
Nâng cao vai trò Hội Nông dân trong phát triển kinh tế tập thể
UBND tỉnh An Giang vừa ban hành Kế hoạch 1215/KH-UBND để thực hiện Quyết định 182/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Hội Nông dân Việt Nam tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh An Giang, nhằm nâng cao vai trò Hội Nông dân trong tham gia phát triển kinh tế tập thể (KTTT) thời gian tới.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thị Minh Thúy, kế hoạch sẽ tập trung vào việc củng cố, phát triển các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp, đặc biệt là các HTX liên kết với chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực của tỉnh, như: Lúa gạo, cây ăn trái, thủy sản. Đồng thời, cũng đặt mục tiêu thành lập mới nhiều tổ hợp tác (THT) và hỗ trợ nông dân tiếp cận các nguồn vốn tín dụng; tiếp tục đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của các loại hình KTTT trên địa bàn tỉnh.
Về thời gian thực hiện kế hoạch, sẽ chia thành 2 giai đoạn: Từ nay đến năm 2025, giai đoạn 2026 - 2030. Cụ thể, từ nay đến năm 2025, tỉnh sẽ khảo sát và chọn 11 HTX trong lĩnh vực nông nghiệp tại 11 huyện, thành phố làm điểm chỉ đạo của Hội Nông dân tỉnh. Bên cạnh, cũng hỗ trợ thành lập mới ít nhất 4 HTX, 100 tổ hợp tác (THT) trong nông nghiệp; củng cố, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động cho ít nhất 11 HTX nông nghiệp do Hội Nông dân các cấp vận động, hướng dẫn, hỗ trợ thành lập; thu hút thêm khoảng 5.150 hội viên, nông dân tham gia các tổ chức KTTT trong nông nghiệp.
Đồng thời, sẽ hỗ trợ ít nhất 20 chi Hội Nông dân nghề nghiệp, 100 tổ Hội Nông dân nghề nghiệp phát triển thành HTX, THT nông nghiệp. Phấn đấu có ít nhất 11 HTX nông nghiệp do Hội Nông dân hỗ trợ thành lập tham gia liên kết sản xuất, kinh doanh với doanh nghiệp, tổ chức kinh tế khác. Phấn đấu có 100% cán bộ Hội Nông dân các cấp làm công tác hỗ trợ phát triển KTTT được bồi dưỡng, tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng tuyên truyền, vận động; ít nhất 70% số cán bộ chủ chốt HTX nông nghiệp được tham gia đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao trình độ quản lý, chuyên môn, nghiệp vụ.
Về mục tiêu đến năm 2030, Hội Nông dân các cấp tham gia tư vấn, hỗ trợ thành lập mới ít nhất 20 HTX, phấn đấu có 1.000 THT trong nông nghiệp; củng cố, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động cho 20 HTX nông nghiệp do Hội Nông dân vận động, hướng dẫn, hỗ trợ thành lập. Thu hút thêm 10% số hộ hội viên, nông dân tham gia các tổ chức KTTT trong nông nghiệp. Hỗ trợ ít nhất 15% số chi Hội Nông dân nghề nghiệp, Tổ Hội Nông dân nghề nghiệp phát triển thành HTX, THT nông nghiệp.
Nâng cao vai trò của Hội Nông dân trong phát triển kinh tế hợp tác
Bên canh, cũng phấn đấu có ít nhất 45% số HTX nông nghiệp do Hội Nông dân hỗ trợ thành lập tham gia liên kết sản xuất, kinh doanh với doanh nghiệp và tổ chức kinh tế khác; ít nhất 30% số HTX nông nghiệp được hỗ trợ tiếp cận các nguồn vốn tín dụng. Phấn đấu có 100% cán bộ Hội Nông dân các cấp làm công tác hỗ trợ phát triển KTTT được bồi dưỡng, tập huấn nâng cao kiến thức và kỹ năng tuyên truyền, vận động, tư vấn, hỗ trợ nông dân phát triển KTTT; ít nhất 90% số cán bộ chủ chốt HTX nông nghiệp được tham gia đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao trình độ quản lý, chuyên môn, nghiệp vụ.
Để thực hiện các mục tiêu đề ra, UBND tỉnh An Giang đề ra các giải pháp và yêu cầu Hội Nông dân tỉnh, các sở, ngành liên quan phối hợp thực hiện hiệu quả. Trong đó, sẽ đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về KTTT trong nông nghiệp; tổ chức các lớp tập huấn, hội nghị để chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, nâng cao nhận thức cho hội viên, nông dân về hợp tác, liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo chuỗi giá trị; vận động hội viên, nông dân tích cực tham gia phát triển KTTT trong nông nghiệp thông qua sinh hoạt chi hội, tổ hội, câu lạc bộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi.
Thường xuyên rà soát kết quả hoạt động, đề xuất các giải pháp cụ thể nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của THT, HTX nông nghiệp. Thực hiện sắp xếp, tái cơ cấu, tổ chức lại các THT, HTX nông nghiệp hoạt động không hiệu quả, ngừng hoạt động. Tích cực tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ hội viên, nông dân thành lập, phát triển các THT, HTX nông nghiệp, mở rộng đối tượng tham gia.
Hội Nông dân các cấp tích cực vận động nông dân tham gia các hình thức kinh tế tập thể
Cùng với đó, UBND tỉnh cũng yêu cầu Hội Nông dân An Giang phối hợp các sở, ngành liên quan tăng cường bồi dưỡng, đào tạo nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của THT, HTX nông nghiệp; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng các nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, doanh nhân nông thôn thành giám đốc HTX nông nghiệp. Nâng cao chất lượng công tác chỉ đạo, điều hành và tham gia hỗ trợ phát triển KTTT, HTX của Hội Nông dân các cấp.
Tăng cường tư vấn, hỗ trợ HTX, THT, chi - tổ Hội Nông dân nghề nghiệp được tiếp cận các nguồn vốn vay để đầu tư sản xuất, chế biến, kinh doanh nông sản. Phối hợp, tổ chức các sự kiện, các diễn đàn trong nước, quốc tế để xúc tiến thương mại, quảng bá, kết nối, hỗ trợ xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp của các HTX. Liên kết với các cá nhân, tổ chức trong, ngoài nước về đào tạo, chuyển giao khoa học kỹ thuật, công nghệ mới để nâng cao trình độ cho các thành viên THT, HTX.
Đặc biệt, UBND tỉnh yêu cầu Hội Nông dân An Giang, các sở ngành phối hợp thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp thúc đẩy việc chuyển đổi số, gắn với đổi mới quản lý và phương thức hoạt động của mô hình kinh tế KTTT. Qua đó, giúp các HTX, THT của tỉnh nâng cao hiệu quả hoạt động, đáp ứng nhu cầu thời hội nhập.
Tin khác
- Agribank tăng cường hỗ trợ vốn, thúc đẩy phát triển ngành lúa gạo
- Hội nghị lấy ý kiến đóng góp dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng bộ cơ quan Hội Nông dân tỉnh.
- Phú Thọ Tuyên truyền, vận động nông dân tham gia Đề án một triệu hecta lúa chất lượng cao, phát thải thấp.
- An Giang thông báo Về việc nghỉ Lễ, Tết năm 2025
- Hội Nông dân An Giang thực hiện Đề án “Hội Nông dân Việt Nam tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp đến năm 2030”.