các DN nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được tổ chức tín dụng xem xét cho vay không có tài sản bảo đảm tối đa bằng 80% giá trị của dự án, phương án sản xuất kinh doanh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Quy định này cần phải xem lại vì DN họ vay vốn lớn, nếu cho vay lên tới 80% tài sản hình thành từ vốn vay là cực kỳ rủi ro.

Vẫn theo lãnh đạo Vụ Tín dụng, lãi suất ưu đãi là một phần quan trọng trong gói vay, nhưng quan trọng hơn cả nằm ở hiệu quả của dự án. Một dự án nếu có đầu ra tốt, khả thi, hiệu quả thì chẳng cần phải gói nào, chắc chắn NH sẽ đến tận nơi phục vụ tận răng để cho vay với lãi suất ưu đãi. Còn nếu dự án làm ra bị tắc hay rớt giá thảm hại như dưa hấu, hay lợn thời gian qua sẽ vô cùng rủi ro. "NH sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi để cho vay nhưng quy trình phải chặt chẽ, thận trọng. Nếu không cơ chế sẽ bị lợi dụng, DN vẽ dự án cài cắm giá, mua thiết bị cũ kỹ, lạc hậu hoặc thông đồng với NH làm bậy thì lãi suất có rẻ, hay rẻ hơn nữa cũng đâu có nghĩa lý gì", ông Hùng lo lắng.

Ngoài ra, theo ông Tiết Văn Thành, Tổng giám đốc Agribank, do quy hoạch cây, con, ngành nghề của địa phương hiện nay còn chưa rõ, còn manh mún. Bên cạnh đó, việc cấp giấy chứng nhận nông nghiệp công nghệ cao còn chậm và các NH phải tự mày mò các quy định liên quan gây ra nhiều khó khăn. Đặc biệt, giá trị đất đai làm tài sản đảm bảo thấp do địa phương định giá theo khung giá nhà nước trong khi khoản vay giá trị lớn, pháp luật chưa cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản trên đất nông nghiệp (nhà xưởng, nhà kính…) khiến các NH gặp nhiều trở ngại trong xem xét tài sản thế chấp để cho vay.

Nguyên Thống đốc NHNN Cao Sĩ Kiêm cho rằng gói cho vay 100.000 tỉ đồng tất cả mới chỉ dừng ở cam kết, lời hứa. Đây là gói vay không có hỗ trợ lãi suất từ nhà nước như gói 30.000 tỉ đồng hay các gói khác, do đó cần phải có cơ chế chính sách, đối tượng vay thật rõ ràng, chi tiết và gắn với trách nhiệm cụ thể. Bên cạnh đó, nhà nước phải có hỗ trợ khác về mặt thủ tục như xác định tài sản, bất động sản hợp pháp để người dân, DN có đủ điều kiện được vay vốn. "Nông dân xưa nay thu nhập thấp, đời sống khó khăn, dù quanh năm vất vả. Do vậy, chính sách lần này phải hướng tới giúp đỡ các hộ gia đình, hợp tác xã, chủ trang trại, người nông dân", ông Kiêm nói.

Theo: Thanhnien.online